Bão lửa và tuyết vây kín nước Mỹ, Syria tranh thủ chiếm trọn miền Nam

Mỹ vật lộn với loạt vụ cháy rừng nghiêm trọng ở bờ Tây và trận bão tuyết đầu mùa kinh hoàng quét qua bờ Đông, Syria đánh bật IS ở miền Nam, Hội nghị cấp cao APEC bị phủ bóng bởi căng thẳng Mỹ-Trung... là những tin tức đáng chú ý nhất tuần qua.

Lửa bờ Tây và tuyết bờ Đông vây kín nước Mỹ

Trong cùng một thời điểm, khi người dân ở California, bờ Tây Mỹ, đang đau đầu vật lộn với loạt vụ cháy rừng nghiêm trọng khiến 74 người thiệt mạng, 1.300 người mất tích thì miền Đông Mỹ hứng chịu đợt bão tuyết đầu mùa lớn nhất trong 30 năm, thời tiết lạnh giá bất thường xũn đã khiến nhiều người thiệt mạng.

Lửa cháy rừng ở California, Mỹ. Ảnh: Reuters

Theo CNN, người dân ở khu vực New England thức dậy buổi sáng ngày 16-11 khi đợt bão tuyết đầu mùa lớn nhất trong 30 năm tàn phá nhiều cơ sở hạ tầng, làm giao thông đình trệ, khiến hàng trăm ngàn người khốn khổ vì mất điện.

Cơn bão tuyến di chuyển từ khu vực Trung Tây, sau đó lan rộng ra vùng Đông Nam và Đông Bắc nước Mỹ, mang theo mưa, tuyết và băng. Thời tiết khắc nghiệt cũng đã khiến trường học đóng cửa, hàng trăm chuyến bay bị hủy, trong khi một phần đường sắt không thể sử dụng.

Băng tuyết bao trùm bờ Đông nươc Mỹ. Ảnh: ITN

Trong khi đó, ba đám cháy rừng Camp, Woolsey và Hill đã tàn phá nhiều vùng rộng lớn thuộc bang California và chưa có dấu hiệu sẽ sớm được kiểm soát. Trong số này, Camp trở thành đám cháy gây hậu quả nặng nề nhất trong lịch sử bang này, khiến 74 người thiệt mạng, hơn 1.300 người mất tích, thiêu rụi 56.000 hecta rừng và phá hủy hơn 12.000 công trình.

"Thật là đau buồn. Họ nói với tôi rằng cảnh tượng không tồi tệ như vậy ở một số nơi, nhưng nhiều khu vực đã bị thiêu rụi hoàn toàn", Tổng thống Mỹ Donald Trump nói sau chuyến thị sát thị trấn Paradise, nơi bị tàn phá bởi vụ cháy rừng tồi tệ nhất lịch sử.

APEC lần đầu không thể ra được tuyên bố chung vì căng thẳng Mỹ - Trung

AP ngày 18-11 cho hay, lãnh đạo các nền kinh tế dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Papua New Guinea chưa thể đồng thuận ra một tuyên bố chung, thay vào đó Papua New Guinea sẽ ra tuyên bố chủ tịch.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence. Ảnh: RT

Theo lời Thủ tướng Canada Justin Trudeau, nguyên nhân là do sự khác biệt xoay quanh vấn đề thương mại giữa các nước, trong đó lớn nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc. Tại họp báo kết thúc sự kiện, Thủ tướng Papua New Guinea Peter O'Neil đã hóm hỉnh nói rằng: "Các bạn biết đấy, có hai người khổng lồ ở trong căn phòng".

Trong những tháng gần đây, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc xấu đi sau khi hai bên áp dụng các biện pháp thuế quan trị giá hàng tỷ USD đáp trả lẫn nhau. Giới chuyên gia cảnh báo tình trạng đối đầu thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ dẫn tới hậu quả thảm khốc đối với nền kinh tế toàn cầu.

Tại hội nghị cấp cao APEC, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã có nhiều màn tranh cãi nảy lửa về vấn đề này.

Quân đội Syria đánh bật IS khỏi thành trì cuối cùng ở miền Nam

Tổ chức giám sát nhân quyền Syria (SOHR) ngày 18-11 cho biết quân đội Chính phủ Syria đã giành quyền kiểm soát khu vực núi lửa Al-Safa, thành trì cuối cùng của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở miền Nam nước này. Các tay súng tàn quân của IS đã chạy về khu sa mạc Badia ở miền Đông, gần khu vực các nhóm phiến quân thân Mỹ kiểm soát.

Binh sĩ Syria gần khu vực Al-Safa. Ảnh: AMN

SOHR nói rằng IS đã rút khỏi vùng núi lửa nhờ một thỏa thuận đầu hàng với quân đội chính phủ, theo đó tránh các cuộc tấn công ồ ạt do Damascus tiến hành.

Quân đội Syria đã tiến hành không kích vào khu vực Al-Safa từ tháng 10. Quân đội Syria dưới sự hậu thuẫn của Nga đang nỗ lực giành lại các vùng lãnh thổ từ tay khủng bố và phiến quân.

Cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ y án chung thân

Nuon Chea (92 tuổi) và Khieu Samphan (87 tuổi), hai thủ lĩnh cấp cao của chế độ Khmer Đỏ diệt chủng tàn bạo, đã bị y án chung thân do phạm tội ác chống lại loài người và diệt chủng, sau khi tòa án quốc tế xét xử tội ác Khmer Đỏ tại Campuchia (ECCC) ngày 16-11 đã tuyên giữ nguyên mức án của Tòa sơ thẩm đưa ra cách đây hơn 2 năm.

Nuon Chea và Khieu Samphan. Ảnh: AP

Nuon Chea và Khieu Samphan bị phán quyết đã phạm tội ác chống lại loài người và diệt chủng đối với các cộng đồng người Chăm, người Hồi giáo và người Việt trong thời kỳ Khmer Đỏ cầm quyền tại Campuchia từ giai đoạn 1975 - 1979.

Quãng thời gian này được xem là đen tối nhất lịch sử Campuchia. Khmer Đỏ đã duy trì một chế độ tàn bạo, không trường học, không giao dịch... và bị coi là đã tiến hành nạn diệt chủng lớn nhất của nhân loại cuối thế kỷ 20. Các tội ác của chúng đã bị cả thế giới lên án.

Tòa án ban đầu dự định xét xử toàn bộ tội danh của Nuon Chea và Khieu Samphan trong một phiên tòa, song đã tách làm 2 phiên xử liền nhau nhằm tránh những người này chết trước khi công lý được thực thi.

Nuon Chea và Khieu Samphan được xem là hai kẻ thân cận với thủ lĩnh Pol Pot của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. Pol Pot đã chết khi lẩn trốn chui lủi trong rừng vào năm 1998.

Hàn Quốc cho nổ tung trạm gác gần biên giới với Triều Tiên

Ngày 15-11, Hàn Quốc đã phá hủy một trạm tiền đồn gần biên giới liên Triều bằng thuốc nổ, trong một động thái quyết liệt cho thấy thiện chí của Seoul trong việc hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Khoảnh khắc trạm gác của Hàn Quốc nổ tung. Ảnh: Reuters

Theo AP, quân đội Hàn Quốc đã mời một nhóm phóng viên tới dự sự kiện đánh sập trạm gác ở vùng Cheorwon, khu vực trung tâm biên giới. Sau khi kích nổ trạm gác, các binh sĩ Hàn Quốc đã dùng máy xúc dọn sạch khu vực trên. Các trạm gác này nằm trong Khu phi quân sự DMZ rộng 4 km, trải dài 248 km, ngăn cách biên giới liên Triều.

Truyền thông Hàn Quốc nói rằng Triều Tiên cũng sẽ sớm cho nổ các trạm gác. Đây là một phần của thỏa thuận được ký trong cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Moon Jae In tại Bình Nhưỡng hồi tháng 9.

Tuần trước, Hàn Quốc và Triều Tiên đã hoàn thành việc rút quân và vũ khí khỏi các trạm gác ở Khu vực An ninh chung (JSC) nằm trong DMZ.

Bé gái 4 tháng tuổi Yemen qua đời vì đói trong vòng tay bố

Gia đình bé gái Hajar al-Faqeh,4 tháng tuổi, đã cố hết sức băng qua vùng bom đạn để mang con gái đến bệnh viện chữa suy dinh dưỡng, nhưng cô bé không qua khỏi, em đã qua đời ngày 16-11 trong vòng tay của bố, trở thành một cái tên nối dài danh sách hàng ngàn đứa trẻ thiệt mạng vì đói khát ở Yemen.

Bàn tay Hajar trong tay cha. Ảnh: Getty Images

Reuters nói rằng Thi thể của Hajar đã được đặt cạnh một bé trai qua đời cùng ngày có tên Mohammed Hashem. Em cũng qua đời vì suy kiệt sau nhiều ngày không được ăn uống.

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, trẻ em Yemen đang sống tại một nơi tệ hơn bất cứ nơi nào khác trên trái đất này, khi các em phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng nặng và có thể tử vong bất cứ lúc nào bởi bom đạn từ hậu quả của một cuộc nội chiến khốc liệt.

Cuộc xung đột kéo dài gần 3 năm tại quốc gia vùng Vịnh đã phá hủy gần như toàn bộ cơ sở vật chất của nước này, từ trường học cho tới các trạm y tế, và cũng theo đó đẩy hàng triệu người vào cảnh buộc phải tìm kiếm một nơi nào đó khác trên trái đất này để sinh tồn.

Trong số hàng trăm ngàn người cố gắng di cư đến châu Âu thì lại có tới vài ngàn người trong số họ không thể tới đích vì đã chết trên đường di cư bởi lật thuyền, bệnh tật và đói khát.

Thiện Minh (Tổng hợp)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-gioi-24h/nong-trong-tuan-bao-lua-va-tuyet-vay-kin-nuoc-my-syria-tranh-thu-chiem-tron-mien-nam-520642/