Bão lũ ở miền Trung khiến hàng chục người chết, nhiều vùng cô lập

Hoàn lưu bão số 12 kết hợp không khí lạnh tăng cường gây mưa lớn ngập lụt trên diện rộng, chia cắt nhiều nơi tại các tỉnh miền Trung, miền núi sạt lở

Theo thống kê chưa đầy đủ, sạt lở núi đã làm nhiều người chết và mất tích, nhiều thôn, bản bị cô lập, giao thông chia cắt. Hiện các tỉnh miền Trung đang tập trung lực lượng, phương tiện tìm kiếm người mất tích, sơ tán người dân đến nơi an toàn, đồng thời khắc phục sự cố sạt lở, đảm bảo thông đường sớm nhất.

Hiện trường vụ sạt lở núi.

Mưa lớn kéo dài mấy ngày nay đã gây sạt lở núi ở nhiều khu vực miền núi của tỉnh Quảng Nam. Sau nhiều giờ nỗ lực tìm kiếm, đến sáng nay (6/11), lực lượng cứu hộ mới tìm thấy thi thể 2 nạn nhân trong vụ lở núi xảy ra đêm qua ở thị trấn Bắc Trà My. Hiện lực lượng chức năng vẫn đang tích cực tìm kiếm những nạn nhân còn lại.

Đoàn công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đi kiểm tra thực tế và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả sạt lở tại huyện miền núi Bắc Trà My.

Trước những mất mát to lớn về người và tài sản gây ra đối với người dân tỉnh Quảng Nam, sáng nay (6/11), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương trực tiếp đến hiện trường vụ sạt lở núi tại thị trấn Trà My huyện Bắc Trà My, thăm hỏi, động viên chia buồn với gia đình người bị nạn vượt qua khó khăn mất mát do thiên tai gây ra; chỉ đạo các cấp, chính quyền tích cực tìm kiếm nạn nhân còn lại của vụ sạt lở núi; tập trung vừa khắc phục, vừa ứng phó với thiên tai trong những ngày tới.

Lãnh đạo huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết: đến nay trên địa bàn huyện có 4 người chết, 6 người mất tích, 7 người bị hương, hơn 1.400 ngôi nhà bị ngập nước. Hầu hết các tuyến giao thông trên địa bàn huyện đều bị sạt lở nghiêm trọng.

Mưa lũ gây thiệt hại lớn đến sản xuất, hoa màu của người dân. Hầu hết diện tích lúa nước dọc theo các sông suối tại các xã thị trấn bị xói lở bồi lấp hoàn toàn. Còn theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam thì trên địa bàn có 6 người chết, 15 người mất tích, 15 người bị thương, hàng trăm ngôi nhà bị thương, hơn 8.000 mét kênh mương bị sạt lở; hàng chục điểm sạt lở trên các tuyến Quốc lộ, Tỉnh lộ.

Báo cáo với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, đợt mưa này gần 500 mm tập trung ở các huyện miền núi, hiện mức nước trên các sông lên rất nhanh nên lũ lụt sẽ còn kéo dài.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo sơ tán triệt để người dân ra khỏi vùng sạt lở.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo, trước mắt tập trung tìm kiếm người mất tích, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân; sơ tán triệt để những người dân ra khỏi vùng sạt lở. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công thương phối hợp với tỉnh và các chủ hồ đảm bảo an toàn hồ đập nhưng không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân vùng hạ du, thường xuyên theo dõi để phát hiện những sự cố ở thân đập, tập trung đảm bảo cuộc sống, đi lại cho người dân. Chính quyền địa phương phối hợp với các lực lượng vũ trang sớm khắc phục thiệt hại về hạ tầng, tuyệt đối không để người dân thiếu đói. Tổ chức thăm hỏi các gia đình có người thân bị chết, mất tích, khẩn trương khắc phục đảm bảo lưới điện, đảm bảo giao thông thông suốt trong những ngày tới.

Theo ông Hoàng Như Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi, từ hôm qua đến nay trên địa bàn huyện có mưa rất to, gây sạt lở nặng nhiều nơi, tập trung chủ yếu ở các xã Trà Xinh, Trà Phong. Sạt lở làm giao thông bị chia cắt, nhiều khu dân cư ở các xã Trà Phong, Trà Thanh, Trà Khê, Trà Xinh, Trà Quân, Trà Lãnh bị cô lập.. Ở các điểm có nguy cơ sạt lở núi, huyện chỉ đạo các địa phương khẩn trương sơ tán dân đến nơi an toàn. Đồng thời thực hiện phương châm “4 tại chỗ” hỗ trợ cho bà con gạo và mì tôm, không để bà con thiếu đói.

"Huyện có trên 300 hộ và 600 nhân khẩu ở các điểm có nguy cơ sạt lở. Nên phương án của huyện đó là thực hiện 4 tại chỗ. Hiện nay huyện đã dự trữ 30 tấn gạo và mì tôm nên không sợ thiếu đói. Còn bà con cũng đã dự trữ gạo nên đảm bảo để bà con ăn trong những ngày mưa"- Ông Hoàng Như Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Trà, Phó trưởng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện cho biết.

Tập trung san gạt đất đá tìm kiếm người dân bị vùi lấp ở huyện Bắc Trà My.

Mưa lớn cũng gây sạt lở nặng tại 13 điểm của huyện miền núi Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi nhiều tuyến đường từ trung tâm huyện đến trung tâm các xã bị chia cắt. Ông Nguyễn Xuân Bắc, Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng cho biết, chiều qua (5/11), một tảng đá lớn đổ sập xuống gian bếp của gia đình ông Hồ Văn Thế, ở thôn 1 xã Trà Giang huyện Trà Bồng l. Ngay sau khi sự cố xảy ra , lãnh đạo địa phương đã đến chia buồn và hỗ trợ gia đình.

Sạt lở núi trên QL49 cũng làm cho giao thông từ thành phố Huế lên huyện miền núi A Lưới bị ách tắc.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, gần 30 nhân công cùng toàn bộ máy móc, phương tiện của Hạt đường bộ A Lưới đã được huy động khắc phục 2 điểm sạt lở trên. Tuy nhiên, do khối lượng đất đá sạt lở quá lớn hơn 2000m3, hiện tại lại đang mưa lớn nên công tác khắc phục gặp rất nhiều khó khăn. Địa phương cũng đã cắt cử lực lượng chốt chặn tại các điểm sản lở không cho người và phương tiện qua lại.

"Trời mưa to liên tục nên lượng đất bị no nước nên trong quá trình khắc phục hết sức khó khăn. Nếu nhanh nhất thì tối nay sẽ thông tuyến, còn chậm nhất thì phải đến trưa mai bởi khối lượng đất đá rất lớn."- ông Hùng cho hay.

Trong khi đó tại tỉnh Khánh Hòa, tuyến đường sắt Bắc Nam đoạn qua đèo Cả bị sạt lở đoạn dài nằm dưới chân đèo Cả, thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.

Mưa bão đã làm sạt lở ta luy âm nền đường sắt về phía biển dài 30 mét, sâu 30 mét khiến đường sắt Bắc- Nam đoạn qua đèo Cả bị ách tắc hoàn toàn từ ngày 4/11 đến nay. Hệ thống trụ thông tin gãy đổ khiến liên lạc ngành đường sắt qua Phú Yên bị tê liệt.

Ngập lụt tại xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Hiện nay, tất cả đoàn tàu lửa từ phía bắc vào đều dừng tại các ga phía nam Phú Yên, các đoàn tàu từ Sài Gòn ra đều dừng lại tại các ga phía bắc Khánh Hòa để trung chuyển bằng ô tô. Đêm qua, Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn tại Nha Trang đã huy động gần 20 ô tô khách trung chuyển khoảng 600 hành khách trên hai đoàn tàu SE1, SE2 từ ga Hảo Sơn (Phú Yên) đến ga Đại Lãnh (Khánh Hòa) và ngược lại để tiếp tục đi tàu. Tuy nhiên, tại các miền miền Trung đang bị mưa lụt, gây tắc đường nên việc đi lại bị gián đoạn.

Ngành đường sắt đang hỗ trợ trung chuyển bằng xe ô tô hoặc trả vé, không thu phí để người dân chọn phương tiện khác. Công ty đường sắt Phú Khánh đang huy động tối đa công nhân, phương tiện, rọ đá, để sớm khắc phục sạt lở tại đèo Cả.

Ông Lê Hồng Sơn - Phó Giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn tại Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cho biết: "Sóng biển đánh vào kè đường sắt, làm lở, trôi đoạn đấy đi. Dự kiến sớm nhất cũng phải đến ngày 8/11 mới khôi phục. Cũng phải bỏ một số chuyến vì đoạn ở Quảng Trị, Đông Hà đang ngập. Hôm qua, chuyển 10 chuyến mà cũng không chạy được"./.

Nhóm PV VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/bao-lu-o-mien-trung-khien-hang-chuc-nguoi-chet-nhieu-vung-co-lap-692162.vov