Bão lũ hoành hành miền Trung

Khánh Hòa tan hoang sau bão

Khánh Hòa tan hoang sau bão

Cơn bão số 12 đổ bộ vào tỉnh Khánh Hòa vào sáng sớm 4-11 đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Các địa phương nằm trọn trong tâm bão là TP Nha Trang, thị xã Ninh Hòa và H. Vạn Ninh. Theo người dân địa phương, hơn 20 năm qua mới có một cơn bão lớn đổ bộ vào Khánh Hòa gây thiệt hại nặng nề nhất mà họ từng biết tới. Nhiều hộ đã "trắng tay" chỉ trong vài giờ cơn bão đi qua. Xã ven biển Đại Lãnh, H. Vạn Ninh, là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nhất. Sáng 5-11, UBND tỉnh Khánh Hòa có cuộc họp đánh giá sơ bộ tình hình thiệt hại do cơn bão số 12; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh chỉ đạo các ngành chức năng, doanh nghiệp cần sớm khôi phục lại hệ thống điện, nước, thông tin. Trước mắt phối hợp chính quyền các địa phương bố trí chỗ ở tạm, lương thực, thực phẩm cho số gia đình bị tốc mái, hư hỏng nhà ở. Tổ chức thăm hỏi, chia sẻ, động viên, hỗ trợ vật chất các gia đình có người bị thiệt mạng; tổ chức tìm kiếm người mất tích, chú trọng đến công tác bảo đảm an toàn điện, sửa chữa nhà cửa để tránh phát sinh thêm trường hợp thiệt hại về người.

Hiện lũ trên các sông ở Phú Yên, Quảng Ngãi đang lên nhanh. Tình trạng ngập lụt sâu trên diện rộng ở vùng trũng thấp một số địa phương ở các H.Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Bình Sơn, TP Quảng Ngãi), ngập sâu từ 1 - 3m. H. Sơn Hà đã tổ chức di dời hơn 114 hộ dân ở vùng có nguy cơ ngập lụt tại các thôn Bầu Sơn, Canh Mo và Xà Nay, xã Sơn Nham đến nơi an toàn. Các huyện Bình Sơn, Mộ Đức cũng tổ chức lực lượng hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả dông, lốc, ổn định đời sống.

Thị trấn Ái Nghĩa (H. Đại Lộc) chìm trong nước lũ. Ảnh: H.A

Thị trấn Ái Nghĩa (H. Đại Lộc) chìm trong nước lũ. Ảnh: H.A

Nước sông Thu Bồn tràn bờ. Ảnh: H.A

Quảng Nam chạy lũ

Ngày 5-11 nước lũ vẫn tiếp tục dâng, mực nước trên sông Vu Gia và Thu Bồn trên mức báo động 3. Các địa phương Đại Lộc, Duy Xuyên, Hội An và Điện Bàn chìm trong biển nước. Nước tràn vào nhà dân, bao vây xóm làng và chia cắt các tuyến đường. Tại rốn lũ H. Đại Lộc, mọi tuyến đường dẫn vào trung tâm Thị trấn Ái Nghĩa đều bị ngập nặng.

Ông Trần Văn Mai, Chủ tịch H.Đại Lộc cho biết đã cho di dời người già và trẻ em một số vùng sung yếu như thôn Mỹ Hòa (xã Đại Phong) và thôn Quảng Đại 1 (xã Đại Cường)... Huyện đã xây dựng phương án di dời dân nếu nước sông tiếp tục lên. Tại Hội An, Điện Bàn và Duy Xuyên nước lũ cũng lên nhanh khiến mọi tuyến đường giao thông nông thôn và hai tuyến tỉnh lộ ĐT 609 và ĐT608 trên địa bàn thị xã Điện Bàn bị nước lũ chia cắt. Địa phương sẽ thực hiện phương án 4 tại chỗ, di dời người dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Nhiều tuyến đường tại phố cổ Hội An cũng chìm trong nước lũ, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động du lịch và buôn bán của người dân. Ông Nguyễn Thế Hùng- Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, để đảm bảo an toàn cho người dân cùng du khách, thành phố đã cấm các ghe thuyền trên địa bàn đưa đón khách tham quan trong phố cổ và các khu vực lân cận. "Hội An còn một số sự kiện của APEC vì vậy khi nước rút tới đâu chúng tôi huy động nguồn lực dọn dẹp môi trường, vệ sinh tới đó nhằm đảm bảo tốt các chương trình APEC", ông Hùng cho biết.

Ngày 5-11, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã đi kiểm tra tình hình phóng chống bão lũ tại các địa phương, yêu cầu các địa phương phải theo dõi sát sao diễn biến của mưa lũ, không được chủ quan. Kiểm tra tình hình sạt lở ở biển Cửa Đại, ông Đinh Văn Thu yêu cầu TP Hội An gấp rút điều động nhân lực, phương tiện, cát và bao tải khẩn trương kè chống một số tuyến đang bị xói lở nặng tại biển Cửa Đại. Ông Thu cho biết sẽ yêu cầu các đơn vị thủy điện vận hành xả lũ hợp lý hơn nhằm bảo đảm an toàn cho tài sản và tính mạng của nhân dân.

TT-Huế khả năng sẽ vượt lũ lịch sử năm 1999

Nước lũ ngập sâu trên QL1A qua địa bàn H.Phú Lộc.

Theo ghi nhận của P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, tại 2 điểm qua xã Lộc Bổn và TT Phú Lộc (H.Phú Lộc, TT-Huế) nước lũ từ thượng nguồn đổ về nhanh khiến các đoạn này ngập sâu. Hàng ngàn xe khách, xe tải Bắc- Nam phải nằm chờ, rồi sau đó di chuyển rất chậm qua cung đường này. Tại khu vực gần cầu Nong đoạn qua xã Lộc Bổn, nước lũ chảy xiết, ngập đường, tràn vào nhà dân hai bên QL1A. Lực lượng CSGT cùng với người dân địa phương đã huy động xe cẩu dịch chuyển một số con lươn đi vị trí khác để cho nước lũ dễ dàng thoát. Từ QL1A đi các xã: Lộc Trì, Lộc Điền, Lộc Thủy, Lộc Tiến (H.Phú Lộc) cũng ngập chìm trong lũ, giao thông hoàn toàn tê liệt. Ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND H.Phú Lộc cho biết, tính đến chiều 5-11, huyện đã di dời 234 hộ bị ngập sâu và có nguy cơ sạt lở cao. Bờ biển xã Vinh Hải tiếp tục sạt lở, đặc biệt 100m mới sạt lở thêm tại thôn 4. Cửa biển Lăng Cô cũng sạt lở 120m. Ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCLB &TKCN tỉnh TT-Huế cho biết, đến chiều 5-11, nước lũ ở các sông trên địa bàn TT-Huế tiếp tục dâng lên và có khả năng đạt đỉnh. Các sông chính như: sông Hương, sông Bồ đều vượt mức báo động 3. Toàn tỉnh có mưa lớn trên diện rộng và đang tiếp diễn, lượng mưa phổ biến ở mức 500-600mm, có nơi rất cao như Khe Tre (Nam Đông) 626mm, Bạch Mã (Phú Lộc) 1.397mm, vùng đồng bằng phổ biến 150-200mm... Dự báo, trong những ngày tới, mực nước trên các sông sẽ tiếp tục dâng cao, mực nước trên sông Bồ có khả năng sẽ vượt lũ lịch sử năm 1999.

NHÓM P.V

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/92_175278_lai-lo-nut-bam-hat-nhan-.aspx