Báo Kiến Thức cáo lỗi người dân Buôn Ma Thuột, bạn đọc

Báochân thành cáo lỗi người dân Thành phố Buôn Ma Thuột và bạn đọc khi phát hành bài viết diễn đạt chưa phù hợp về nguồn gốc, giai thoại liên quan tên gọi thành phố Buôn Ma Thuột.

Ngày 10/8, Báo điện tử Kiến Thức đã xuất bản bài viết tư liệu về tên gọi thành phố Buôn Ma Thuột với mong muốn để người dân cả nước hiểu hơn về một trung tâm Văn hóa, Kinh tế, Chính trị của tỉnh Đắk Lắk và là thành phố trung tâm vùng Tây Nguyên, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với mong muốn truyền tải thông tin về tên gọi thành phố Buôn Ma Thuột đến bạn đọc cả nước, song do nhận thức đơn giản, hiểu biết văn hóa vùng miền chưa thực sự thấu đáo, bài viết có một số từ ngữ được diễn đạt chưa phù hợp, gây phản ứng từ bạn đọc. Báo Kiến Thức xin được nghiêm túc tiếp thu mọi ý kiến đóng góp của bạn đọc; chân thành cáo lỗi cùng người dân thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng và bạn đọc cả nước nói chung.

 Thành phố Buôn Ma Thuột ngày nay.

Thành phố Buôn Ma Thuột ngày nay.

Buôn Ma Thuột phát triển xứng tầm đô thị trung tâm Tây Nguyên

Những năm qua, dưới sự nỗ lực của chính quyền, nhân dân, thành phố Buôn Ma Thuột đã ghi nhận những bước phát triển, về cơ bản đã đạt các chỉ tiêu đề ra với tổng sản phẩm tăng bình quân 13,9%/năm. Theo đó, các ngành công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ đang dần giữ vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế. Các công trình, dự án trọng điểm, hạ tầng giao thông đô thị được đầu tư và bước đầu thể hiện vai trò đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.

Thêm vào đó, lĩnh vực văn hóa - xã hội đã có nhiều tiến bộ, các chính sách xã hội được thực hiện tốt, đảm bảo an sinh xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Tiềm lực quốc phòng, an ninh của Thành phố được tăng cường, nhờ đó an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo ổn định.

Thành phố Buôn Ma Thuột là đầu mối huyết mạch giao thông tỏa ra các hướng, nối với thành phố Đà Lạt qua huyện Lăk bằng quốc lộ 27, nối liền với Khánh Hòa qua Ninh Hòa bằng quốc lộ 26, nối với TP.HCM bằng quốc lộ 14 qua Đăk Nông, Bình Phước, nối liền với Yok Đôn Buôn Đôn bằng tỉnh lộ số 1 và nối với Pleiku, Kontum bằng quốc lộ 14.

Thành phố Buôn Ma Thuột không chỉ là địa phương dẫn đầu cả nước về sản lượng và chất lượng cà phê có hương vị đậm đà và thơm ngon mà còn được biết đến với nhiều điểm du lịch đặc sắc hấp dẫn du khách.

Với lợi thế là những đặc trưng riêng biệt về điều kiện tự nhiên và con người nơi đây đã tạo cho Buôn Ma Thuột một nét văn hóa đặc sắc. Từ ngàn xưa, vùng đất Tây Nguyên đã là cái nôi của nhiều nhóm sắc tộc thiểu số, như: Jrai, Bahnar, Ê-đê, Giẻ, Raglai, Sê-đăng, Xtiêng, Mạ, Brâu, Churu, Mnông... Nhắc đến Buôn Ma Thuột, người ta sẽ nghĩ ngay đến những bản trường ca hào hùng, đến những lễ hội còn ít nhiều nét lạ thường, đến những ngôi nhà sàn, những bức tượng, những lán nhà mồ, nhưng đặc biệt là nghĩ đến nhạc cồng chiêng với một không gian văn hóa vừa được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản văn hóa của nhân loại.

Đến với Buôn Ma Thuột, du khách sẽ được tham dự những lễ hội độc đáo còn nguyên chất dân gian như lễ hội đua voi Bản Đôn tổ chức vào tháng 3 dương lịch với hai năm một lần, Lễ hội cồng chiêng và Lễ hội cà phê vào tháng 3 dương lịch, lễ hội đâm trâu của người Banar ở Tây Nguyên, lễ cúng lúa sắp trổ bông của đồng bào Ê Đê hay được cùng người dân buôn làng cầm tay nhau nhảy múa xung quanh đống lửa theo nhịp cồng, chiêng…

Buôn Ma Thuột cũng được biết đến là nơi có nhiều điểm tham quan du lịch như Nhà đày Buôn Ma Thuột, Bảo tàng Đăk Lăk, Làng Cà Phê Trung Nguyên, Thác Draynur – Dray Sap. Ngoài ra, còn nhiều điểm du lịch khám phá và trải nghiệm ở Buôn Ma Thuột khác như: vườn quốc gia Yokđôn, Buôn đôn. khu du lịch hồ Ea Kao, thác Thủy Tiên, đồi thông Buôn Ma Thuột, tháp Chăm Yang Prong…Nếu đã đến Buôn Ma Thuột, du khách sẽ ấn tượng về một thành phố đậm chất Tây Nguyên với cảnh đẹp hùng vĩ và con người thân thiện, bình dị nhưng không thiếu phần hiếu khách, nhiệt thành...

Thành phố Buôn Ma Thuột đang được xây dựng và phát triển thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với sự lãnh đạo đúng đắn của chính quyền địa phương, sự đoàn kết của nhân dân, thành phố Buôn Ma Thuột sẽ sớm đạt được những mục tiêu phát triển, trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.

Một lần nữa, Báo Kiến Thức chân thành cáo lỗi người dân thành phố Buôn Ma Thuột và bạn đọc cả nước.

Ban Biên Tập

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/bao-kien-thuc-cao-loi-nguoi-dan-buon-ma-thuot-ban-doc-1421211.html