Báo Indonesia: Chiến thắng COVID-19, Việt Nam là quốc gia chiến lược để đầu tư

Tổng Thư ký Diễn đàn Văn Chương Indonesia nhận định, Việt Nam là quốc gia chiến lược để đầu tư sau khi thành công ngăn chặn dịch COVID-19.

Thành công của Việt Nam trước đại dịch COVID-19 khiến nhà đầu tư nước ngoài xem Việt Nam như một quốc gia chiến lược để đầu tư”, ông Agus Marwan, Tổng Thư ký Diễn đàn Văn Chương Indonesia cho biết trong bài viết “Bí quyết kinh tế Việt Nam trước đại dịch”.

Trong bài viết, học giả Indonesia đề cập đến những tác động kinh tế của COVID-19 đối với Việt Nam, chiến lược kinh tế của Việt Nam trong việc đối phó với những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và tương lai của nền kinh tế Việt Nam hậu đại dịch.

Ông Agus Marwan, Tổng Thư ký Diễn đàn Văn Chương Indonesia. (Ảnh: VOV)

Ông Agus Marwan, Tổng Thư ký Diễn đàn Văn Chương Indonesia. (Ảnh: VOV)

Theo ông Agus Marwan, không nằm ngoài sự ảnh hưởng của dịch COVID-19, Việt Nam cũng chịu những thiệt hại kinh tế do đại dịch toàn cầu mang khi phải đóng cửa nhiều trung tâm công nghiệp, kinh doanh và du lịch.

Việc đóng cửa biên giới với Trung Quốc cũng tác động đến các giao dịch kinh doanh giữa hai nước khi Việt Nam phụ thuộc 30% xuất khẩu vào Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Tổng Thư ký Diễn đàn Văn Chương Indonesia, ngay từ đầu, khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát tại Việt Nam, các nhà hoạch định chính sách đã xây dựng các bước đi kinh tế chiến lược đối phó với dịch bệnh.

Chính sách kinh tế chiến lược của Việt Nam đối phó COVID-19

Đầu tiên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam loại bỏ, cắt giảm hoặc hoãn trả lãi các khoản vay cho các công ty đang vật lộn với tác động của đại dịch Covid-19.

Thứ hai, tái cấu trúc và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu là một giải pháp cấp bách cho nền kinh tế Việt Nam.

Thứ ba, kiểm tra tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc và các nước khác để tìm giải pháp tiếp thị tại thị trường nội địa, phân phối cho các hệ thống bán lẻ.

Bài viết của ông Agus Marwan trên báo Kontan, Indonesia. (Ảnh: VOV)

Thứ tư, khuyến khích sản xuất của nông dân để đảm bảo nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó là tạo ra một cơ chế và hấp thụ đầu tư từ các thực thể kinh doanh trong nông nghiệp và công nghệ.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông Việt Nam đã thực hiện nhiều nỗ lực bao gồm: tiến hành đàm phán để mở rộng thị trường sang các nước thuộc Liên minh Châu Âu, Châu Á, Mỹ, Brazil và các quốc gia khác.

Thứ năm, trong một hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng và cộng đồng doanh nghiệp, vào ngày 9/5/2020, Thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nền kinh tế Việt Nam cố gắng đạt được mức tăng trưởng GDP hơn 5%, chứ không phải là 2,7% như IMF dự đoán, trong khi kiềm chế lạm phát dưới 4%.

Để đạt được mục tiêu, Việt Nam phải tập trung vào năm cuộc tấn công mũi nhọn bao gồm: Thu hút đầu tư từ tất cả các yếu tố của nền kinh tế trong nước, đặc biệt là đầu tư tư nhân; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); tăng cường xuất khẩu; khuyến khích đầu tư công; kích thích tiêu dùng trong nước.

Tương lai nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch

Tác giả bài viết nhận định, trong khi các quốc gia khác đang vật lộn chống lại đại dịch COVID-19, Việt Nam đã trở thành một quốc gia thành công chống lại đại dịch này khi không có trường hợp thiệt mạng do COVID-19, bên cạnh số ca lây nhiễm tại Việt Nam chỉ hơn 300 trường hợp.

Thành công của Việt Nam trong cuộc khủng hoảng COVID-19 chắc chắn là điểm sáng khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài xem Việt Nam là một quốc gia chiến lược để đầu tư.

Kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh chóng hậu COVID-19. (Ảnh minh họa)

Dẫn chứng là sau cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, Mỹ đã chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Cuộc chiến thương mại này là cơ hội để tăng cường đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Bài viết còn có đoạn “Cuộc khủng hoảng do đại dịch toàn cầu chỉ làm giảm 1% tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và quốc gia này đang trên đà tăng trưởng kinh tế trở lại. Ngoài những chính sách kịp thời, sự ổn định chính trị mạnh mẽ cũng tạo điều kiện cho việc phát huy nguồn lực, bảo đảm ban ninh và bảo vệ các khoản đầu tư”.

Học giả Indonesia Agus Marwan đánh giá, trong tình hình đại dịch hiện nay, Việt Nam là quốc gia vẫn có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất Đông Nam Á. Phục hồi kinh tế nhanh chóng sau COVID-19, giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7% như dự kiến ban đầu. Và tương lai của nền kinh tế Việt Nam sẽ rất hứa hẹn.

Hương Trà/VOV-Jakarta

Nguồn VTC: https://vtc.vn/thoi-su-quoc-te/bao-indonesia-chien-thang-covid-19-viet-nam-la-quoc-gia-chien-luoc-de-dau-tu-ar550798.html