Bão Idai gây hậu quả nặng nề tại Nam châu Phi

Phát biểu ngày 21-3 (giờ Việt Nam), Người phát ngôn Liên hợp quốc (LHQ) Farhan Haq đã đưa ra nhận định trên trong báo cáo đánh giá mức độ thiệt hại do bão Idai gây ra khi cơn bão này đổ bộ vào 3 nước miền Nam châu Phi là: Malawi, Mozambique và Zimbabwe, cướp đi mạng sống của ít nhất 360 người.

Ông nhấn mạnh, bão Idai có thể là một trong những thảm họa thiên tai tồi tệ nhất tại miền Nam châu Phi và các nước cần nỗ lực rất nhiều để khắc phục hậu quả.

Văn phòng Hợp tác và các vấn đề nhân đạo của LHQ cho biết, bão Idai khi tràn qua Malawi đã ảnh hưởng tới gần 1 triệu người; 56 người thiệt mạng, 577 người bị thương và hơn 82.700 người phải đi sơ tán. Tại Mozambique, bão Idai đã làm ít nhất 202 người thiệt mạng theo số liệu của chính phủ nước này và dự báo con số này sẽ tiếp tục tăng.

 Mozambique là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ bão Idai. (Ảnh: Reuters)

Mozambique là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ bão Idai. (Ảnh: Reuters)

Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cho biết, ước tính 260.000 trẻ em Mozambique đã bị ảnh hưởng bởi cơn bão này. Trong khi đó, tại Zimbabwe, ít nhất 102 người thiệt mạng, trên 200 người bị thương và hơn 200 người mất tích.

Ông Haq cho biết, các xe tải chở hàng cứu trợ đã tới Zimbabwe và việc phân phát hàng cứu trợ đang được triển khai tại một số khu vực của nước này. Người phát ngôn Farhan Haq cho biết, Cơ quan Điều phối cứu trợ khẩn cấp của LHQ đã trích 20 triệu USD từ quỹ Phản ứng khẩn cấp trung ương của LHQ để hỗ trợ nỗ lực của chính phủ các nước Mozambique, Zimbabwe và Malawi trong công tác cứu trợ các cộng đồng dân cư chịu ảnh hưởng của bão.

Giới chức LHQ cũng kêu gọi các nước tài trợ tăng cường đóng góp do mức độ thiệt hại nghiêm trọng do bão Idai gây ra đối với ba nước trên dự báo sẽ tiếp tục tăng. Theo người phát ngôn LHQ, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) đã trữ sẵn lương thực phục vụ công tác cứu trợ, trong khi các cơ quan khác của LHQ cũng đang huy động các mặt hàng dự trữ nhất là thuốc men, nước uống...

Hiện hàng nghìn người hiện vẫn còn mắc kẹt do tình trạng ngập lũ sau bão ở Mozambique, đã phải trèo lên mái nhà hoặc cây cao để tránh lũ.

Theo bà Deborah Nguyen, một thành viên của WFP, cơ quan cứu hộ đang phải chạy đua với thời gian cứu hộ người dân trong bối cảnh có quá nhiều người cần được trợ giúp. Lực lượng cứu hộ buộc phải ưu tiên trẻ em, phụ nữ có thai và người bị thương. Ưu tiêu hiện nay là cứu được những người bị mắc kẹt trong khu vực ngập lũ, sau đó mới tổ chức cho họ cư trú tạm tại các lán trại.

Hoạt động cứu hộ đang được xúc tiến, song có quá nhiều nhiều việc cần làm. Các chuyến hàng cứu trợ quốc tế vẫn đang tiếp tục được chuyển đến 3 quốc gia châu Phi trên nhằm giảm áp lực cuộc khủng hoảng nhân đạo do lũ lụt sau bão Idai gây ra.

Ban đầu, nỗ lực cứu trợ đã bị chậm lại do tình trạng sân bay bị đóng cửa, song sau đó đã nhanh chóng được nối lại từ hôm 19-3, cùng với những khoản cam kết của chính phủ các nước và tổ chức quốc tế. Cho đến nay, Liên minh châu Âu (EU) đã giải ngân khoản tiền 3,5 triệu euro (tương đương 3,9 triệu USD) để hỗ trợ khẩn cấp.

Anh cam kết khoản tiền 6 triệu bảng Anh (tương đương 7,9 triệu USD). Nước láng giềng Tanzania đã chuyển 238 tấn lương thực và thuốc men tới Mozambique. Một máy bay vận tải MI-8 của Chương trình Lương thực Liên hợp quốc hôm 20-3 đã cập cảng Beira hỗ trợ hoạt động cứu hộ, cứu nạn.

Ông Hugo Plessis, một quan chức của WFP cho biết: “Tôi rất vui khi máy bay trực thăng đầu tiên của LHQ đã có mặt tại đây hôm qua sau một số khó khăn về tình hình thời tiết. Đây là máy bay đầu tiên trong số 3 máy bay Mi-8 đã tới đây. Chúng tôi hy vọng, máy bay CASA 295 cũng sẽ sớm tới đây. Máy bay trực thăng này được trang bị máy kéo có vai trò thiết yếu cho hoạt động cứu hộ đang diễn ra tại Nam Phi. Chúng tôi hy vọng có thể đẩy nhanh hoạt động cứu hộ với máy bay trực thăng”.

Trong khi đó, theo bà Caroline Haga, một quan chức Tổ chức Chữ thập đỏ và Lưỡi liềm đỏ quốc tế, khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của tình trạng ngập lũ là gần sông Buzi, phía Tây thành phố Beira. Lực lượng cứu hộ đã phải huy động trực thăng thả rơi những gói bánh bích quy, dụng cụ lọc nước và các trang thiết bị thiết yếu khác xuống cho người dân, trong khi nhiều người phải lội xuống nước và bùn đất để lấy hàng cứu trợ.

Tình trạng ngập lũ nặng không chỉ ảnh hưởng hoạt động cứu hộ, mà còn đặt ra những vấn đề về vệ sinh môi trường và sự an toàn của người dân sau bão. Cơ quan y tế Mozambique cảnh báo, cùng với tình trạng thiếu hụt lương thực và nước uống, nguy cơ dịch bệnh đang ngày càng tăng.

Tại cảng Beira, lực lượng cứu hộ cho biết, họ chỉ còn nước sạch để dùng trong 2 đến 3 ngày tới. Ông Get Verdonck, điều phối viên khẩn cấp của Tổ chức Bác sĩ không biên giới nhận xét, điều đầu tiên bạn nhìn thấy khi bạn đến Mozambique lúc này chính là sự tàn phá và nước ở khắp mọi nơi.

“Mọi người đang sử dụng nước giếng mà không có clo và loại nước này thì không sạch. Nước bẩn có thể gây viêm phổi và các bệnh đường hô hấp khác. Đây sẽ là một vấn đề lớn với Mozambique vào lúc này”, ông Get Verdonck nói.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/bao-idai-gay-hau-qua-nang-ne-tai-nam-chau-phi-537640/