Báo Hoa ngữ: Trung Quốc sửa đổi Luật Quốc phòng là nhằm vào Đài Loan

Thuật ngữ 'lợi ích phát triển' xuất hiện trong Dự thảo sửa đổi Luật Quốc phòng của Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của thế giới bên ngoài, người ta tin rằng điều này được Trung Quốc đưa vào chủ yếu nhằm giải quyết vấn đề Đài Loan.

Hôm 23/10, ông Tập Cận Bình phát biểu tại lễ kỉ 70 năm "kháng Mỹ viện Triều" đã mạnh mẽ chỉ trích Mỹ và Đài Loan (Ảnh: Tân Hoa xã).

Hôm 23/10, ông Tập Cận Bình phát biểu tại lễ kỉ 70 năm "kháng Mỹ viện Triều" đã mạnh mẽ chỉ trích Mỹ và Đài Loan (Ảnh: Tân Hoa xã).

Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều (Dwnews) ngày 28/10, hôm 21/10/2020, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc đã công bố Dự thảo sửa đổi Luật Quốc phòng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Điều 47 của Chương 8 "Động viên Quốc phòng và Tình trạng Chiến tranh" nêu rõ: “Khi chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh và lợi ích phát triển của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa bị đe dọa, nhà nước sẽ tiến hành tổng động viên cả nước hoặc từng phần theo quy định của Hiến pháp và pháp luật”.

So với bản Luật quốc phòng hiện hành, điều mới này đã thêm vào 4 chữ "lợi ích phát triển". Ngoài ra, tại Điều 2 của Quy định chung của Chương 1, thuật ngữ “phân liệt” (chia tách, ly khai) được bổ sung vào đối tượng bị trấn áp và thuật ngữ “lợi ích phát triển” được bổ sung vào đối tượng được bảo vệ.

Ông Tập Cận Bình thị sát tàu ngầm của hải quân Trung Quốc (Ảnh: CCTV).

Bài viết của Đa Chiều nhận định, hiện nay, tình hình eo biển Đài Loan đang căng thẳng và Đài Loan đã ngả hẳn vào phía Mỹ trong cuộc đấu giằng co giữa hai nước Trung - Mỹ, có thể khiến Trung Quốc có thái độ khác đối với việc giải quyết vấn đề Đài Loan. Nói cách khác, "tái thống nhất bằng vũ lực thụ động" của Trung Quốc đối với Đài Loan trong "Luật chống ly khai" năm 2005 có thể chuyển sang "tái thống nhất bằng vũ lực chủ động" trong tương lai.

Trước đây, khi giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc tham dự các cuộc họp, khi họ nói về “lợi ích phát triển”, đều luôn gắn với Đài Loan, qua đó người ta có thể thấy được ý đồ của Trung Quốc. Ví dụ, tại Diễn đàn Eo biển lần thứ 12 được tổ chức ở thành phố Hạ Môn, Phúc Kiến vào ngày 20/9/2020, ông Uông Dương, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân (Chính Hiệp) Trung Quốc, người phụ trách công tác Đài Loan, đã tuyên bố, “Chúng ta sẽ không dung thứ cho chủ quyền quốc gia, an ninh và lợi ích phát triển bị bất cứ tổn hại nào”.

Ngoài ra, tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày công bố “Thư gửi đồng bào ở Đài Loan” vào ngày 2/1/2019, thuật ngữ “lợi ích phát triển” cũng đã xuất hiện vào thời điểm đó. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói, "trên tiền đề đảm bảo chủ quyền quốc gia, an ninh và lợi ích phát triển; sau khi hòa bình thống nhất, chế độ xã hội và lối sống của đồng bào Đài Loan sẽ được tôn trọng đầy đủ”.

Đầu tháng 10 vừa qua, Chiến khu miền Đông PLA tập trận nhằm vào Đài Loan (Ảnh: CCTV).

Vì sao nói trong tương lai “thống nhất bằng vũ lực thụ động” có thể chuyển sang “tái thống nhất bằng vũ lực chủ động” là do thuật ngữ “lợi ích phát triển”? Như mọi người đã biết, Điều 8 Luật Chống ly khai của Trung Quốc quy định có ba điều kiện để áp dụng vũ lực giải quyết vấn đề Đài Loan. Bao gồm "Đài Loan độc lập" thực tế khiến Đài Loan tách khỏi Trung Quốc, hoặc xảy ra các sự cố lớn gây nên “Đài Loan độc lập”, hoặc khả năng thống nhất biện pháp bằng hòa bình bị mất hoàn toàn. Từ góc độ quy định, có thể nói ba loại “thống nhất bằng vũ lực” Đài Loan này đều là bị động.

Tuy nhiên, nếu Luật Quốc phòng Trung Quốc được sửa đổi, chỉ cần dựa vào thuật ngữ "lợi ích phát triển" là có thể thay đổi tình trạng "thống nhất bằng vũ lực thụ động" trước đây thành tình trạng "thống nhất bằng vũ lực chủ động". Vấn đề là, điều gì tạo thành mối đe dọa đối với lợi ích phát triển vẫn cần phải được xác định, nhưng so với các quy định của Luật Chống ly khai, trong điều kiện phát động chiến tranh, rõ ràng là do các lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc chủ động quyết định một cách chủ quan hơn.

Việc Mỹ bán các vũ khí tấn công cho Đài Loan có thể bị Trung Quốc coi là xâm hại "lợi ích phát triển" của họ (Ảnh: Dongfang).

Cơ quan truyền thông của chính quyền Đài Loan "Tam lập Tân văn" thậm chí cho rằng điều này sẽ có nghĩa là Trung Quốc đại lục "có thể sử dụng vũ lực chống Đài Loan bất cứ lúc nào”. Tuy nhiên, sự hiểu biết này có lẽ chỉ là một chiều, không ai có thể dễ dàng “thay đổi hiện trạng” giữa hai bên eo biển và hiện trạng luôn là kết quả của sự tương tác liên tục giữa hai bên.

Nếu quay lại nhận định “lợi ích phát triển bị đe dọa”, chúng ta có thể đưa ra một ví dụ thực tế để giải thích. Lấy việc gần đây Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan đã bắt đầu bán loại vũ khí tấn công tầm xa cho Đài Loan, điều này quả thực đã khiến PLA sẽ phải trả giá với một mức độ nhất định nếu tấn công Đài Loan, thậm chí bao gồm cả nguy cơ các thành phố ven biển Trung Quốc đại lục bị tấn công; điều này có thể khiến Bắc Kinh coi là “lợi ích phát triển bị đe dọa”, phải “tiên phát chế nhân” (đánh phủ đầu) nhằm ngăn chặn việc mở rộng quy mô mua bán vũ khí giữa Mỹ và Đài Loan trong tương lai.

Máy bay IDF (Kinh Quốc) và tên lửa "Vạn Kiếm" do Đài Loan tự chế tạo (Ảnh: Dwnews).

Đa Chiều cho rằng, việc Bắc Kinh sửa đổi Luật Quốc phòng thực sự là một hành động “tuốt gươm” đối với Đài Loan. Có lẽ chính phủ của bà Thái Anh Văn nên thận trọng hơn để tránh quá nghiêng về Mỹ trước tình hình cuộc đấu Mỹ - Trung Quốc đang ngày càng quyết liệt khiến người dân Đài Loan chịu tai họa bởi nguy cơ chiến tranh.

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/bao-hoa-ngu-trung-quoc-sua-doi-luat-quoc-phong-la-nham-vao-dai-loan-post139753.html