Bảo hộ 'tài sản vô hình' của doanh nghiệp

Quá trình xây dựng và phát triển, vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, hiện nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn chưa thực sự quan tâm hoặc gặp nhiều khó khăn trong việc định giá, xác lập quyền SHTT. Từ thực tế trên, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ tổ chức Hội thảo “Định giá tài sản trí tuệ đối với các kết quả nghiên cứu khoa học và DN khởi nghiệp” nhằm cung cấp cho DN thông tin, kiến thức và kỹ năng về định giá tài sản trí tuệ, thương mại hóa sản phẩm và chuyển giao quyền sở hữu. Đây là nền tảng giúp tổ chức, cá nhân và DN xác định được tài sản thực của mình, từ đó tạo cơ sở hoạch định chiến lược đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Còn nhiều khó khăn

Trên thực tế, nhu cầu bảo hộ quyền SHTT của DN thành phố ngày càng cao. Do đó, TP Cần Thơ có nhiều hỗ trợ đăng ký và phát triển tài sản trí tuệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại địa phương. Điển hình như: Chương trình “Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ TP Cần Thơ giai đoạn 2016-2020”; Kế hoạch Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Dự án Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa các DN nhỏ và vừa TP Cần Thơ đến năm 2020... Từ những nỗ lực này, tính đến tháng 7-2019, TP Cần Thơ có 3.590 văn bằng bảo hộ sở hữu tài sản trí tuệ được Cục SHTT cấp cho 850 cá nhân, DN.

Bà Trần Hoài Phương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, đánh giá: Mặc dù vấn đề này có sự cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, tỷ lệ DN được bảo hộ nhãn hiệu nói chung còn rất thấp so với tổng số DN, cơ sở sản xuất kinh doanh của thành phố. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là nhiều DN chưa nhận diện, xác định được giá trị thật của một tài sản trí tuệ và còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc đăng ký xác lập quyền SHTT. Trong khi đó, ông Trần Giang Khuê, Phó Trưởng đại diện phụ trách Văn phòng đại diện Cục SHTT tại TP Hồ Chí Minh, cho rằng, tài sản trí tuệ và quyền SHTT chính là tài sản vô hình, đôi khi giá trị của nó cao gấp nhiều lần tài sản hữu hình của DN. Tuy nhiên, nhiều cá nhân, tổ chức bỏ qua tài sản vô hình này, gây lãng phí nguồn lực của chủ sở hữu.

Theo các chuyên gia, việc định giá tài sản trí tuệ được thực hiện bằng 3 phương pháp cơ bản: phương pháp chi phí, thị trường và thu nhập. Để định giá tài sản trí tuệ một cách đúng đắn nhất cần nắm rõ tài sản trí tuệ thông qua việc định giá. Song việc định giá tài sản trí tuệ còn nhiều khó khăn và có sự khác biệt hơn so với tài sản hữu hình. Hiện tại, tài sản trí tuệ có một thị trường chuyển nhượng nhưng còn hạn chế, ít người quan tâm nên càng khó tìm ra được giá trị thật của một tài sản trí tuệ...

Doanh nghiệp cần chủ động

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay pháp luật SHTT không bảo hộ đối với ý tưởng sáng tạo, ý tưởng kinh doanh nên DN cần hiện thực hóa các cách thức, phương tiện kỹ thuật, giải pháp công nghệ, mô hình kinh doanh… để có thể có được sự đảm bảo của các công cụ pháp lý đối với hoạt động sáng tạo và khởi sự kinh doanh của mình. Ngoài ra, DN cần tra cứu thông tin SHTT để định hướng nghiên cứu, phát triển sản phẩm, quyết định đầu tư, khởi nghiệp… Trường hợp DN muốn mở rộng khả năng chuyển giao, mua bán công nghệ đối với thị trường trong và ngoài nước sẽ phải tính đến các phương án đăng ký SHTT, xin giấy phép phù hợp cho các thị trường nước ngoài.

Mít không hạt Ba Láng (quận Cái Răng) được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu độc quyền.

Mít không hạt Ba Láng (quận Cái Răng) được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu độc quyền.

Bà Phan Thị Châu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Vĩ Long, chia sẻ: DN phải dựa trên lợi thế lĩnh vực mình kinh doanh để lựa chọn phương pháp định giá có lợi nhất (Tiếp cận từ thị trường, từ chi phí và từ thu nhập); phải phân loại được sản phẩm/ý tưởng nào có thể gọi vốn, cái nào tự kinh doanh, cái nào bán ý tưởng... DN cũng phải xác định được điểm hòa vốn để có thể đưa ra mức giá dung hòa giữa kỳ vọng của DN và người mua. Ngoài ra, để định giá tài sản trí tuệ, cần dựa vào giá trị sử dụng trong cuộc sống và giá trị thương mại cho nhà đầu tư. Với giá trị sử dụng trong cuộc sống, chủ đầu tư cần tiến hành tham khảo thị trường, xem xét ý tưởng/sáng kiến của mình đứng ở đâu trên thị trường, tính độc đáo/sáng tạo cao không? Với giá trị thương mại cho nhà đầu tư, cần đảm bảo tính duy nhất, khả năng thương mại hóa. Trong công đoạn này, cần chú trọng ký thỏa thuận bảo mật giữa các thành viên trong nhóm (nếu sáng kiến là đồng sở hữu) khi đang hoàn thiện ý tưởng.

Mặc dù là tài sản vô hình, song tài sản trí tuệ lại có giá trị vô cùng to lớn đối với các cá nhân/DN, đặc biệt là đối với các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học và DN khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. “DN khởi nghiệp phải chủ động đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ cả trong nước và quốc tế để tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”. Trong bối cảnh khó khăn trong buổi đầu khởi nghiệp, DN cần có kế hoạch, chiến lược khởi nghiệp gắn chặt với chiến lược khai thác tài sản trí tuệ của DN; tận dụng, khai thác thế mạnh của bản thân, lợi thế của địa phương gắn với chủ trương, chính sách chung của Nhà nước. Song song đó, DN cần phải tập trung vào chất lượng sản phẩm, dịch vụ bởi đây là gốc rễ của xây dựng và phát triển thương hiệu bền vững” - ông Trần Giang Khuê, Phó Trưởng đại diện phụ trách Văn phòng đại diện Cục SHTT tại TP Hồ Chí Minh, nhấn mạnh.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/bao-ho-tai-san-vo-hinh-cua-doanh-nghiep-a114855.html