Bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm nông nghiệp: Tỷ lệ còn thấp

Cả nước hiện có khoảng 800 sản phẩm nông - lâm - thủy sản có uy tín, phân bố ở 720 địa phương nhưng đến nay mới chỉ có khoảng 50 chỉ dẫn địa lý và khoảng 140 nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể được đăng ký, được bảo hộ. Trong số đó, có rất ít nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài như nước mắm Phú Quốc, thanh long Bình Thuận, vú sữa Lò Rèn, cà phê Buôn Mê Thuột…

Tỷ lệ phần trăm được bảo hộ còn ít

Đó là con số được bà Nguyễn Hồng Lý, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đưa ra tại một hội thảo gần đây về bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) cho các sản phẩm nông nghiệp. Con số này cho thấy, Việt Nam là một nước nông nghiệp với nhiều nông sản có giá trị xuất khẩu, tuy nhiên, số sản phẩm được xây dựng thương hiệu bài bản và được bảo hộ quyền SHTT còn rất nhỏ so với nhu cầu thực tế. 80% nông sản Việt Nam hiện nay xuất khẩu thô, không nhãn mác, thương hiệu. Từ thực tế đó, nếu việc đăng ký sáng chế, xây dựng thương hiệu và bảo hộ quyền SHTT được quan tâm đầu tư thì chắc chắn sức cạnh tranh của nông sản Việt cũng tăng lên, giảm được tình trạng phải xuất khẩu thông qua các thương hiệu nước ngoài.

Vú sữa lò rèn Vĩnh Kim - một trong những nông sản được bảo hộ cả trong nước và nước ngoài

TS. Đào Thế Anh - Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho biết, trong lĩnh vực giống cây trồng, hiện Viện đã có 233 đơn và đã cấp 68 bằng. Kết quả chuyển giao bản quyền giống cây trồng giai đoạn 2015-2017 cho thấy: Có 15 giống lúa được chuyển giao, giá trị 13,7 tỷ đồng; 17 giống ngô, giá trị 21,3 tỷ đồng, 1 giống thanh long giá trị 5 tỷ đồng; các cây khác khoảng 6 loại, 8,5 tỷ đồng. Tổng cộng có 39 loại cây được bảo hộ với tổng giá trị khoảng 48,6 tỷ đồng. Việc thương mại hóa trực tiếp giống cây trồng chính trong giai đoạn 2015-2017 tổng cộng đạt 198 tỷ đồng. Các hình thức thương mại hóa gồm: chuyển nhượng bản quyền tác giả, hợp đồng góp vốn kinh doanh, ủy quyền khai thác, độc quyền phân phối…

Cần tăng tỷ lệ bảo hộ sản phẩm nông nghiệp

TS. Đào Thế Anh cũng chỉ ra những hạn chế của công tác bảo hộ SHTT trong nông nghiệp. Đó là tỷ lệ được bảo hộ còn thấp. Bên cạnh đó, nhận thức về SHTT của cán bộ nghiên cứu còn chưa đồng đều và đầy đủ. Các cán bộ còn thiếu tư vấn về thủ tục bảo hộ SHTT.

Thanh long Bình Thuận được bày bán trên kệ hàng tại siêu thị Úc

Cũng từ những hạn chế này, trong thời gian tới, để nâng cao công tác bảo hộ quyền SHTT, TS. Đào Thế Anh cho biết: Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam đã đưa ra những giải pháp cụ thể: Cục SHTT hỗ trợ Viện hình thành hệ thống quản lý và khai thác tài sản SHTT thống nhất, có tính liên kết và tương tác giữa các đơn vị thành viên cũng như với đối tác. Cụ thể, cần đánh giá được hiện trạng hoạt động SHTT trong Viện, tập huấn nâng cao nhận thức về SHTT cho các nhà nghiên cứu. Bên cạnh đó, cần thiết lập cơ sở dữ liệu về tài sản SHTT (các kết quả nghiên cứu KHCN, giống cây trồng, quy trình kỹ thuật) phục vụ nghiên cứu và chuyển giao. Tiến tới đào tạo và hình thành hệ thống cán bộ chuyên trách về SHTT đến các đơn vị thành viên. Xây dựng quy trình vận hành và quản lý hoạt động SHTT trong toàn hệ thống VAAS.

Về chiến lược lâu dài, để tăng tỷ lệ bảo hộ cho các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam cả ở trong nước và thế giới, ông Lê Thanh Tùng, Trưởng đại diện Cục Trồng trọt tại phía Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị: Trước mắt cần tham vấn cho doanh nghiệp, nông dân đăng ký quyền sở hữu các giống cây trồng. “Việc mua các loại giống cây trồng kích thích sự sáng tạo trong cả nước. Hiện nay chúng ta có khoảng 800 giống lúa và tồn tại trong sản xuất khoảng 100 giống, gạo xuất khẩu đi 150 quốc gia. Làm tốt tác quyền sẽ kích thích cho sự phát triển trong sản xuất” - ông Tùng nhấn mạnh.

Nguyễn Duyên

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bao-ho-so-huu-tri-tue-cho-san-pham-nong-nghiep-ty-le-con-thap-113347.html