Bảo hộ quyền của tổ chức phát sóng trong môi trường số

Kỷ nguyên số và Internet đã và đang đem lại cho chúng ta nhiều cơ hội, dễ dàng tiếp cận đến tác phẩm, chương trình phát sóng vào bất kỳ thời gian nào, địa điểm nào. Tuy nhiên, cũng đặt ra những thách thức trong việc làm thế nào để bảo hộ được quyền của tổ chức phát sóng nói riêng trong môi trường số.

Đó là thông tin tại Hội thảo về bảo hộ quyền của tổ chức phát sóng trong môi trường số do Cục Bản quyền tác giả phối hợp với Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (K+) và Ủy ban Bản quyền tác giả Hàn Quốc tổ chức vào ngày 19/9, tại Hà Nội.

Hội thảo được tổ chức nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành các quy định pháp luật về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó có quyền của tổ chức phát sóng và đưa ra các giải pháp hữu hiệu, tăng cường hiệu quả hoạt động chống vi phạm bản quyền trong môi trường số.

Vi phạm bản quyền có xu hướng gia tăng

Chia sẻ về những thách thức đối với bảo hộ quyền của tổ chức phát sóng trong môi trường số, ông Nguyễn Quang Đồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông, Hội Truyền thông số Việt Nam khẳng định, đây là vấn đề “nóng” hiện nay. Xu thế chuyển dịch về nội dung số hay số hóa đang diễn ra rất nhanh và sâu rộng, thậm chí tại Việt Nam với dân số trẻ và nhạy bén về công nghệ, tốc độ diễn ra còn nhanh hơn nữa. Tuy nhiên, trong môi trường đó, cũng rất dễ xảy ra các vi phạm bản quyền. Ví dụ, chỉ riêng trong mảng thể thao, qua thống kê sơ bộ có tới 20 website vi phạm bản quyền. Nếu chúng ta không có biện pháp xử lý hiệu quả, mức độ vi phạm sẽ ngày càng lớn hơn…

Từ góc độ của người trong cuộc- đơn vị nắm bản quyền, ông Nguyễn Thanh Vân, Trưởng bộ phận Sở hữu trí tuệ, Ban Kiểm tra, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) cho biết, hàng năm, VTV mua bản quyền các chương trình với tổng kinh phí rất lớn. Bên cạnh đó, chương trình truyền hình là kết quả của sự đầu tư và sáng tạo trí tuệ của các tổ chức phát sóng. Tuy nhiên, bản quyền VTV đang bị vi phạm nghiêm trọng, đặc biệt trên Internet với nhiều hình thức vi phạm như sử dụng chương trình truyền hình của VTV mà không xin phép, thỏa thuận; sao chép, phát tràn lan trên Internet, in thành băng đĩa bán trên thị trường; khi tiếp phát sóng chương trình của VTV, tự ý cắt quảng cáo hoặc chèn quảng cáo của mình vào; bị đài khác thu lại để phát sóng mà không trả phí bản quyền… Chẳng hạn, tại giải bóng đá Worldcup 2018, chỉ trong hai ngày đầu tiên, có 700 tài khoản vi phạm.

Đồng quan điểm, ông Stephane Baumier, Phó Tổng Giám đốc Truyền hình K+ cho hay, ngoài khoản phí bản quyền lớn đã bỏ ra, K+ cũng phải đầu tư không nhỏ để nâng cấp hệ thống cũng như xây dựng đội ngũ chuyên giám sát, ngăn chặn, phát hiện và xử lý vi phạm bản quyền. Song rất khó có thể giải quyết triệt để vấn nạn này nếu không có sự hợp tác từ người người sử dụng và sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan chức năng.

“Chúng tôi tin rằng, những hội thảo như thế này sẽ giúp nâng cao ý thức tôn trọng bản quyền với người dùng đồng thời giúp các cơ quan chức năng và đơn vị kinh doanh có được những giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm bản quyền từ đó tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức phát sóng” - ông Stephane Baumier nhấn mạnh!

Tăng cường hiệu quả chống vi phạm bản quyền

Theo các chuyên gia, Việt Nam đã có được hệ thống các quy định pháp luật đáp ứng yêu cầu bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan tại quốc gia và hội nhập quốc tế. Các cam kết tham gia WTO của Việt Nam, các điều ước quốc tế đang có hiệu lực tại Việt Nam đã và đang từng bước được thực hiện có kết quả, bảo vệ được quyền lợi của công dân và thực hiện nghĩa vụ pháp lý khi sử dụng tác phẩm của công dân, pháp nhân các nước thành viên. Tuy nhiên, thách thức xử lý vi phạm bản quyền trên môi trường số được đánh giá còn lớn hơn môi trường truyền thống.

Ông Nguyễn Quang Đồng cho rằng, chúng ta không thiếu các quy định pháp lý cũng như chế tài xử lý đã có đầy đủ, tuy nhiên, hiệu quả xử lý các vi phạm của các cơ quan xử lý vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều website đặt máy chủ (server) ở nước ngoài, nếu muốn xử lý, về mặt pháp lý phải có liên hệ tư pháp giữa các nước. Ngoài ra, cần sử dụng rộng rãi hơn các giải pháp công nghệ giúp phát hiện và xử lý vi phạm, tăng cường trách nhiệm của các doanh nghiệp ISP (nhà cung cấp dịch vụ Internet), công khai danh sách các website vi phạm và các doanh nghiệp cố tình quảng cáo trên các website này.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Phạm Thanh Tùng – Trưởng phòng thông tin và hợp tác quốc tế, Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chia sẻ, để đảm bảo tính hiệu quả của thực thi pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan nói chung cũng như quyền của tổ chức phát sóng nói riêng thì trước hết các chủ sở hữu quyền cần áp dụng các biện pháp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Bên cạnh đó, vai trò của các cơ quan thực thi đảm bảo hỗ trợ cho các chủ thể quyền, bảo vệ quyền và lợi ích của họ.

Hiện nay, các chế tài xử lý đều đã được quy định trong pháp luật, từ biện pháp dân sự, hành chính đến hình sự. Đặc biệt Bộ Luật Hình sự năm 2015, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018, cũng đã quy định về tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, và đủ mang tính răn đe. “Trong thời gian tới, Cục Bản quyền tác giả sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức, đồng thời tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý cũng như thực thi. Tuy nhiên, các cơ quan thực thi cần tiếp tục chủ động phối hợp với các chủ thể quyền để có thể phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm theo quy định pháp luật” - ông Phạm Thanh Tùng nhấn mạnh!

Quỳnh Nga - Chu Nghĩa

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/bao-ho-quyen-cua-to-chuc-phat-song-trong-moi-truong-so-109035.html