Bảo hộ kiểu dáng công nghiệp: Khi Trung Quốc tham gia Thỏa thuận Hague

Vào tháng 2-2022, Trung Quốc đã chính thức ký kết Thỏa thuận Hague về kiểu dáng công nghiệp và vì thế, kể từ ngày 5-5-2022, đất nước có nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này đã trở thành thành viên thứ 77 của Hệ thống đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp quốc tế Hague. Việt Nam cũng là thành viên của hệ thống này từ năm 2019.Với hệ thống đăng ký bảo hộ quốc tế theo Thỏa thuận Hague, các doanh nghiệp Trung Quốc có thể đăng ký bảo hộ cùng một lúc tại 77 nước thành viên của hệ thống Hague, thủ tục sẽ nhanh gọn hơn và đỡ tốn kém hơn rất nhiều, so với việc đăng ký tại từng quốc gia một.

Vì sao Trung Quốc chọn thời điểm này?

Vì sao Trung Quốc lại chọn thời điểm này để tham gia vào Thỏa thuận Hague?

Có thể nói, tới giờ, Trung Quốc vẫn là quốc gia “tai tiếng” nhất về vi phạm quyền sở hữu kiểu dáng công nghiệp. Theo thống kê, khoảng 80% hàng giả (chủ yếu là quần áo, túi, giày và các mặt hàng khác) trên thế giới là đến từ quốc gia này.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, nhu cầu bảo hộ kiểu dáng công nghiệp trong nước cũng tăng cao. Từ chục năm trở lại đây, Trung Quốc luôn là quốc gia có số lượng đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đứng đầu thế giới. Ví dụ, năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ Trung Quốc đã tiếp nhận 770. 362 đơn đăng ký bảo hộ trong lĩnh vực này, chiếm khoảng 55% tổng số lượng đơn đăng ký cùng năm trên toàn thế giới. Trong khi đó, Cơ quan sở hữu trí tuệ châu Âu chỉ nhận được 113.196 đơn đăng ký. Không chỉ thế, số lượng đơn đăng ký bảo hộ của công dân Trung Quốc ở các cơ quan bảo hộ nước ngoài cũng tăng vọt, vượt qua con số 580.000 đơn vào năm 2020.

Đối với nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, kiểu dáng là một trong những yếu tố quan trọng quyết định khả năng cạnh tranh của sản phẩm, bên cạnh yếu tố công nghệ.

Vào đầu năm 2022, ông Daren Tang, Tổng giám đốc của Tổ chức Sở hữu trí tuệ quốc tế (WIPO), phát biểu tại Thế vận hội Olympic mùa đông 2022 tại Bắc Kinh rằng việc Trung Quốc trở thành thành viên của Hệ thống Hague “đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong hệ thống quốc tế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ”. Điều khá rõ ràng có thể nhận thấy, là Trung Quốc có chính sách rất nhất quán trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, đó là thả lỏng khi nền kinh tế còn ở mức độ thấp, và dần siết chặt khi có nhu cầu bảo hộ sáng tạo cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Tất nhiên, chiến lược này cũng có thể quan sát thấy ở nhiều nước khác, như Nhật Bản, Mỹ hay Hàn Quốc.

Để chuẩn bị cho việc tham gia vào Thỏa thuận Hague, Trung Quốc đã sửa đổi luật vào năm 2021 liên quan tới kiểu dáng công nghiệp (hiện nay, các quy định liên quan tới việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp nằm trong luật về bằng sáng chế – patent law). Cụ thể, theo luật mới, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ trong vòng 15 năm, thay vì 10 năm như luật cũ. Đồng thời, Trung Quốc hiện cũng đã cho phép đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp “bán phần” đối với một phần của hình thức sản phẩm.

Với hệ thống đăng ký bảo hộ quốc tế theo Thỏa thuận Hague, các doanh nghiệp Trung Quốc có thể đăng ký bảo hộ cùng một lúc tại 77 nước thành viên của hệ thống Hague, điều đó có nghĩa là thủ tục nhanh gọn hơn và đỡ tốn kém hơn rất nhiều, so với việc đăng ký tại từng quốc gia một. Thủ tục “một cửa” này được thực hiện tại WIPO, như đối với hệ thống đăng ký quốc tế PCT (Patent Cooperation Treaty) dành cho sáng chế. Luật về quyền sở hữu công nghiệp có tính “lãnh thổ”, nên các sáng tạo công nghiệp chỉ có thể được bảo hộ tại nước nơi chủ sở hữu nộp đơn đăng ký. Trong thế giới toàn cầu hóa, nhu cầu bảo hộ tại nước ngoài càng cao, vì thế đăng ký bảo hộ “quốc tế” là một thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp Trung Quốc và nước ngoài. Đây cũng là một cơ hội thuận lợi cho các nhà thiết kế kiểu dáng nước ngoài tiếp cận với thị trường Trung Quốc – vốn là một thị trường rất lớn trong lĩnh vực này.

Tất nhiên, cần phải lưu ý rằng nộp đơn đăng ký quốc tế sẽ không đồng nghĩa với việc bảo hộ tự động ở mỗi quốc gia đăng ký. Do luật của các quốc gia có thể ít nhiều khác nhau về bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, mỗi cơ quan về sở hữu trí tuệ quốc gia sẽ kiểm định đơn đăng ký và quyết định có cấp bằng hay không. Ví dụ, ở Pháp, ba tiêu chí để bảo hộ kiểu dáng công nghiệp là có tính mới, có tính sáng tạo và người tiêu dùng có thể “nhìn nhận thấy” khi sử dụng sản phẩm thì theo luật Việt Nam các tiêu chí bảo hộ lại là có tính mới, có tính sáng tạo và có khả năng áp dụng công nghiệp. Vì thế cần đặc biệt chú ý đến các tiêu chí bảo vệ ở các quốc gia “chiến lược” để tránh trường hợp đơn đăng ký bị từ chối.

Cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam bảo hộ sáng tạo tại Trung Quốc

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đây cũng là một cơ hội để đảm bảo tốt hơn việc bảo hộ sản phẩm sáng tạo tại Trung Quốc. Sau đây là một số điểm mà doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý khi đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp.

Thứ nhất, cần luôn nắm được hiện trạng của thiết kế trong lĩnh vực mà doanh nghiệp vận hành. Doanh nghiệp cần có kỹ năng kiểm tra cơ sở dữ liệu về kiểu dáng công nghiệp đã được công bố (design prior art) để có thể đánh giá độ mới và độ sáng tạo của thiết kế, điều quyết định khả năng thành công của đơn đăng ký bảo hộ. Đồng thời, cần giữ bí mật thiết kế trước khi đăng ký, vì nếu thiết kế đã ra mắt công chúng, thì sẽ không còn được coi là “mới” khi đăng ký bảo hộ.

Thứ hai, cần nghiên cứu kỹ thị trường kinh doanh sản phẩm, để xác định hợp lý lĩnh vực sử dụng và yêu cầu bảo hộ kiểu dáng công nghiệp.

Thứ ba, nếu thiết kế kiểu dáng công nghiệp không thuộc về doanh nghiệp, mà do tác giả thiết kế nhượng lại, cần chú ý đảm bảo thủ tục chuyển nhượng (hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng thiết kế).

Thứ tư, kiểu dáng có thể được đăng ký bảo hộ cho kiểu dáng công nghiệp, quyền tác giả, bằng sáng chế hay nhãn hiệu. Ví dụ, nếu như kiểu dáng công nghiệp có kèm theo một giải pháp kỹ thuật, thì doanh nghiệp có khả năng đăng ký bằng sáng chế cho giải pháp đó, bên cạnh đăng ký bảo vệ kiểu dáng công nghiệp thông thường. Cũng thế, kiểu dáng có thể được bảo hộ bởi quyền tác giả, khi đáp ứng được các tiêu chuẩn của luật về quyền tác giả. Ví dụ, theo luật của Trung Quốc, kiểu dáng có thể được bảo hộ đồng thời (dual protection) bởi quyền tác giả và bởi luật về kiểu dáng công nghiệp, nguyên tắc này đã được tòa án Bắc Kinh công nhận trong quyết định số 279 (INTERLEGO AG). Đã từng có trường hợp chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp khi hết thời hạn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp thì tiếp tục bảo vệ sáng tạo qua cơ chế luật về quyền tác giả, vốn có thời hạn bảo hộ lâu hơn rất nhiều. Vì thế, doanh nghiệp chủ sở hữu cũng nên cân nhắc kỹ các hình thức bảo hộ khác nhau để đảm bảo khai thác hiệu quả sáng tạo.

Lê Thiên Hương

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/bao-ho-kieu-dang-cong-nghiep-khi-trung-quoc-tham-gia-thoa-thuan-hague/