Bảo hộ công dân ở Jordan: Ngoài trách nhiệm là tình người cao cả

Nỗ lực bảo hộ công dân kịp thời, tận tâm của những cán bộ ngoại giao trở thành điểm tựa cho công dân Việt Nam gặp nạn ở nơi đất khách...

Đại sứ Việt Nam tại Saudi Arabia kiêm nhiệm Jordan Đặng Xuân Dũng. (Ảnh: Tuấn Anh)

Đại sứ Việt Nam tại Saudi Arabia kiêm nhiệm Jordan Đặng Xuân Dũng. (Ảnh: Tuấn Anh)

Trở về từ “cửa tử”, bảy thuyền viên Việt Nam may mắn sống sót trong vụ nổ khí độc clo (Cl) tại cảng Aqaba (Jordan), đã nhận được sự hỗ trợ, quan tâm đầy trách nhiệm và tình người của Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia kiêm nhiệm Jordan.

Sự vụ diễn ra ở địa bàn Trung Đông với nhiều khó khăn trong công tác, nhưng bảy thuyền viên bị thương đã được về nước an toàn và thi hài năm thuyền viên thiệt mạng cũng sớm trở về với đất mẹ chỉ hơn 10 ngày sau khi tai nạn xảy ra. Kết quả này nằm ngoài sự mong đợi của đơn vị phái cử lao động lẫn gia đình và chính những thuyền viên Việt Nam gặp nạn.

Trò chuyện với báo Thế giới &Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Saudi Arabia kiêm nhiệm Jordan Đặng Xuân Dũng đã chia sẻ lại quá trình triển khai công tác bảo hộ công dân của Đại sứ quán (ĐSQ) ở địa bàn kiêm nhiệm và tâm niệm của ông về công tác đặc biệt vừa là nhiệm vụ, vừa là “nghĩa đồng bào”.

Xin Đại sứ cho biết quá trình tiếp nhận và triển khai công tác bảo hộ công dân của ĐSQ khi có thông tin có người Việt Nam liên quan đến vụ nổ khí độc clo khiến 13 người thiệt mạng và 251 người bị thương tại cảng Aqaba, Jordan ngày 27/6?

Ngay sau khi nhận được thông tin công dân Việt Nam gặp nạn trong vụ nổ, ĐSQ đã báo cáo Bộ Ngoại giao và thông báo cho các đơn vị liên quan của Việt Nam để xác minh thông tin về 12 thuyền viên và gia đình.

Với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ, ĐSQ đã hết sức chủ động cập nhật tiến trình vụ việc, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng liên quan của Jordan, nhất là Bộ Ngoại giao và ĐSQ bạn tại Riyadh để có thông tin mới nhất nhằm tích cực hỗ trợ công ty phái cử có thuyền viên gặp nạn, giải quyết các thủ tục giấy tờ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các thuyền viên Việt Nam.

ĐSQ đã tìm mọi cách để liên hệ, nói chuyện trực tiếp, hỏi thăm và động viên các thuyền viên Việt Nam bị thương và thực hiện công tác bảo hộ công dân cần thiết, kịp thời, sẵn sàng hỗ trợ 24/7.

Kết quả là, vào ngày 8/7, chỉ sau hơn 10 ngày xảy ra vụ việc, Đại sứ quán đã phối hợp với Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) và công ty phái cử đưa, đón bảy thuyền viên về tới sân bay quốc tế Nội Bài trong tình trạng sức khỏe ổn định. Một ngày sau đó (9/7), năm thi hài của thuyền viên thiệt mạng vì vụ nổ cũng đã về tới sân bay Nội Bài và được đưa về địa phương lo hậu sự như nguyện vọng của gia đình.

Các thuyền viên Việt Nam lấy đồ và làm thủ tục trước khi về nước. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia)

Do Jordan là địa bàn kiêm nhiệm nên ĐSQ ta có khó khăn gì trong quá trình hỗ trợ công dân gặp nạn?

Đúng là do địa bàn Jordan là khu vực kiêm nhiệm của ĐSQ nên công tác tiếp cận thông tin và hỗ trợ công dân gặp nhiều khó khăn. ĐSQ đã phải giữ liên lạc thường xuyên với các cơ quan chức năng Jordan và đại diện của công ty phái cử để hỗ trợ tốt nhất cho các thuyền viên ta.

Rất may là, với hỗ trợ của phía bạn, ĐSQ đã tìm được cách liên hệ với các thuyền viên qua điện thoại cố định của bệnh viện, nơi bảy thuyền viên bị thương đang điều trị.

Sau một số cuộc trao đổi với giám đốc bệnh viện, đại diện nhóm thuyền viên và biết được tình hình sức khỏe của họ, cũng như hiểu rõ hơn về các thủ tục cần thiết với các cơ quan liên quan của bạn như Bộ Ngoại giao, cảng vụ và bệnh viện, các cán bộ ĐSQ đã động viên và hết sức hỗ trợ cho bảy thuyền viên ta thu xếp công việc theo nguyện vọng của các thuyền viên và gia đình.

Mặt khác, chúng tôi mau chóng tiến hành các thủ tục theo quy định để đưa thi hài năm công dân thiệt mạng về nước.

“Hơn 10 ngày đêm bảo hộ công dân là những đêm trắng đầy trách nhiệm và tình người. Thời gian ở Đại sứ quán nhiều hơn ở nhà, chúng tôi nghiên cứu phương án bảo hộ công dân tốt nhất, chuẩn bị các giấy tờ lãnh sự liên quan để đưa bảy thuyền viên may mắn sống sót và năm thi hài thuyền viên về nước sớm nhất có thể, theo nguyện vọng chính đáng của cá nhân và gia đình họ”. (Ông Trần Minh Khôi, Bí thư thứ Nhất Đại sứ quán Saudi Arabia kiêm nhiệm Jordan).

Tâm trạng và cảm xúc của Đại sứ trong suốt quá trình hỗ trợ và đồng hành đưa bảy công dân bị thương và thi hài năm công dân đã mất về nước như thế nào?

Khi nhận được tin có công dân ta trong số những người bị thương và bị chết trong vụ nổ tại cảng Aqaba, tôi khá sốc và ngay lập tức chỉ đạo liên hệ với ĐSQ Jordan tại Riyadh và Bộ Ngoại giao bạn tại Amman để tìm hiểu thông tin chi tiết.

Tôi thấy vô cùng thương xót các thuyền viên thiệt mạng cũng như rất lo lắng cho sức khỏe của những người bị thương. Tôi nghĩ ngay đến gia đình và người thân của họ, mường tượng mọi người ở nhà sẽ sốt ruột đến mức nào nên đã động viên cán bộ ĐSQ cố sức tìm cách liên hệ với họ càng sớm càng tốt.

Khi trò chuyện với nhóm bị thương, được biết tàu của các thuyền viên theo kế hoạch lẽ ra chỉ ghé cảng Aqaba từ 8-12 tiếng để trả hàng rồi đi tiếp nhưng bất ngờ lại rơi vào vụ tai nạn hết sức đau lòng này, tôi càng thương cảm hơn và thêm quyết tâm hỗ trợ họ vượt qua thời điểm khó khăn về tâm lý và tình cảm.

ĐSQ đã làm việc không quản ngày đêm liên hệ, phối hợp với các cơ quan liên quan của cả Jordan và Việt Nam để giải quyết vụ việc theo nguyện vọng của nhóm và gia đình.

Mãi đến khi nhận được tin các thuyền viên đã an toàn hạ cánh tại sân bay, được đoàn tụ gia đình, sức khỏe ổn định, các thi hài cũng về đến quê nhà, cả cơ quan mới thở phào và cảm thấy thực sự nhẹ nhõm.

Đại sứ tâm niệm như thế nào về vai trò của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong công tác bảo hộ công dân. Liệu đây có phải vừa là trách nhiệm vừa là tình đồng bào máu thịt nơi đất khách quê người?

Câu hỏi của bạn cũng đồng thời là một phần câu trả lời của tôi. Bảo hộ công dân là một trong những công việc quan trọng nhất của Cơ quan đại diện ta ở nước ngoài. Các nỗ lực bảo hộ công dân thể hiện trách nhiệm cao của Nhà nước đối với công dân, pháp nhân Việt Nam trong việc bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của họ. Tôi luôn quán triệt với cán bộ nhân viên ĐSQ quan điểm này để sẵn sàng kịp thời và hết sức, hết lòng hỗ trợ bà con ta tại các nước chúng tôi phụ trách.

Công tác bảo hộ công dân luôn được Bộ trưởng và Lãnh đạo Bộ Ngoại giao rất quan tâm, chỉ đạo nên chúng tôi càng quyết tâm hơn trong công việc. Như các bạn đã biết, ngay chiều 29/6, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã điện đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Kiều dân Jordan Ayman Al-Safadi, đề nghị các cơ quan chức năng Jordan nhanh chóng điều tra nguyên nhân vụ nổ, hỗ trợ ĐSQ Việt Nam trong công tác bảo hộ công dân.

Nhờ vậy, chúng tôi có cơ sở rất tốt để làm việc với các cơ quan bạn và nhận được giúp đỡ nhiệt tình, hợp tác chặt chẽ từ phía Jordan, đặc biệt là Bộ Ngoại giao.

Bảy thuyền viên Việt Nam an toàn trở về ngày 8/7. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia)

Tôi cũng xin chia sẻ là sau vụ việc, đơn vị phái cử lao động đã gửi thư cảm ơn tới ĐSQ và một số đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao. Bức thư có đoạn viết: “Đối với địa bàn Trung Đông khó khăn, đặc biệt không có cơ quan thường trú tại Jordan, mà trong thời gian rất ngắn Bộ Ngoại giao đã thực hiện bảo hộ công dân xuất sắc và thành công ngoài sự mong đợi của công ty và gia đình thuyền viên. Chúng tôi đã dự kiến phải 2-3 tháng mới xong thủ tục. Theo cảm nhận của chúng tôi, ngoài trách nhiệm trong công việc còn là tình người cao cả của lãnh đạo Bộ, cán bộ bảo hộ công dân và các đơn vị của Bộ Ngoại giao trong thực thi công vụ. Ngày hôm nay, tất cả thuyền viên may mắn đã được trở về nước an toàn, những thuyền viên không may mắn cũng trở về với quê hương, yên nghỉ nơi đất mẹ”.

Khi đọc bức thư này, chúng tôi thấy vui mừng vì công sức của Bộ ta và ĐSQ được ghi nhận và đánh giá đúng. Đó cũng là niềm khích lệ giúp chúng tôi tiếp tục hoàn thành ngày càng tốt hơn nhiệm vụ của Cơ quan đại diện và thực sự trở thành chỗ dựa cho công dân ta tại đây để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của họ.

“Thời gian nằm theo dõi sức khỏe ở viện, anh em tôi không ai có điện thoại di động vì đã vứt lại hết ở thuyền để chạy khỏi khu vực có khí độc. Ở nơi đất khách quê người, chỉ cần được nghe một câu nói, một lời an ủi của đồng hương đã là sự động viên rất lớn đối với mình. Thế nên, nhận được điện thoại của Đại sứ Dũng và chị Huyền, anh Khôi (cán bộ ĐSQ) qua điện thoại bàn của bệnh viện, chúng tôi mừng lắm, tinh thần anh em phấn khởi hẳn”. (Ông Nguyễn Tiến Dũng, một trong bảy thuyền viên Việt Nam may mắn sống sót trong vụ nổ khí độc clo tại cảng Aqaba, Jordan).

(thực hiện)

Thu Trang

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bao-ho-cong-dan-o-jordan-ngoai-trach-nhiem-la-tinh-nguoi-cao-ca-192320.html