Bảo hộ bản quyền giống cây trồng: Đừng để 'mất bò mới lo làm chuồng'

Đã hơn 10 năm Việt Nam tham gia Công ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới (UPOV), nhưng đến nay, vấn đề bảo hộ bản quyền giống cây trồng vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều giống quý của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị 'đánh cắp'.

Cần có giải pháp căn cơ để bảo vệ nguồn gen quý

Vẫn như “muối bỏ biển”

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), sau hơn 10 năm là thành viên của UPOV, Việt Nam mới chỉ có vài trăm giống cây trồng được cấp bằng bảo hộ, so với chủng loại vô cùng phong phú, phân bố ở các địa phương thì chỉ như… “muối bỏ biển”.

GS - TS. Trần Đình Long - Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam - đánh giá, sau khi Việt Nam tham gia UPOV mặc dù công tác bảo hộ giống cây trồng đã có chuyển biến, một số giống đã được đăng ký bản quyền nhưng so với yêu cầu đề ra thì còn kém xa. Đến nay, việc bảo hộ bản quyền chỉ mới được áp dụng ở một số cây trồng chính.

Đáng chú ý, nếu vấn đề bảo hộ ở nước ngoài được thực hiện tương đối đơn giản thì tại Việt Nam lại vô cùng phức tạp, nông dân thích gì trồng nấy, việc xâm phạm bản quyền diễn ra khá phổ biến và dễ dàng.

Lo ngại mất giống quý

Việt Nam có nhiều giống cây quý hiếm, tuy nhiên, do chưa chú trọng bảo hộ bản quyền nên đã bị rơi vào tay nước khác. Ví dụ như Việt Nam đã tạo ra giống lúa Jasmine 85, từng xuất khẩu sang Mỹ hơn 20 năm với giá cao nhưng do không đăng ký bản quyền đã bị một số nước lấy mất giống để sử dụng thành thương hiệu của họ. Một số giống lúa thơm của ta cũng đã bị Campuchia đăng ký bản quyền, xuất khẩu đi khắp nơi. Hay như giống thanh long, từ chỗ chỉ có thanh long ruột trắng, chúng ta nghiên cứu, lai tạo, nhập khẩu để phát triển thêm thanh long ruột đỏ. Nhưng chỉ vì không chú trọng đúng mức đến việc đăng ký bản quyền, Đài Loan đã lấy một số gen trong giống thanh long của Việt Nam, lai tạo để cho ra một giống thanh long mới ưu Việt hơn.

Mới đây, giống nhãn tím do một nông dân Sóc Trăng lai tạo đang bị một nhóm người Thái Lan về miền Tây tìm mua giống, gây ra lo ngại Thái Lan sẽ phát triển thành sản phẩm nông nghiệp đại trà. Điều này cho thấy, đã đến lúc vấn đề bảo hộ bản quyền giống cây trồng phải được nhìn nhận lại và cần có giải pháp căn cơ để bảo vệ nguồn gen quý.

TS. Trần Ngọc Thạch - Trưởng Văn phòng đại diện phía Nam, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) - cho biết, rất nhiều giống lúa quý của Việt Nam đã được xuất ra nước ngoài theo các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và không biết việc bảo hộ, đăng ký bản quyền những giống lúa này đã được đề cập chưa. Để thúc đẩy bảo hộ bản quyền giống cây trồng, TS. Trần Ngọc Thạch kiến nghị, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về bảo hộ giống cây trồng, đồng thời tăng cường chế tài xử phạt những trường hợp vi phạm để đảm bảo tính răn đe, từ đó thúc đẩy phát triển thị trường bản quyền giống cây trồng phát triển lành mạnh.

Còn theo GS - TS. Trần Đình Long, muốn đẩy mạnh việc bảo hộ phải làm bài bản ngay từ khâu xây dựng chính sách. Phải có những thay đổi mạnh mẽ trong khâu quản lý chứ không thể làm tản mát. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, đăng ký bản quyền, đổi mới xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy xây dựng một ngân hàng gen quốc gia, việc này Hội Giống cây trồng Việt Nam đã kiến nghị từ lâu nhưng đến nay ngân hàng vẫn rất nghèo nàn. “Lẽ ra, việc bảo hộ bản quyền giống phải làm từ lâu chứ không phải đến bây giờ mới đề cập, dù vậy, muộn còn hơn không” - GS - TS. Trần Đình Long nhấn mạnh.

Trước thông tin một nhóm người Thái Lan lùng mua nhãn tím, ngày 13/8, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 7659/VPCP-NN gửi Bộ NN&PTNT truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT nghiên cứu và xử lý thông tin trên trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/bao-ho-ban-quyen-giong-cay-trong-dung-de-mat-bo-moi-lo-lam-chuong-108420.html