Báo hiếu không chỉ thể hiện với người đã khuất

Những ngày qua, khi xuất hiện hình ảnh các hũ tro cốt, linh ảnh của người quá cố do người dân gửi tại chùa Kỳ Quang 2 (TPHCM) bị để lộn xộn trong một góc chùa đã gây hoang mang và bức xúc.

Nguyên nhân được nhà chùa giải thích do chỗ thờ linh cốt tại chùa bị xuống cấp, hư hại, nên đã quyết định cho sửa chữa xây dựng lại cho trang nghiêm, song trong quá trình sửa chữa đã có những sai sót. Sư trụ trì chùa đã lên tiếng nhận sai sót, xin lỗi và phối hợp cùng với các đơn vị chức năng để nhanh chóng giải quyết mọi việc ổn thỏa. Rõ ràng, sự tắc trách của nhà chùa trong vụ việc đã rất rõ ràng, song từ vụ việc này cũng cho thấy cần phải nhìn lại hiện tượng này một cách rành mạch hơn trong mối tương quan giữa văn hóa và truyền thống.

Như nhiều quốc gia theo Phật giáo, người dân đưa vong lên chùa như một hình thức để hương hồn người đã mất được nương nhờ cửa Phật. Vong được đưa lên chùa gọi là các hương linh. Có thể có nhiều lý do khác nhau để gia đình đưa vong lên chùa như gia đình không có điều kiện chăm sóc, người chết diễn ra trong một hoàn cảnh đặc biệt như chết sớm, do bệnh tật, tai nạn… hay do chính mong muốn của người chết, hoặc là vì nhiều lý do khác nữa. Điều này thể hiện sự coi trọng của người dân đối với đạo Phật; ngôi chùa vừa thiêng liêng cũng vừa gần gũi, gắn bó với các gia đình.

Gần đây, khi hình thức hỏa táng cũng dần thay thế địa táng, việc gửi tro cốt, linh ảnh cũng trở nên phổ biến hơn. Đối với người thân, họ có nơi yên tâm để gửi vong linh và có thể thường xuyên đến lễ chùa mỗi dịp có điều kiện. Đối với các nhà chùa, đây là dịp để gắn kết với các gia đình, thể hiện sự quan tâm, thể hiện tinh thần từ bi hỷ xả đối với chúng sinh. Công bằng mà nói điều này mang lại nhiều lợi ích cho cả người thân và nhà chùa. Bởi vậy, việc gửi hũ tro cốt và linh ảnh càng trở nên phổ biến. Sẽ không có gì phải bàn thêm nếu như cả hai bên đều tự nguyện, cam kết và thực hiện tốt phận sự của mình với thiện chí, song tiếc thay sự việc diễn ra ở chùa Kỳ Quang 2 lại không được như vậy.

Một vấn đề được dư luận quan tâm, đã được tạm thời giải quyết. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM quyết định tạm ngưng chức vụ trụ trì với hòa thượng Thích Thiện Chiếu - người có trách nhiệm điều hành mọi hoạt động của chùa trước giáo hội, pháp luật và người dân có tín ngưỡng. Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã yêu cầu ban trị sự các tỉnh, TP tiến hành tổ chức rà soát, thống kê, đánh giá việc gửi và thờ phụng tro cốt tại các cơ sở Phật giáo tại địa phương để có định hướng trong công tác quản lý về Phật sự đặc thù này. Mục tiêu là nhằm đảm bảo tốt nhất niềm tin, tín ngưỡng của nhân dân đối với người thân quá cố đảm bảo phù hợp với truyền thống văn hóa tâm linh của người Việt Nam.

Ở một khía cạnh khác, quan niệm chăm sóc phần mộ, tro cốt, anh linh của người đã khuất là thể hiện của sự tri ân, báo hiếu. Vì thế, mỗi gia đình, tùy vào điều kiện của mình, luôn tìm cách thể hiện một cách thành kính, đầy đủ nhất đối với tổ tiên đã khuất của mình. Khi xã hội ngày càng phát triển, đời sống của mỗi gia đình ngày càng khá giả hơn, chúng ta càng có thêm cơ hội để chăm sóc tổ tiên của mình. Về mặt văn hóa, điều này thể hiện câu nói của cha ông ta xưa kia là “phú quý sinh lễ nghĩa”. Song đâu cứ phải mâm cao cỗ đầy, dâng cúng vàng to, mã lớn mà thành tâm, mà có hiếu hơn những người khác. Ngay cả việc phóng sinh cũng vậy, việc làm rầm rộ, khuếch trương mà coi nhẹ việc giải thích, giáo dục, khơi dậy lòng trắc ẩn, dẫn dắt chúng sinh thấu hiểu ý nghĩa của việc nhân văn, nhân sinh… thì cũng chưa trọn vẹn.

Câu chuyện này, trong tháng 7 âm lịch lại càng cần được nhìn nhận lại.
Báo hiếu không chỉ đơn thuần thể hiện với những người đã khuất, mà quan trọng hơn cần phải được thể hiện ở mọi nơi, mọi lúc, với thái độ chân thành, đặc biệt khi bậc sinh thành của chúng ta đang sống. Việc con cái chăm sóc bố mẹ khi bố mẹ đang còn sống là thể hiện sự báo hiếu rõ ràng nhất, có ý nghĩa nhất. Khi đời sống vật chất tốt hơn, phương tiện liên lạc, đi lại tốt hơn, chúng ta có điều kiện nhiều hơn để báo hiếu bố mẹ, thì những hành động thể hiện sự biết ơn công lao của bố mẹ cần được nhấn mạnh như một trách nhiệm đạo đức.

Khi bố mẹ mất đi, mọi ao ước, mong muốn chăm sóc bố mẹ của chúng ta như một cái áo đẹp, mỗi bữa ăn ngon, một chuyến du lịch cả gia đình… sẽ là vô nghĩa. Cơ hội báo hiếu cha mẹ sẽ không bao giờ có lại được, nếu chúng ta không bắt tay ngay từ bây giờ!

PGS-TS BÙI HOÀI SƠN, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/bao-hieu-khong-chi-the-hien-voi-nguoi-da-khuat-683588.html