Báo hiếu, có cần đốt vàng mã?

Mọi năm, cứ đến dịp tháng Bảy Âm lịch là thị trường vàng mã trở nên sôi động, người dân mua vàng mã về để cúng tiến ông bà, tổ tiên hoặc cho các vong linh vất vưởng, không ai thờ cúng. Tuy nhiên năm nay, dù đã sát ngày chính lễ, nhưng vàng mã vẫn khá ế ẩm…

Các cửa hàng kinh doanh vàng mã trên phố Hàng Mã vắng khách hàng đến mua. Ảnh: N.Hiếu

Đa dạng chủng loại nhưng hàng vẫn ế ẩm

Theo quan sát của PV tại phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm, Hà Nội), vàng mã được bày bán khá đa dạng với nhiều chủng loại mẫu mã khác nhau. Khách đến đây chủ yếu là các lái buôn nhập sỉ hàng để mang đi những nơi khác bán.

Chị Loan - chủ một cửa hàng vàng mã tại phố Hàng Mã cho biết, giá một bộ đầy đủ (loại thường) bao gồm quần áo, giày dép, tiền vàng, ngựa, đồ dùng cho người cõi âm dao động từ 40.000 - 80.000 đồng. Cũng là những mặt hàng này nhưng sản phẩm cao cấp hơn có giá 100.000 - 150.000 đồng/bộ. Nếu mua lẻ, ngựa mã nhiều màu cỡ trung bình có giá 50.000 - 70.000 đồng/con; tiền vàng mã có giá từ 25.000 - 40.000 đồng/tệp tùy loại. Nếu khách hàng mua số lượng lớn, giá sẽ được ưu đãi hơn mua lẻ.

Ngoài những mặt hàng thông dụng nói trên, thị trường hàng mã nơi đây còn có những dòng sản phẩm cao cấp trong đời sống hiện đại như: máy giặt, tủ lạnh, xe máy, ô tô, điện thoại... Quần áo, váy, túi xách, giày dép, nhẫn kim cương, đồng hồ... cho người cõi âm cũng được gắn những thương hiệu nổi tiếng thế giới. Các mặt hàng phong phú là vậy, nhưng theo ghi nhận của PV, gần 30 cửa hàng tại phố Hàng Mã đều trong cảnh vắng khách. Ở một số cửa hàng, chủ hàng chăm chăm xem điện thoại, hoặc “tụm năm, tụm ba” tám chuyện.

Bà Nguyễn Thị Cúc - chủ cửa hàng số 37 Hàng Mã cho biết: “Năm nay hàng mã không bán chạy dù chúng tôi đã nhập về nhiều mẫu hàng mới, lạ từ các làng nghề như Phố Hồ (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh), hay Phúc Am (huyện Thường Tín). Thời điểm rộ khách nhập hàng là đầu tháng 7 Âm lịch, nhưng năm nay thưa khách hơn mọi năm”.

Cùng chung ý kiến trên là anh Nguyễn Xuân Ngọc - chủ cửa hàng số 57A Hàng Mã: “Những năm trước, thời điểm bắt đầu tháng 7 Âm lịch, tuyến phố này lúc nào tấp nập khách buôn. Nhưng năm nay, thị trường có vẻ trầm lắng dù có nhiều mẫu mã độc lạ, giá cả cạnh tranh hơn”.

Thói quen đang dần thay đổi

Chia sẻ với PV khi đang chọn mua vài món đồ để phục vụ cho ngày Rằm tháng Bảy, chị Mai Phương (Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay: “Năm nào nhà tôi cũng sắm sửa hết sức chu đáo cho dịp này. Năm nay có nhiều mặt hàng hình thức đẹp, bắt mắt, nhưng tôi chỉ chọn những thứ cần thiết như: tiền giấy, quần áo, đĩnh bạc. Những thứ hàng xa xỉ đắt tiền khác theo tôi là không cần thiết mà còn lãng phí”.

Chị Lê Ngân (ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng: “Rằm tháng Bảy là lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ, báo ơn tổ tiên thì lễ cúng phải chu đáo không được xuề xòa, xem nhẹ. Nhưng điều đó không có nghĩa là cứ phải mâm cao cỗ đầy, đốt thật nhiều đồ mã… Vì vậy, tôi chỉ mua những đồ đơn giản cần thiết, đốt những đồ mã tượng trưng cho lòng thành kính”.

Nhà nước đã có những quy định cụ thể về việc đốt vàng mã, đồ mã. Cụ thể, Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 103/2009/NĐ-CP của Chính phủ “Ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng” đã quy định: “Cấm đốt đồ mã ở nơi công cộng”. Trong Điều 15, Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo” cũng nêu: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa”. Cùng với đó là việc tuyên truyền rộng rãi về tục đốt vàng mã mang màu sắc mê tín dị đoạn đã khiến quan niệm của người dân thay đổi.

Có thể thấy, đây đang là tín hiệu tích cực của người dân trong việc sử dụng vàng mã, góp phần giúp môi trường trong lành hơn, giảm thiểu các nguy cơ cháy nổ, hạn chế được tình trạng “tro bay về trời, tiền lưu hạ giới” vừa tốn kém mà lại lãng phí.

Theo TS Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA cho rằng, việc đốt vàng mã để báo hiếu là quan niệm sai lầm. Tục lễ đốt vàng mã có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trước đây, ở Trung Quốc có tục lệ chôn đồ vật theo người chết, thậm chí chôn cả người. Tục lệ hà khắc, thiếu nhân văn sau này được vua Vương Dũ chế ra vàng bạc, quần áo bằng giấy… để cúng rồi đốt đi, thay thế cho vàng bạc và đồ dùng thật. Theo đó, nghề mã trở nên thịnh hành. Tuy nhiên, việc đốt vàng mã mang màu sắc mê tín dị đoan, không phải là tín ngưỡng của Đạo Phật. Việc đốt vàng mã ở chùa không phải là tăng ni mà là những người đi chùa đến đây đốt.

Theo truyền thống cúng “cô hồn” tại các khu vực công cộng như: cháo loãng, bánh kẹo, khoai sắn, muối, gạo... Lễ cúng gia tiên tốt nhất nên dùng đồ chay, thanh tịnh. Không nên đốt vàng mã, không cúng tiền giả, không cúng đồ sát sinh, các đồ tanh hôi. Gia chủ tụng kinh sám hối, tụng kinh Vu lan báo hiếu cho linh hồn cha mẹ tổ tiên được xóa bỏ nghiệp chướng tham sân si, phiền não để trở về cảnh giới an lạc đó mới là chính hiếu.

Nguyễn Hiếu

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/bao-hieu-co-can-dot-vang-ma-2018082308480802.htm