Báo hiếu chẳng đợi lễ Vu Lan

Chúng ta vừa đi qua ngày lễ Vu Lan báo hiếu (rằm tháng 7). Báo hiếu là nhiệm vụ thiêng liêng, là nghĩa cử của mỗi người con trong suốt những tháng năm mẹ cha còn sống, hay chỉ được thể hiện vào mỗi dịp Vu Lan?

Lễ Vu Lan là dịp thể nhiều người bày tỏ lòng biết ơn, báo hiếu (ảnh minh họa)

Lễ Vu Lan là dịp thể nhiều người bày tỏ lòng biết ơn, báo hiếu (ảnh minh họa)

Đã từng có những câu chuyện rất đau lòng xảy ra trong quan hệ, ứng xử giữa con cái và cha mẹ. Do không đồng ý với việc phân chia đất đai, 3 người con gái hẹn nhau đến nhà mẹ đập phá tường. Đập xong, họ xách can xăng 10 lít đổ ra sàn nhà, đóng cửa phòng khách để không cho ai vào can ngăn, rồi giữ chặt mẹ để châm lửa đốt. Mẹ và 2 người con gái không qua khỏi. Người con gái còn lại nhận hơn 22 năm tù. Rồi có chuyện con cái dây dưa việc nuôi cha mẹ, khiến những cụ ông, cụ bà lụ khụ mỗi tháng một lần khăn gói quả mướp đi sang nhà người con khác ở. Hay có chuyện con cái ở ngôi nhà sang trọng, song bố mẹ ở trong căn nhà tồi tàn cùng trên mảnh đất...

Dù những câu chuyện trên xảy ra ở trong hay ngoài Hải Dương, nhưng là chuyện thật, để mỗi người con nhìn lại mình, để tự soi, tự sửa. Dù là cá biệt, song mỗi người không khỏi xót xa, bàng hoàng trước hành động phi đạo đức, cạn tàu ráo máng, đặt tiền bạc lên trên chữ hiếu. Trong các tội, bất hiếu là tội đáng lên án nhất - đại nghịch bất đạo, trời không dung, đất chẳng tha. Người phạm phải bị xã hội coi là nghịch tử.

Phụng dưỡng cha mẹ không chỉ được quy ước trong phạm trù đạo đức, văn hóa, giáo dục mà còn được ghi trong Luật Hôn nhân và Gia đình: Con cái phải cóbổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình. Con cái có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.

Ngàn đời nay vẫn thế, cha mẹ luôn dành trọn tình yêu thương, đùm bọc, chấp nhận hy sinh cho con cái. Cha mẹ ở quê ăn con gà còi cọc nhất, ăn những thứ hoa quả sâu si nhất, còn con gà béo nhất, hoa quả tươi ngon nhất để dành cho con. Con vào đại học, cha mẹ dù chưa biết "mặt mũi" Hà Nội thế nào nhưng sẵn sàng đi vay mượn, bán trâu bò, thóc lúa cho con nhập học. Con ra trường, dù cha chỉ đi xe đạp nhưng cũng gắng mua cho con một chiếc xe máy để đi làm. Công lao, ơn nghĩa mẹ cha như trời, như bể.

Có những người con luôn khắc ghi sự hy sinh của cha mẹ, nên dù khi khó khăn hay lúc thành đạt vẫn luôn lấy chữ hiếu đặt lên hàng đầu. Người khá giả thì xây cất lại ngôi nhà mới cho cha mẹ dưỡng già. Người eo hẹp hơn mua cho cha mẹ chiếc ti vi mới. Người không giàu vật chất nhưng ở gần thì sớm tối thăm nom, có miếng gì ngon cũng mang mời cha mẹ. Nhiều người con không chỉ chú trọng báo hiếu, cung phụng, chăm sóc cha mẹ bằng vật chất mà bằng cả tinh thần. Có người hằng năm tích góp đưa cha mẹ đi du lịch trong nước, nước ngoài, thăm thú danh lam thắng cảnh; đưa cha mẹ đi khám bệnh định kỳ...

Có những người con báo hiếu bằng cách hằng năm đưa cha mẹ đi khám bệnh định kỳ (ảnh minh họa)

Có những người con báo hiếu bằng cách hằng năm đưa cha mẹ đi khám bệnh định kỳ (ảnh minh họa)

Thời gian luân chuyển, không phải ai cũng may mắn còn cả cha lẫn mẹ. Có những người chỉ còn cha hoặc mẹ, có người lại mồ côi cả mẹ lẫn cha. Benjamin Franklin - vị khai quốc công thần của Hoa Kỳ đã nói "Đừng bao giờ để đến ngày mai những việc bạn có thể làm ngày hôm nay". Phụng dưỡng, báo hiếu cha mẹ cũng vậy. Hãy báo hiếu mẹ cha bằng tất cả những gì có thể, đừng để thời gian trôi đi, để khi cha mẹ khuất núi, muốn cận kề cha mẹ thì không ai còn nữa, khi đó hối hận cũng đã muộn màng.

Vu Lan chỉ là một dịp để báo hiếu, để thể hiện đạo lý của những người con đối với những bậc sinh thành. Nhưng báo hiếu với cha mẹ là việc cả đời người phải làm thì mới mong báo đáp lại công dưỡng dục như trời bể của các bậc sinh thành!

TIẾN HUY

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/bao-hieu-chang-doi-le-vu-lan-390900.html