Bảo hiểm y tế học sinh - sinh viên: Trách nhiệm và quyền lợi

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2014, có hiệu lực từ 1/1/2015, quy định rõ: BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc toàn dân, trong đó học sinh, sinh viên là nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng.

Đại diện Sở GD&ĐT đề xuất ý kiến liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV tại buổi tổng kết công tác BHYT học sinh, sinh viên năm học 2018-2019. Ảnh: Dương Trường

Đại diện Sở GD&ĐT đề xuất ý kiến liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV tại buổi tổng kết công tác BHYT học sinh, sinh viên năm học 2018-2019. Ảnh: Dương Trường

Ngành GD&ĐT là hạt nhân cơ bản

Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe học sinh, sinh viên là mối quan tâm rất lớn của toàn xã hội, là một trong những nội dung quan trọng trong mục tiêu giáo dục, đào tạo toàn diện con người của Đảng và Nhà nước ta.

Học sinh, sinh viên cũng là một trong những nhóm đối tượng sớm được triển khai BHYT bắt buộc từ 1/1/2010, theo quy định tại Luật BHYT năm 2008. Trong đó, trách nhiệm của ngành GD&ĐT được nêu rõ: Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện việc xác định, quản lý đối tượng do Bộ GD&ĐT quản lý, trong đó có đối tượng học sinh, sinh viên.

Tiếp theo đó, Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 2/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện chính sách BHXH, BHYT yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì phối hợp Bộ Y tế, BHXH Việt Nam tổ chức thực hiện mở rộng BHYT học sinh, sinh viên, đảm bảo đạt 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT.

Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020, nhấn mạnh phải đẩy mạnh thực hiện BHYT học sinh, sinh viên, theo đó giao Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện BHYT học sinh, sinh viên.

Từ những chỉ đạo, văn bản quy phạm pháp luật nói trên, có thể thấy việc thực hiện BHYT học sinh, sinh viên đã được quy định, luật hóa một cách thống nhất, nằm trong chủ trương thực hiện BHYT toàn dân và mang tính bắt buộc.

Về trách nhiệm thu BHYT của các trường học, Thông tư liên tịch 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của liên Bộ Y tế - Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT đã quy định: Cơ sở giáo dục thu tiền đóng phần thuộc trách nhiệm phải đóng của học sinh, sinh viên 6 tháng hoặc 1 năm/lần nộp vào Quỹ BHYT.

Tại Nghị định số 105/2014/NĐ-CP quy định trích để lại cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân có đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế để mua thuốc, vật tư y tế tiêu hao, trang thiết bị và dụng cụ y tế thông thường để tổ chức khám, chữa bệnh trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ em, học sinh, sinh viên.

Tiết ngoại khóa "Rung chuông vàng" của cô trò Trường Tiểu học Hiệp Hòa (TX Quảng Yên).

Quyền lợi cho học sinh, sinh viên

Theo quy định của Luật BHYT, học sinh, sinh viên là đối tượng tham gia BHYT bắt buộc. Mức đóng của học sinh, sinh viên bằng 4,5% mức lương cơ sở. Học sinh, sinh viên được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, chỉ phải đóng 70% còn lại. Do vậy, số tiền học sinh, sinh viên đóng BHYT hiện tại là: 70% x 4,5% x 1.390.000 đồng = 43.785 đồng/tháng. Ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHYT của học sinh, sinh viên là: 30% x 4,5% x 1.390.000 đồng = 18.765 đồng/tháng. Về phương thức đóng, học sinh, sinh viên có thể đóng định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng tại cơ sở giáo dục, nhà trường đang theo học.

Ông Ngô Văn Chiến, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Thủ tục tham gia BHYT rất đơn giản. học sinh, sinh viên chỉ cần kê khai tờ khai được cơ quan BHXH cung cấp thông qua cơ sở giáo dục đang theo học. Trường hợp học sinh, sinh viên đã có mã số BHXH thì chỉ cần cung cấp mã số BHXH, không phải lập tờ khai. Học sinh, sinh viên nhận thẻ BHYT sau 5 ngày kể từ ngày cơ sở giáo dục hoặc nhà trường lập danh sách cấp thẻ BHYT gửi cơ quan BHXH. Học sinh, sinh viên được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở y tế tuyến xã, huyện và tương đương không phân biệt địa giới hành chính, phù hợp với nơi học tập, nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở khám chữa bệnh...

Về mức hưởng BHYT, nếu khám chữa bệnh đúng thủ tục quy định, 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT đối với các trường hợp sau: Học sinh, sinh viên có mã thẻ BHYT là BT, HN, DT, DK, XD, TS; khám chữa bệnh tại tuyến xã; tổng chi phí của một lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở (hiện nay là 208.500 đồng); có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên, đồng thời có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (8.340.000 đồng) thì được cơ quan BHXH cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm...

Bên cạnh việc được chi trả khi đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, học sinh, sinh viên còn được hưởng các quyền lợi thông qua công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nhà trường (sơ cấp cứu, xử lý ban đầu khi bị tai nạn thương tích, các bệnh thông thường trong thời gian học tập).

Bảo An

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201908/bao-hiem-y-te-hoc-sinh-sinh-vien-trach-nhiem-va-quyen-loi-2451854/