Bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên: Nhà nước hỗ trợ 30% mua thẻ BHYT

Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì học sinh, sinh viên (HSSV) là đối tượng tham gia BHYT bắt buộc và sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng. Dù được Nhà nước hỗ trợ nhưng việc tham gia BHYT đối với HSSV đến nay vẫn chưa đạt hiệu quả.

Tham gia BHYT, học sinh, sinh viên sẽ được chăm sóc sức khỏe đầy đủ và toàn diện hơn.

Có thể đóng thành nhiều đợt

Theo quy định mức đóng BHYT hàng tháng của HSSV bằng 4,5% mức lương cơ sở (tức là 4,5% x 1.390.000 đồng/tháng). Trong đó, HSSV chỉ cần đóng 70% chi phí, còn 30% còn lại sẽ được Nhà nước hỗ trợ.

Theo đó, HSSV từ cấp tiểu học trở lên đang theo học tại các cơ sở GDĐT thuộc hệ thống giáo dục quốc dân thuộc loại hình công lập, dân lập, tư thục, giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, dạy nghề (trừ những HSSV đã được cấp thẻ BHYT thuộc các nhóm đối tượng khác theo quy định pháp luật) thuộc đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT HSSV.

Như vậy, mức đóng BHYT HSSV cho năm học 2018-2019 (12 tháng) là: 750.600 đồng. Trong đó, HSSV đóng 70%, tương ứng là 525.420 đồng; ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%, tương ứng 225.180 đồng.

Khi mức lương cơ sở thay đổi thì mức thu sẽ thay đổi tương ứng với tỷ lệ đóng như trên.

Theo ông Đào Việt Ánh- Phó tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, để tạo thuận lợi cho HSSV tham gia phương thức đóng có thể đóng theo 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng hoặc 12 tháng tính theo năm tài chính. Đối với HSSV năm đầu cấp hoặc đã tham gia BHYT gián đoạn trong năm học trước thì có thể tham gia BHYT ngay từ đầu năm học.

Cũng theo ông Ánh, trong nhiều năm qua, cơ quan BHXH đã phối hợp chặt chẽ với các cơ sở giáo dục trong tuyên truyền và hướng dẫn chi tiết công tác thu BHYT học sinh, cấp kinh phí y tế học đường. Phương thức thu chia thành nhiều đợt cũng được nhiều BHXH tỉnh, thành phố linh hoạt triển khai, thực hiện thu theo năm tài chính, đối với sinh viên mới nhập học, học sinh chuyển cấp, mới vào lớp 1 thực hiện thu phí BHYT HSSV của những tháng còn lại trong năm tài chính, như vậy sẽ giảm sức ép các khoản phải đóng góp vào đầu năm học cho phụ huynh, HSSV.

Tăng cường truyền thông

Tham gia BHYT, HSSV được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn, phòng khám đa khoa khu vực, bệnh viện tuyến huyện và tương đương. Được hưởng các quyền lợi chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường học, hưởng BHYT khi khám bệnh, chữa bệnh, hoặc bị tai nạn giao thông theo quy định.

Dù vậy đến nay theo thống kê của ngành BHXH số HSSV chưa tham gia BHYT vẫn còn khá lớn. Đơn cử như tại TP. Hà Nội Năm học vừa qua, trên địa bàn Hà Nội chỉ có 2 quận đạt được tỷ lệ 100% học sinh tiểu học tham gia BHYT, ở bậc học THCS và THPT chỉ có 1 quận đạt được tỷ lệ 100% học sinh tham gia BHYT. Cá biệt có một số huyện ở ngoại thành còn có tỷ lệ học sinh các cấp tham gia BHYT thấp, đạt dưới 80%.

Với sinh viên các trường ĐH, CĐ vẫn còn nhiều quận huyện của Hà Nội có tỷ lệ sinh viên tham gia BHYT (đã có thẻ BHYT) rất thấp, mới đạt 20, 22%, quận huyện có tỷ lệ sinh viên tham gia BHYT cao nhất cũng mới chỉ đạt hơn 96%.

Trên thực tế để chăm sóc và bảo vệ các em, tạo điều kiện cho những chủ nhân tương lai phát triển toàn diện, bền vững, Luật BHYT khẳng định: HSSV là đối tượng có trách nhiệm phải tham gia BHYT theo quy định.

Song đến nay, kết quả số HSSV tham gia BHYT hàng năm tỷ lệ đạt được không như chỉ tiêu đề ra. Số HSSV tham gia không đồng đều giữa các địa phương, các trường học, điều này cho thấy trách nhiệm của một số hiệu trưởng nhà trường trong việc thực hiện các quy định của Luật BHYT còn chưa cao.

Các trường triển khai công tác BHYT HSSV không đúng với tinh thần của Luật BHYT, có một số cơ sở giáo dục tổ chức thu nhiều khoản phải đóng góp vào đầu năm học, gây sức ép tài chính cho các hộ gia đình, bên cạnh những khoản đóng góp có tính chất bắt buộc, trong đó có BHYT thì có những khoản “thu hộ” như bảo hiểm thương mại; các cơ sở giáo dục không tuyên truyền, phổ biến rõ cho phụ huynh học sinh biết với việc thu BHYT là trách nhiệm của cả gia đình và nhà trường nhằm đảm bảo quyền lợi và sức khỏe của các em học sinh.

Điều này dẫn đến hiểu nhầm, thậm chí là hiểu sai bản chất của chính sách, pháp luật BHYT của Nhà nước; đánh đồng vai trò của cơ sở giáo dục trong thực hiện BHYT với việc thu các loại hình bảo hiểm thương mại.

Đây là hạn chế, bất cập cần phải chấn chỉnh ngay, vì nếu không sẽ tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHYT. Chính vì vậy để phát triển BHYT HSSV nói riêng cũng như BHYT nói chung một cách bền vững, công tác truyền thông phải được chú trọng thường xuyên, liên tục, đi sâu nắm bắt đặc thù và có hình truyền thông phù hợp, chất lượng, hiệu quả với từng nhóm đối tượng.

Khanh Lê

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/bao-hiem-y-te-hoc-sinh-sinh-vien-nha-nuoc-ho-tro-30-mua-the-bhyt-tintuc412717