Bảo hiểm y tế đã bao phủ 89% dân số

Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa cung cấp tình hình hoạt động của ngành trong tháng 5 cho các cơ quan báo chí. Theo đó, tính đến tháng 5-2019, cả nước có 14,6 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, 347 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện, 12,87 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 84 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 89% dân số.

Cũng trong tháng 5-2019, ngành BHXH đã giải quyết 10.503 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; 93.232 người hưởng trợ cấp 1 lần; 904.835 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Ước tính trong cả nước có khoảng 15,4 triệu lượt người khám chữa bệnh (KCB) BHYT.

Trong tháng, BHXH đã phối hợp với ngành LĐ-TB&XH giải quyết cho 93.280 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, 3.258 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề.

Số chi BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 24.947 tỷ đồng. Lũy kế đến hết tháng 5-2019, ước số chi BHXH, BHYT, BHTN là 123.230 tỷ đồng, đạt 43% kế hoạch cả năm. Trong đó, chi BHXH từ nguồn quỹ BHXH là 62.294 tỷ đồng.

Theo số liệu thống kê tính đến ngày 28-5-2019 trên Hệ thống thông tin Giám định BHYT, trong cả nước đã có tổng cộng 68,57 triệu lượt KCB BHYT với số tiền đề nghị cơ quan BHXH thanh toán là 37.688,65 tỷ đồng.

Người dân đăng ký khám chữa bệnh BHYT. (Ảnh: P.Thảo)

Người dân đăng ký khám chữa bệnh BHYT. (Ảnh: P.Thảo)

Trong đó có 1.839 lượt KCB nội trú, chi phí từ 200-500 triệu đồng/đợt điều trị nội trú. Đáng chú ý, có 97 lượt KCB nội trú, chi phí trên 500 triệu đồng/đợt điều trị nội trú, trong đó có 12 bệnh nhân chi phí cho BHYT trên 1 tỷ đồng/đợt điều trị.

Trong thời gian tới, ngành BHXH xác định sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, đặc biệt là mở rộng, phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

Đồng thời, hoàn thiện dữ liệu hộ gia đình, cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH; tăng cường quản lý chi trả các chế độ BHXH ngắn hạn, chi trả trợ cấp BHTN thông qua rà soát với các phần mềm nghệp vụ; đổi mới phương thức phục vụ, chi trả qua tổ chức dịch vụ công ích của Nhà nước; đẩy mạnh việc chi trả không dùng tiền mặt; đẩy mạnh công tác thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất tại các đơn vị, DN nợ đọng BHXH, BHYT; tăng cường kiểm soát chi phí KCB BHYT đối với các cơ sở KCB có cảnh báo từ Hệ thống thông tin giám định BHYT.

Để giảm thiểu mức nợ đọng BHXH, từ đầu năm đến nay, ngành BHXH đã thanh tra, kiểm tra công tác đóng BHXH cho người lao động tại 6.427 đơn vị. Qua đó phát hiện số lao động chưa đóng, đóng thiếu thời gian phải tham gia là 7.291 lao động; số tiền truy đóng do chưa đóng, đóng thiếu thời gian là 29.134 triệu đồng; số tiền thoái thu, hoàn trả do đóng không đúng đối tượng là 1.185 triệu đồng. Các đoàn thanh, kiểm tra đã ban hành là 161 quyết định xử phạt hành chính với số tiền xử phạt là 5.738 triệu đồng.

Đáng quan tâm, để tháo gỡ vướng mắc pháp lý trong xử lý hình sự các tội về trục lợi BHXH, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình và đại diện một số Bộ, ngành vừa thảo luận, cho ý kiến đối với các dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật Hình sự, trong đó có Nghị quyết hướng dẫn áp dụng các tội liên quan đến bảo hiểm.

Nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung 3 tội danh là tội gian lận BHXH, BHTN; tội gian lận BHYT; tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Tuy nhiên, những quy định này còn định tính, chung chung và có cách hiểu khác nhau, nên Hội đồng Thẩm phán TANDTC sẽ ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng 3 tội danh này.

Tại phiên họp, việc xác định tư cách tham gia tố tụng của cơ quan BHXH cũng nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Đáng chú ý, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sĩ Lợi cho rằng, phải coi cơ quan BHXH tham gia tố tụng với tư cách là bị hại. Vì hành vi trốn đóng BHXH theo Điều 216 sẽ gây thiệt hại trực tiếp cho cơ quan BHXH trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, làm thất thoát quỹ BHXH, BHYT, BHTN.

Tuy nhiên, theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, việc xác định tư cách tham gia tố tụng sẽ tùy thuộc vào từng vụ án cụ thể. Ví dụ nếu bị lấy tiền từ quỹ BHXH thì cơ quan BHXH là bị hại, nhưng với những trường hợp trốn đóng mà tiền chưa vào quỹ BHXH thì BHXH không phải là bị hại, khi ấy người lao động mới là bị hại.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/bao-hiem-y-te-da-bao-phu-89-dan-so-150546.html