Bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV

Để đạt được mục tiêu 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng bệnh, 90% được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút ARV và 90% kiểm soát số lượng vi-rút ở mức thấp (mục tiêu 90-90-90) trong bối cảnh thuốc kháng vi-rút ARV không còn được cấp phát miễn phí thì việc sớm mở rộng độ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) đối với những người có 'H' đặc biệt quan trọng.

Mới đây, tại Hội nghị “Đảm bảo nguồn tài chính bền vững cho tiếp cận thuốc kháng HIV và hướng tới mục tiêu 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT”, bà Stephanie De Goes, Điều phối viên Chương trình PEPFAR tại Việt Nam cho rằng, BHYT là cột sống của chương trình điều trị HIV/AIDS bền vững của một quốc gia, đặc biệt là tại Việt Nam. Nguy cơ lớn nhất khi người nhiễm HIV không có BHYT là họ sẽ gặp khó khăn về tài chính khi điều trị ARV, dẫn đến tình trạng bỏ điều trị, làm gia tăng tình trạng kháng thuốc. Khi đó, công tác điều trị sẽ rất khó khăn, tốn kém gấp bội. Mặt khác, hiện nay nhiều người nhiễm HIV chưa hiểu hết được lợi ích của BHYT. Một số người cho rằng thuốc ARV vẫn đang được cấp miễn phí nên không cần tham gia BHYT, không biết rằng trong thời gian tới họ sẽ phải tự chi trả tiền thuốc điều trị. Đó là chưa kể những trường hợp không đủ sức khỏe nên không thể lao động, đang sống lay lắt qua ngày nên không có tiền mua BHYT.

Bệnh nhân nhiễm HIV tại Cần Thơ đến khám bệnh bằng thẻ BHYT.

Về vấn đề phát triển thẻ BHYT cho người có “H”, bà Dương Thúy Anh, Trưởng phòng Tài chính kế toán, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc triển khai BHYT. Hiện cả nước đã có tới 83,4% người nhiễm HIV đang điều trị bằng thuốc kháng vi-rút (ARV) có thẻ BHYT, trong đó 5 tỉnh, thành phố có 100% người nhiễm HIV đang điều trị bằng thuốc ARV có thẻ BHYT và 30 tỉnh, thành phố tỷ lệ này đạt hơn 90%. Các địa phương cũng đã chủ động triển khai BHYT cho người nhiễm HIV từ việc truyền thông, hỗ trợ người nhiễm HIV tham gia BHYT cũng như kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS để có thể ký hợp đồng và thanh toán được với Quỹ BHYT. Đặc biệt, các tổ chức quốc tế cũng đang chung tay hỗ trợ Việt Nam trong việc triển khai BHYT cho người nhiễm HIV bằng những nguồn tài chính quan trọng.

GS, TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định, với mục tiêu bắt đầu thanh toán thuốc ARV cho bệnh nhân qua BHYT từ ngày 1-1-2019 thì thời gian còn rất ngắn, lộ trình đưa thuốc ARV từ nguồn BHYT thay thế cho nguồn viện trợ đã rất rõ ràng. Do vậy, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương khẩn trương, chủ động triển khai BHYT cho người nhiễm HIV. Việc thanh toán ARV qua BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS là bắt buộc. Địa phương nào để bệnh nhân không tiếp cận được với thuốc ARV, trước tiên là trách nhiệm của lãnh đạo sở y tế. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, các địa phương kiện toàn cơ sở điều trị HIV/AIDS chậm thì cần khẩn trương triển khai, vì phải thanh toán các dịch vụ y tế khác cho người nhiễm HIV có thẻ BHYT với cơ quan BHYT để làm quen dần trước khi thanh toán thuốc ARV qua BHYT. Cơ sở điều trị HIV/AIDS nào nếu không thể ký được hợp đồng với BHYT cần phải chuyển bệnh nhân sang phòng khám, bệnh viện có hợp đồng với BHYT. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ nới rộng tiêu chuẩn cơ sở điều trị HIV/AIDS để nhiều cơ sở y tế có thể tham gia vào điều trị ARV.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị các tổ chức quốc tế hỗ trợ cho BHXH Việt Nam lồng ghép quản lý bệnh nhân HIV/AIDS, dữ liệu điều trị ARV vào hệ thống phần mềm quản lý bệnh nhân của BHYT trong hệ thống chung cả nước. Có như vậy chúng ta mới có cơ sở dữ liệu quốc gia điều trị ARV để việc quản lý việc điều trị HIV/AIDS được tốt hơn.

Việt Nam được đánh giá là nước đầu tiên ở khu vực Tây Thái Bình Dương sử dụng nguồn bảo hiểm cho điều trị HIV với lộ trình rõ ràng và những bước đi chắc chắn. Với mục tiêu mà Việt Nam đề ra là đến năm 2020, 100% người nhiễm HIV phải có thẻ BHYT, 80% số thuốc ARV được Quỹ BHYT thanh toán thì việc trước mắt là Cục Phòng, chống HIV/AIDS cần sớm hoàn tất việc rà soát nhu cầu mua BHYT cho người nhiễm HIV tại một số tỉnh khó khăn và trên cơ sở đó, dùng nguồn kinh phí viện trợ quốc tế còn lại để hỗ trợ trong thời gian đầu.

Bài và ảnh: DIỆP CHÂU

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/bao-hiem-y-te-cho-nguoi-nhiem-hiv-541692