Bảo hiểm xe máy: Mua dễ nhưng khó đòi bồi thường

Thời gian gần đây, người dân đổ xô mua bảo hiểm xe máy trước thông tin có đợt tổng kiểm tra phương tiện của lực lượng chức năng. Dù vậy đa phần mọi người đều cho biết mua bảo hiểm nhưng không mặn mà khoản đòi bồi thường.

Vì sao người dân không mặn mà đòi bồi thường bảo hiểm?

Như Vietnamnet phản ánh, thời gian gần đây, người dân đổ xô mua bảo hiểm xe máy trước thông tin có đợt tổng kiểm tra phương tiện của lực lượng chức năng. Dù vậy đa phần mọi người đều cho biết mua bảo hiểm nhưng không mặn mà khoản đòi bồi thường.

Nguyên nhân chính có lẽ do người dân vẫn còn tỏ ý băn khoăn vì có tình trạng bảo hiểm trách nhiệm dân sự (BH TNDS) với xe máy “mua dễ, khó đòi”. Trong khi đó, các Công ty bảo hiểm cho rằng, nguyên nhân là do người dân ngại làm thủ tục.

Cảnh sát giao thông kiểm tra các loại giấy tờ xe, trong đó có bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với xe máy (ảnh: Hoàng Hiệp)

Cảnh sát giao thông kiểm tra các loại giấy tờ xe, trong đó có bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với xe máy (ảnh: Hoàng Hiệp)

"Lúc đó tôi đi sai, nhà gần đường nhưng khi phi xe ra cổng tôi không để ý nên va phải cậu bé đang chạy xe trên đường khiến cậu bị ngã. Dù cậu bé bị thương nhẹ phần mềm nhưng chiếc xe máy khá mới lại bị vỡ đèn, vỡ mặt ốp trước và qoẹo vành bánh. Tôi được yêu cầu chi trả toàn bộ chi phí sửa xe và chi phí điều trị vết thương cậu bé đó.Chia sẻ với phóng viên, anh Hoàng Quốc ở Quảng Trị cho biết, anh từng gặp phải tình huống va chạm giao thông khá nặng đối với một cậu bé học sinh lơp 12 đi xe Honda Wave ngay trước cửa nhà.

Vì có mua bảo hiểm xe máy, tiếc tiền tôi đã gọi điện lên hãng bảo hiểm để yêu cầu được giải quyết bồi thường hộ. Nhưng khi gọi điện tôi lùng bùng cả lỗ tai khi nghe nhân viên bảo hiểm tư vấn thủ tục làm hồ sơ bồi thường”.

Anh Quốc kể, anh được đề nghị phải có biên bản của cảnh sát giao thông (CSGT) hoặc giấy xác nhận của công an khu vực (nơi xảy ra tai nạn). Nếu người bị thương tích phải nhập viện thì phải có giấy ra viện, đơn thuốc. Nếu xe bị hư hỏng phải có hóa đơn của tiệm sửa chữa và xác nhận vụ việc của công an.

“Khó nhằn hơn là yêu cầu tất cả giấy tờ phải có mộc đỏ của công an cùng sự ghi nhận của công ty bảo hiểm. Nghe xong tôi càng rối, lại bàn lùi vì nghĩ đến công đoạn tìm cho đủ các loại giấy tờ kể trên phải tốn bao nhiêu thời gian, công sức mà còn chưa biết có xin được không. Nên thôi, mình tự thỏa thuận, tự giải quyết cho rồi", anh nói.

Chia sẻ với Xe Vietnamnet, anh Tiến Trường, một người dân ở Hà Nội cũng cho biết: “Tôi mua BH bắt buộc TNDS bắt buộc khá nghiêm túc, hết hạn là mua, nhưng cũng chưa từng nghe xe máy nào đó gây tai nạn và được bồi thường cho bên thứ 3. Gia đình tôi có trường hợp gây tai nạn, khi yêu cầu bảo hiểm giải quyết thì được đại lý bảo hiểm đề nghị chia tỉ lệ 50/50, có nghĩa nếu bảo hiểm bồi thường cho bên thứ 3 là 10 triệu thì chủ nhân sẽ phải chịu một nữa tương đương 5 triệu đồng. Dù vậy thủ tục vô cùng nhiêu khê và chưa thấy ai nhận được tiền ấy. Và khi chủ nhân gây tai nạn, họ liên lạc số điện thoại trên BH thì họ cũng trả lời qua quýt khiến họ không đủ kiên nhẫn để theo đuổi”.

Đánh giá về vấn đề này, anh Nguyễn Khắc Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm Infair cho rằng doanh nghiệp Bảo hiểm vẫn sẵn sàng chi trả theo luật, nhưng anh nhận thấy đa số người dân chưa hiểu đúng về quyền lợi của mình. “Việc đa số người dân suy nghĩ bảo hiểm xe máy là tờ giấy lộn có thể xuất phát từ tâm lý ngại tìm hiểu, rồi người này đồn người kia thành ra coi chuyện đòi quyền lợi là khó”, anh Xuân nhận xét.

Bên cạnh đó, hiện nay có một thực tế khá nghịch lý là trong khi doanh thu bảo hiểm xe máy sẵn sàng được các công ty bảo hiểm công khai nhưng khó mà biết họ chi ra bao nhiều.

Đại diện một hãng bảo hiểm trụ sở chính tại Hà Nội có doanh thu hàng năm không dưới 200 tỷ đồng nhận định thị trường năm 2020 đang leo dốc, công ty kỳ vọng tăng trưởng thêm vài chục phần trăm. Tuy nhiên nếu đề cập đến số tiền đã chi trả thì lại thành…khó nói, nhạy cảm và cho rằng, đây là bí mật kinh doanh. Để thoái thác, vị này gợi ý phóng viên có thể tham khảo nguồn từ Hiệp hội Bảo hiểm.

Về vấn đề trên, đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cũng chỉ cho biết trong năm 2019, các doanh nghiệp đã giải quyết bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới cho cả xe ô tô và xe máy ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng. Nhưng, Hiệp hội này cũng không nắm được số liệu cụ thể về mức chi bồi thường quyền lợi bảo hiểm cho xe máy của các doanh nghiệp.
Có thể thấy câu chuyện bảo hiểm xe máy bao năm nay gần như bị lãng quên, có nguồn cơn từ cả hai phía, người mua lẫn người bán.

Tại sao dân phải bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe máy?

Bên cạnh việc không mặn mà đòi bồi thường vì nghĩ thủ tục rườm rà, "chưa được vạ thì má đã sưng" đa phần người dân cũng đang bức xúc vì quy định bắt buộc phải mua BH TNDS và cho rằng, đây là giao dịch dân sự tự do của người chủ xe máy.

Anh Nguyễn Văn Sơn (Hà Nội) chia sẻ với Vietnamnet rằng: "Việc đưa vào quy định bắt buộc người sử dụng mô tô, xe máy phải mua bảo hiểm TNDS, kèm theo chế tài xử phạt với chủ phương tiện không mua bao hiểm tạo ra một loại thị trường phi cạnh tranh, thậm chí về bản chất là phi thị trường".

"Việc mua bảo hiểm phải dựa trên sự tự nguyện, xuất phát từ lợi ích của người mua, chứ không phải để "đút ví, chờ hết hạn", không chỉ lãng phí tiền bạc của người dân, chính sách không phù hợp với thực tiễn mà còn dễ bị lợi dụng chính sách để trục lợi", anh Sơn nói.

"Chúng ta cần đánh giá đúng mức độ cần thiết, hoặc phải đổi mới quản lý đi đôi với tôn trọng lợi ích của nhân dân, cần bỏ quy định bắt buộc người sử dụng phương tiện mô tô, xe máy mua bảo hiểm", anh chia sẻ.

“Vậy tại sao luật lại quy định bắt buộc? Mục đích chính của BH bắt buộc là để bảo vệ lợi ích của nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông. Xe cơ giới là nguồn nguy hiểm cao độ, luật dân sự quy định chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường khi gây thiệt hại kể cả không có lỗi", anh Xuân phân tích. Tuy nhiên, lý giải về điều này, anh Nguyễn Khắc Xuân cho biết, Bảo hiểm bắt buộc do luật quy định tại Điều 8 Luật Kinh doanh bảo hiểm .

Cũng theo anh Xuân, đặt tình huống ông chủ xe cơ giới gây tai nạn gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng cho người khác. "Tốt đẹp ông ta bồi thường thì không sao. Nhưng nếu rơi vào các tình huống: Chủ xe cơ giới cũng chết trong vụ tai nạn; Chủ xe cơ giới không có khả năng đền bù, hoặc cũng bùng không đền bù, tòa xử xong cũng không đền bù, thi hành án thì chắc chắn bó tay.

“Khi đó ai sẽ đền cho nạn nhân đây? Đó là lý do luật quy định BH TNDS chủ xe cơ giới là bắt buộc, mục đích chính là để bảo vệ nạn nhân, sau là góp phẩn đảm bảo an toàn, an sinh và trật tự xã hội”, anh Xuân chia sẻ.

Hồ sơ cung cấp cho công ty bảo hiểm để đòi quyền lợi bảo hiểm xe máy gồm:

- Thông báo tai nạn và yêu cầu bồi thường: (giám định viên sẽ đưa mẫu cho bạn ghi và nhận luôn)
- Hồ sơ vụ TNGT của cơ quan có thẩm quyền
- Bản án (nếu có)
- Chứng từ chứng minh thiệt hại tài sản: (một hoặc tất cả: báo giá sửa chữa, hóa đơn, thỏa thuận đền bù, biên bản định giá của hội đồng định giá tài sản)
- Chứng từ chứng minh thiệt hại về người: (Giấy ra viện, kết luận giám định thương tật, thỏa thuận đền bù)

Chi Bảo- Đình Quý

Bạn nghĩ gì về bảo hiểm xe máy tại Việt Nam? Trân trọng mời bạn đọc gửi tin bài, video cộng tác về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn!

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/oto-xe-may/tin-tuc/bao-hiem-xe-may-mua-de-nhung-kho-doi-boi-thuong-643016.html