Bảo hiểm xã hội là một trong những trụ cột của an sinh xã hội

Đó là nhấn mạnh của các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội.

Tại buổi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội trong ngày 30, 31/10, nhiều ý kiến đều đưa ra nhận định bảo hiểm xã hội là một trong những trụ cột của an sinh xã hội.

Thời gian qua, lĩnh vực bảo hiểm xã hội đã đạt được những kết quả nhất định, tỷ lệ bao phủ dần tăng lên, ước đến hết năm 2019 đạt tỷ lệ bao phủ 32,5% trong tổng số lực lượng lao động.

Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Đối tượng tham gia dần mở rộng, tuy nhiên, đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn rất thấp và khó khăn, chưa có số liệu cụ thể đánh giá tỷ lệ phần trăm này. Đáng lo ngại là tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng tiếp tục gia tăng.

Trước thực trạng này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội – ông Bùi Sỹ Lợi đề nghị Chính phủ tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết 93 của Quốc hội về bảo hiểm xã hội một lần.

Ông Lợi thông tin, từ năm 2014 đến năm 2018, mỗi năm bình quân số người tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội là một triệu người, nhưng số ra khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội cũng không nhỏ, trong 5 năm có tới 2,7 triệu người hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Với tình trạng này, đại biểu băn khoăn "không hiểu rằng Nghị quyết 28-NQ/TW (về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội) có đạt được các mục tiêu là bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân hay không".

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, tổng kết vấn đề này để hạn chế việc hưởng chính sách bảo hiểm xã hội một lần, vì trong 2,7 triệu người, có đến 93% là mới đóng bảo hiểm xã hội được 10 năm đã rút ra khỏi hệ thống an sinh này và trong 93% đó, có 50% mới đóng được dưới 1 năm đến 3 năm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội cũng cho rằng, đây là một vấn đề an sinh xã hội mà Đảng, Nhà nước phải chăm lo cho người dân.

Do vậy, cần giải thích cho người lao động, để họ không vì khó khăn trước mắt mà rút tiền bảo hiểm, để đến khi về hưu có chính sách đảm bảo cuộc sống tuổi già.

Đồng thời, ông Bùi Sỹ Lợi cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục nâng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội cho đối tượng hộ cận nghèo và hộ nghèo, để thúc đẩy người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, phấn đấu đạt nhanh tốc độ tăng bảo hiểm xã hội toàn dân theo tinh thần Nghị quyết 28 của Trung ương.

Tuyên truyền về Bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người dân.

Cũng liên quan đến vấn đề Bảo hiểm xã hội tự nguyện, đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh – đoàn Bình Phước cho rằng, tình hình liên thông chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước như thuế, đầu tư, tài chính, lao động còn hạn chế.

Theo số liệu cung cấp của cơ quan thuế, hiện nay có 610.000 doanh nghiệp nộp thuế nhưng cơ quan bảo hiểm xã hội chỉ thu được của 327.000 doanh nghiệp, còn 283.000 doanh nghiệp đang hoạt động nhưng chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động.

"Số lao động thực tế của cơ quan thuế và cơ quan lao động có sự chênh lệch lớn. Tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, thay thế sổ bảo hiểm xã hội bằng thẻ bảo hiểm xã hội chưa có phương án cụ thể" đại biểu nói.

Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh đồng tình với quan điểm của đại biểu Bùi Sỹ Lợi về việc tăng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội cho đối tượng hộ cận nghèo và hộ nghèo để mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, đảm bảo an sinh xã hội; tổng kết Nghị quyết 93 của Quốc hội để làm cơ sở cho việc điều chỉnh pháp luật cho việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần, giảm thiểu tình trạng này.

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh cũng đề xuất đưa tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội vào nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2020.

Đỗ Thơm

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/bao-hiem-xa-hoi-la-mot-trong-nhung-tru-cot-cua-an-sinh-xa-hoi-post204058.gd