Bảo hiểm thất nghiệp: Giúp người thất nghiệp sớm quay lại thị trường lao động

Sau 10 năm triển khai, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã dần đi vào cuộc sống, thể hiện được nhiều ưu điểm và được cả người lao động và doanh nghiệp đón nhận một cách tích cực.

Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Báo cáo của Cục Việc làm (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội - LĐTB&XH) cho thấy, trong 10 năm qua, chính sách BHTN đã thu được những kết quả tích cực, đối tượng tham gia BHTN dần được mở rộng. Đó là: Những công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc; làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.

Người lao động chỉ cần đóng bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng và ngân sách Trung ương hỗ trợ tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng đóng BHTN của những người lao động đang tham gia BHTN.

Nhờ vậy, số người người tham gia BHTN gia tăng qua các năm. Nếu năm 2009, mới chỉ có gần 6.000 người tham gia thì đến năm 2015 tăng lên hơn 10,3 triệu người và năm 2018 tăng lên gần 12,7 triệu người (bằng 87,7% so với tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc). Đến thời điểm hiện nay, số người tham gia BHTN đã cán đích hơn 13 triệu người.

Số người thụ hưởng chính sách BHTN cũng ngày càng tăng. Năm 2010 có 162.711 người nộp hồ sơ hưởng chế độ thất nghiệp, trong đó: 156.765 người đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; 125.562 người được tư vấn giới thiệu việc làm và 270 người được hỗ trợ học nghề. Đến năm 2018 có 773.387 người nộp hồ sơ, trong đó có 763.573 người đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; 1,39 triệu lượt người được tư vấn giới thiệu việc làm.

Báo cáo của BHXH Việt Nam cũng cho thấy, ước kết dư Quỹ BHTN tính đến cuối năm 2018 là hơn 79.000 tỷ đồng, dự báo đến năm 2020, Quỹ BHTN vẫn đảm bảo an toàn.

Đánh giá về chính sách BHTN, ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm khẳng định, thời gian qua chính sách BHTN đã được thực hiện với phương châm 3 đúng "đúng đối tượng, đúng chế độ, đúng thời hạn". Nhờ vậy, đã có tác động tích cực, trực tiếp đến người lao động, người sử dụng lao động và vấn đề an sinh xã hội. BHTN ra đời đã bảo vệ, bù đắp những tổn thất về mặt tài chính cho người lao động, giúp họ có khả năng cũng như cơ hội quay lại thị trường làm việc.

Bên cạnh đó, chính sách BHTN đã quy định một mức đóng đối với tất cả các chủ sử dụng lao động, không quy định mức đóng khác nhau giữa các loại hình doanh nghiệp, tạo sự chia sẻ giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ, giữa người lao động trình độ cao, ít rủi ro với người lao động trình độ thấp và nguy cơ cao.

Khi người lao động bị mất việc, chủ doanh nghiệp không phải mất phí trợ cấp mất việc làm cho người lao động nên họ sẽ sử dụng nguồn lao động thoải mái hơn, tạo động lực phát triển sản xuất. Cũng nhờ có BHTN mà gánh nặng ngân sách của Nhà nước khi có thất nghiệp xảy ra được giảm bớt.

Mặc dù có nhiều ưu điểm, nhưng theo Bộ LĐTB&XH, việc thực hiện chính sách BHTN thời gian qua vẫn còn một số khó khăn nhất định. Đó là, nhiều người sử dụng lao động, người lao động chưa hiểu rõ về chính sách BHTN, nên chưa thực hiện đúng quy định, dẫn đến thiệt thòi khi chẳng may mất việc làm.

Tình trạng nợ, chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế, BHTN cho người lao động chưa được khắc phục triệt để. Nhiều doanh nghiệp nợ với số tiền lớn trong thời gian dài dẫn đến việc xác nhận sổ (chốt sổ) BHXH chậm, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Việc phối hợp giữa các ngành hữu quan trong việc giải quyết, quản lý người hưởng trợ cấp thất nghiệp chưa đồng bộ, hạn chế. Do đó, vẫn còn trường hợp người lao động vừa đi làm vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Để chính sách BHTN đạt hiệu quả tốt hơn, thời gian tới, Bộ LĐTB&XH sẽ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm, chính sách BHTN theo hướng chú trọng không chỉ các giải pháp xử lý hậu quả đối với người thất nghiệp thông qua việc chi trả trợ cấp thất nghiệp, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm mà cần xây dựng các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp.

Phương Anh

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/kinh-te/lao-dong-viec-lam/bao-hiem-that-nghiep-giup-nguoi-that-nghiep-som-quay-lai-thi-truong-lao-dong_t114c7n151012