Bảo hiểm thất nghiệp cao hơn lương, doanh nghiệp nhỏ Mỹ khó thuê lại nhân viên

Quốc hội Mỹ đang tìm cách điều chỉnh chương trình cho vay liên bang, khiến doanh nghiệp nước này khó mà cạnh tranh được khi muốn thuê nhân viên cũ để mở cửa trở lại.

Theo kênh CNBC (Mỹ), chủ cửa hàng bán lẻ bưu thiếp và quà tặng The Crown Shop ở Little Rock, bang Arkansas định mở lại cửa hàng nhưng họ gặp khó khăn khi không nhân viên cũ nào chịu trở lại làm việc với đồng lương thấp hơn tiền bảo hiểm thất nghiệp.

Người mất việc xếp hàng chờ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Lực lượng lao động Arkansas ở Fort Smith ngày 6/4. Ảnh: Reuters

Người mất việc xếp hàng chờ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Lực lượng lao động Arkansas ở Fort Smith ngày 6/4. Ảnh: Reuters

Điều phức tạp là chủ doanh nghiệp muốn nhận được khoản vay dành cho doanh nghiệp nhỏ của chính phủ (Chương trình Bảo vệ Tiền lương – PPP), họ phải chứng minh là đã thuê lại nhân viên bị cho nghỉ phép không lương.

Mặc dù PPP là cách để giúp người lao động vẫn duy trì việc làm ở chỗ cũ nhưng doanh nghiệp nhỏ thấy khó mà trả lương cao hơn bảo hiểm thất nghiệp.

Những gì mà cửa hàng The Crown Shop trải qua cũng là tình cảnh chung của nhiều doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ.

Nhằm vội vã giúp đỡ hàng triệu người Mỹ thất nghiệp do doanh nghiệp đóng cửa để đề phòng COVID-19, Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật CAREs được ký thành luật hồi cuối tháng 3. Theo đó, người thất nghiệp hưởng thêm 600 USD trợ cấp thất nghiệp/tuần trong 13 tuần, ngoài khoản mà các bang đã trả.

Với nhân viên của The Crown Shop ở Arkansas, những người phải nghỉ việc đang nhận tới 1.051 USD/tuần trợ cấp thất nghiệp. Trong khi đó, nhân viên trung thành với cửa hiệu chỉ nhận từ 10 đến 17 USD/giờ, tức chỉ bằng 50 đến 70% trợ cấp thất nghiệp hiện tại.

The Crown Shop vay 129.000 USD từ Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ để giúp tồn tại trong tình hình khó khăn, nhưng họ không thể đáp ứng điều khoản vay để được xóa nợ. Một điều kiện là phải thuê lại nhân viên trong vòng 8 tuần.

Người dân xếp hàng chờ phỏng vấn xin việc tại thành phố Arlington, bang Virginia, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Hai chương trình hỗ trợ lớn hiện nay của Mỹ nhằm giúp người lao động và chủ doanh nghiệp đang xảy ra mâu thuẫn lớn. Nghị sĩ French Hill cho rằng hai chương trình có thể mâu thuẫn trên một số thị trường lao động.

Theo tờ New York Times, trừ 13 bang, người hưởng bảo hiểm thất nghiệp ở các bang còn lại nhận nhiều tiền hơn là lương trung bình trước đó.

Khi The Crown Shop mở cửa đón khách hàng, chủ cửa hàng dự đoán sẽ bán được ít hàng hơn và sẽ chỉ cần một phần tư số nhân viên so với con số 32 mà họ thường thuê. Do đó, họ sẽ không đáp ứng đủ yêu cầu của Bộ Tài chính về việc 75% khoản vay phải được chi cho tiền lương.

Hiệp hội Nhà hàng Quốc gia Mỹ cho biết đó cũng là vấn đề chung của ngành nhà hàng. Ngành dịch vụ đồ ăn là một trong số những ngành bị tác động mạnh nhất khi nền kinh tế đóng cửa. Ngành này ước tính mất tới 7 triệu việc làm và 225 tỷ USD trong ba tháng.

Ông Sean Kennedy, Phó chủ tịch vấn đề công chúng của Hiệp hội Nhà hàng Quốc gia, cho biết các nhân viên nhà hàng thường quyết định vì lợi ích tốt nhất của gia đình. Điều đó có nghĩa là họ sẽ chọn ở nhà hưởng bảo hiểm thất nghiệp để tránh mắc COVID-19.

Ông Kennedy cho biết các chủ nhà hàng sẽ phải quyết định xem có báo cáo Bộ Lao động về việc nhân viên cũ từ chối trở lại làm việc hay là nhắm mắt làm ngơ và tìm nhân viên chỗ khác.

Hiệp hội thương mại đã công khai vận động Quốc hội và Bộ Tài chính thay đổi quy định để tính tới thực tế.

Hiệp hội đang chờ Bộ Tài chính thay đổi tỷ lệ khoản vay mà chủ doanh nghiệp phải chi cho tiền lương từ 75% xuống 50%. Hiệp hội cũng tính tới vấn đề chỉ có 8 tuần để sử dụng khoản vay. Hiệp hội muốn có nhiều thời gian hơn để sử dụng khoản tiền, ít nhất là tới cuối năm để đáp ứng tiêu chuẩn về số lượng nhân viên trước đại dịch để được xóa nợ.

Ông Kennedy nói: “Ngày càng nhận thấy có vấn đề, nhưng chúng tôi chưa đồng thuận tới mức tìm ra được giải pháp”.

Ngày càng nhiều người Mỹ thất nghiệp do đại dịch COVID-19. Ảnh: AFP/TTXVN

Thượng nghị sĩ Marco Rubio cho biết ông đã đề nghị Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin làm rõ một số quy định về PPP để doanh nghiệp có nhiều lựa chọn linh hoạt hơn.

Một nhóm thượng nghị sĩ Cộng hòa cũng tìm cách để không gia hạn bảo hiểm thất nghiệp với lý do rằng hưởng trợ cấp lâu sẽ khiến người lao động có động lực để ở nhà. Tuy nhiên, nỗ lực này không thành công.

Các nghị sĩ Dân chủ ủng hộ việc mở rộng bảo hiểm thất nghiệp, nói rằng điểm quan trọng là để mọi người có động lực ở nhà, không đi làm nếu không cần thiết vì sẽ gặp rủi ro sức khỏe hoặc làm lây lan virus.

Các nghị sĩ đang bàn bạc xem dự luật tiếp theo nên bổ sung hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ thế nào để họ dần trở lại kinh doanh.

Trong khi đó, The Crown Shop đang cân nhắc thuê nhân viên bán thời gian để nhân viên vẫn nhận được khoản 600 USD của chính phủ liên bang.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/bao-hiem-that-nghiep-cao-hon-luong-doanh-nghiep-nho-my-kho-thue-lai-nhan-vien-20200508173949624.htm