Bạo hành, xâm hại trẻ em tăng do luật khó đi vào cuộc sống

Sáng 12-12, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý… cùng tham gia trao đổi và đề xuất những giải pháp thiết thực, hiệu quả để đưa Luật Trẻ em đi vào cuộc sống tại Hội thảo 'Giải pháp đưa Luật Trẻ em vào cuộc sống', do Hiệp hội Giáo dục Nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam phối hợp Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) tổ chức.

Bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục Nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam phát biểu tại Hôi thảo.

Bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục Nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam phát biểu tại Hôi thảo.

NDĐT - Sáng 12-12, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý… cùng tham gia trao đổi và đề xuất những giải pháp thiết thực, hiệu quả để đưa Luật Trẻ em đi vào cuộc sống tại Hội thảo “Giải pháp đưa Luật Trẻ em vào cuộc sống”, do Hiệp hội Giáo dục Nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam phối hợp Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) tổ chức.

Trong báo cáo đưa ra tại Hội thảo, trẻ em chiếm 24,4% dân số nước ta. Những năm qua, công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Tuy nhiên, tình trạng trẻ em đang bị bạo hành, xâm hại, bóc lột đang có chiều hướng gia tăng. Trong đó, có những vụ việc nghiêm trọng, có tính chất nguy hiểm, làm nóng dư luận xã hội.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục Nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam cho biết, Hiến pháp Việt Nam năm 2013 tại Điều 37 quy định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ rơi, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”. Đồng thời, Luật Trẻ em sửa đổi năm 2016 với nhiều điểm mới về các nội dung: Quyền và bổn phận của trẻ em, chính sách và biện pháp cơ bản về chăm sóc, giáo dục, văn hóa, thông tin, đặc biệt là bảo vệ và thúc đẩy sự tham gia của trẻ em; quy định chi tiết trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em. Ngoài ra, các luật khác như Bộ luật Lao động, Bộ luật Dân sự, Luật Giáo dục, Luật Tố tụng hình sự… được ban hành hay sửa đổi, bổ sung đều quan tâm đến quyền lợi của trẻ em.

Tuy nhiên, bà Hằng cho rằng, mặc dù Luật Trẻ em đã được quy định cụ thể nhưng áp dụng vào cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, không chỉ từ ngoài xã hội mà ngay cả trong gia đình và nhà trường, nhiều vụ bạo hành, xâm hại các em không ai khác chính là người thân trong gia đình.

Bà Hằng nói thêm: "Muốn đưa Luật Trẻ em đi vào cuộc sống thì phải trả lời được những vấn đề xã hội nói chung, trong đó có vấn đề trẻ em nảy sinh từ áp lực về kinh tế, việc làm; hay văn hóa, đạo đức xuống cấp; hay vì luật pháp chưa đủ chế định cần thiết hoặc quản lý còn buông lỏng…"

Còn theo Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Hà Đình Bốn, để Luật Trẻ em mới được triển khai có hiệu quả, đi vào cuộc sống, cần đồng bộ các biện pháp để từng bước đạt mục đích xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh và thân thiện cho trẻ em; ưu tiên tạo điều kiện để mọi trẻ em được phát triển hài hòa về thể chất, trí tuệ, tinh thần và phát huy tối đa tiềm năng của các em; nhanh chóng khắc phục những hạn chế, yếu kém trong việc đầu tư, phân bổ nguồn lực cho các chương trình, mục tiêu về trẻ em; sự thiếu trách nhiệm và thiếu đồng bộ trong phối hợp liên ngành, cấp, địa phương để giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực hiện quyền trẻ em; sự thiếu chủ động trong việc phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ cũng như thiếu kịp thời trong việc hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em bị xâm hại; tăng cường giám sát việc báo cáo, giải trình của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo đảm thực hiện quyền trẻ em...

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã đề xuất nhiều giải pháp để Luật Trẻ em thật sự đi vào đời sống, bảo vệ trẻ em, giảm tình trạng trẻ em bị xâm hại, bạo hành. Trong đó, một trong nhiều giải pháp nhận được sự đồng tình của các đại biểu đó là vấn đề nâng cao công tác tuyên truyền Luật, cũng như nâng cao nhận thức cho cộng đồng về phòng chống bạo lực trẻ em đến đại bộ phận người dân.

Bên cạnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trẻ em cần tăng cường phát huy vai trò, trách nhiệm của các thành viên Ủy ban quốc gia về trẻ em và Tổng đài điện thoại quốc gia về trẻ em, bảo đảm không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong việc duy trì tiến bộ hướng tới đạt mục tiêu phát triển bền vững.

P.T

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/34978702-bao-hanh-xam-hai-tre-em-tang-do-luat-kho-di-vao-cuoc-song.html