Bảo hành chiếc MacBook Pro bị 'ma ám', Apple mất oan 10.000 USD

Một 'lỗi' không ai ngờ đến khiến Apple phải bỏ ra đến gần 10.000 USD để sửa chữa.

Hầu hết hãng máy tính hiện nay, bao gồm cả Apple, đều có những quy trình kiểm tra và thay thế linh kiện khá rõ ràng để đảm bảo sửa lỗi máy tính triệt để nhất. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp lỗi rất khó, khiến cả những chuyên gia và bộ phận bảo hành của hãng cũng phải “bó tay”.

Trường hợp của Greg Benz, một nhiếp ảnh gia sở hữu MacBook Pro 2018 bản 15 inch là ví dụ. Chiếc MacBook của anh gặp lỗi khi khởi động lại mà màn hình tối om, dù bấm thế nào cũng không lên. Sau khi đem bảo hành tại Apple, máy tính của Benz đã 2 lần được thay bo mạch chủ nhưng vẫn gặp lỗi cũ.

Lỗi của chiếc MacBook Pro trong trường hợp này hóa ra rất đơn giản, nhưng một loạt yếu tố cả phần cứng lẫn phần mềm khiến không ai phát hiện ra. Ảnh: Business Insider.

Lỗi của chiếc MacBook Pro trong trường hợp này hóa ra rất đơn giản, nhưng một loạt yếu tố cả phần cứng lẫn phần mềm khiến không ai phát hiện ra. Ảnh: Business Insider.

Đến lần thứ 3 đi bảo hành, Benz được Apple đổi cho một chiếc MacBook hoàn toàn mới. Thế nhưng lỗi trên máy vẫn giữ nguyên: sau một thời gian sử dụng, anh lại gặp trường hợp bật máy lên mà màn hình tối. Benz nhận ra rằng máy vẫn chạy: có tiếng quạt tản nhiệt, cắm sạc có âm thanh nhận sạc, và bấm nút Caps Lock thấy có đèn, nhưng anh không làm được gì khác.

Hàng loạt nhân viên kỹ thuật Apple Genius tại cửa hàng, nhân viên hỗ trợ kỹ thuật từ trung tâm bảo hành đều không tìm ra được nguyên nhân lỗi. Benz cũng đặt lại bộ nhớ tạm PRAM, nhưng kết quả là lỗi vẫn quay lại.

Anh ước tính Apple đã mất khoảng 10.000 USD, bao gồm chi phí cho 2 bo mạch, các cáp kết nối và 1 chiếc máy mới nguyên có giá 7.000 USD nhưng không tìm được lỗi của máy mình.

Chỉ tới lần bảo hành thứ 4, một nhân viên kỹ thuật tại Apple Store mới tìm ra lỗi: màn hình của chiếc MacBook bị kéo xuống mức sáng thấp nhất, và không tự động sáng trở lại sau khi khởi động.

Do thường xuyên kết nối màn hình ngoài, Benz thường kéo độ sáng màn hình trên chiếc MacBook Pro xuống hết cỡ, tức là tắt luôn đèn nền. Khi di chuyển, Benz thường tắt luôn máy đi, và khi mở máy lên thì màn hình vẫn bị tắt do đã kéo độ sáng xuống từ trước.

Apple đã 2 lần đổi bo mạch cho chiếc MacBook Pro của Greg Benz. Ảnh: Business Insider.

Đây không phải lỗi ở phần cứng, nhưng lại rất khó phát hiện ra bởi nhiều nguyên nhân. Đầu tiên, trên MacBook Pro 2018 việc chỉnh độ sáng được thực hiện trên thanh cảm ứng TouchBar, nhưng thanh TouchBar lại chỉ hiện lên sau khi đã đăng nhập. Trên những mẫu MacBook cũ hơn, người dùng muốn thay đổi độ sáng lúc nào cũng được với phím vật lý.

Tiếp theo, trạng thái độ sáng thấp được duy trì ở màn hình đăng nhập và cả khi khởi động vào chế độ cài đặt lại hay sửa lỗi. Đây là lý do những kỹ thuật viên của Apple cũng không thể bật màn hình khi cố gắng vào các chế độ sửa lỗi.

Màn hình ngoài gắn vào MacBook cũng chỉ hiển thị sau khi đã đăng nhập, còn bàn phím gắn ngoài, kể cả bàn phím Apple, cũng không điều chỉnh được độ sáng. Tất cả cách kiểm tra và sửa lỗi thông thường đều không có tác dụng trong trường hợp này.

Phải tới lần bảo hành thứ 4, một kỹ thuật viên mới nghĩ ra cách soi đèn pin vào màn hình để kiểm tra, và nhận ra những chi tiết giống màn hình đăng nhập thông thường. Dù độ sáng đã giảm xuống tối đa, các hình ảnh vẫn hiển thị trên màn hình nhưng rất mờ.

Lúc này Benz mới biết là máy thực chất đang ở màn hình đăng nhập. Anh chỉ cần ấn Enter, nhập mật khẩu của mình và Enter lần nữa để đăng nhập vào trong và kéo độ sáng lên.

Việc TouchBar không sáng ngay sau khi khởi động máy khiến người dùng không điều chỉnh được độ sáng cho tới khi đăng nhập xong. Ảnh: Business Insider.

Ngoài ra, sau khi thử lại, Benz nhận thấy một trong những phần mềm cài trên máy chính là nguyên nhân khiến màn hình không sáng lên sau khi khởi động lại. Chiếc máy tính của bạn anh, cũng là MacBook Pro 2018 nhưng cấu hình khác một chút, sáng lên bình thường.

Đây là trường hợp hiếm hoi mà tất cả những yếu tố liên kết với nhau, cả phần cứng và phần mềm, khiến kỹ thuật viên của Apple cũng không thể tìm ra lỗi. Apple có lẽ chưa bao giờ nghĩ tới tình huống lỗi như vậy. Benz cho biết anh đã phản hồi chi tiết lỗi này cho Apple để họ xử lý.

Tuy nhiên, có một cách khác để Apple xử lý dễ dàng hơn: bỏ thanh TouchBar trên MacBook Pro và mang trở lại những phím bấm vật lý.

Đây là mẫu robot núp gầm xe, hỗ trợ cảnh sát kiểm tra tài xế vi phạm Nhằm giảm thiểu được rủi ro cho CSGT trong quá trình tác nghiệp, một kỹ sư ở Mỹ đã chế tạo ra robot cảnh sát có thể xử phạt người vi phạm giao thông.

Nhật Minh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/bao-hanh-chiec-macbook-pro-bi-ma-am-apple-mat-oan-10000-usd-post956270.html