Báo Hàn Quốc: 'Trung Quốc lo sợ sự bám đuổi của bóng đá Việt Nam'

Theo tờ báo Newspim của Hàn Quốc, bóng đá Trung Quốc đang tỏ ra lo ngại trước sự phát triển vượt bậc của bóng đá Việt Nam trong thời gian qua.

Trên BXH FIFA mới nhất, đội tuyển Việt Nam có 1258 điểm, qua đó giữ vững vị thế số 1 Đông Nam Á, đứng thứ 14 châu Á và hạng 94 thế giới. Thầy trò HLV Park Hang Seo có thể cải thiện thứ hạng nếu giành kết quả tốt trước Kyrgyzstan (giao hữu ngày 26/3) và Malaysia (Vòng loại World Cup 2022 ngày 31/3).

Với thứ hạng 94 thế giới, đội tuyển Việt Nam tiếp tục bỏ xa Thái Lan tại Đông Nam Á với khoảng cách 19 bậc. Hiện tại, đoàn quân của HLV Akira Nishino đang đứng ở vị trí 113 thế giới.

Đội tuyển Trung Quốc vẫn là đội bóng ở nhóm đầu với vị trí thuộc top 9 (hạng 76 thế giới). Tuy nhiên, những thành tích thất vọng ở vòng loại World Cup 2022 của ĐTQG và sự sa sút của các tuyển khác khiến CĐV Trung Quốc mất dần niềm tin vào bóng đá nước nhà.

Tờ báo Newspim của Hàn Quốc cho rằng, bóng đá Trung Quốc đang tỏ ra lo ngại trước sự phát triển vượt bậc của bóng đá Việt Nam trong thời gian qua. "Trung Quốc là một quốc gia lớn với dân số cả tỷ người. Nền thể thao của họ rất mạnh, với nhiều môn dẫn đầu châu Á như bóng bàn, bóng rổ… Tuy nhiên trong bóng đá, mọi thứ dường như không thuận lợi với người Trung Quốc".

"Họ có nguồn lực rất lớn, thế nhưng bóng đá Trung Quốc vẫn chưa thể thức dậy. Nhìn sang hàng xóm thì có lẽ họ sẽ phải cảm thấy lo sợ sự bám đuổi của bóng đá Việt Nam. Thực ra ngay ở trận đấu giữa U22 Trung Quốc và U22 Việt Nam hồi năm ngoái, mọi việc đã được thể hiện phần nào khi HLV Park Hang-seo không gặp nhiều khó khăn để đánh bại đội bóng của HLV Guus Hiddink", tờ Newspim nhận định.

Bóng đá Việt Nam có sự phát triển vượt bậc trong hai năm qua

Bóng đá Việt Nam có sự phát triển vượt bậc trong hai năm qua

Tờ báo Hàn Quốc tiếp tục phân tích thêm: "Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng đó, nhưng có thể thấy sự hài hòa đang là điều mà bóng đá Trung Quốc không có được. Bóng đá là môn thể thao tập thể, nhiều vị trí kết hợp với nhau để tạo ra một đội bóng mạnh. Và việc định hướng chơi ở vị trí nào cho mỗi cầu thủ từ bước đào tạo là rất quan trọng.

Tiền vệ là cầu thủ kết nối giữa phòng ngự và tấn công, phải xoay sở ở khắp mặt sân trong suốt 90 phút. Anh ta cần có sức bền như một VĐV marathon. Các tiền đạo thì cần khả năng tì đè tốt để không bị đối phương lấn lướt; còn hộ công thì chơi rộng và cần linh hoạt trong việc di chuyển, có tốc độ tốt xâm nhập vòng cấm.

Nói chung, mỗi vị trí trên sân cần một điểm mạnh riêng. Ngoài định hướng từ nhỏ, việc đào tạo, chăm sóc y tế để cầu thủ có được khả năng cần thiết cho vị trí thi đấu của mình cũng là điều quan trọng không kém.

Nhìn vào các đội bóng của Hàn Quốc, ngay cả bóng đá học đường cũng đang làm tốt việc này, khi HLV nhìn ra vị trí phù hợp với cầu thủ, chứ không phải cứ to cao thì đá tiền đạo, chạy nhanh thì dạt biên. Trình độ các HLV của chúng ta đã tăng lên rất nhiều.

Trong khi đó, ĐT Trung Quốc thường có những cầu thủ chơi ở vị trí không phù hợp với đặc điểm thể chất của họ. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc sử dụng kỹ năng và có thể tăng nguy cơ chấn thương".

N.P (T/H) - Theo Đời sống Plus/GĐVN

Nguồn Đời Sống Plus: http://doisongplus.vn/bao-han-quoc-trung-quoc-lo-so-su-bam-duoi-cua-bong-da-viet-nam-84834-11.html