Báo Hải quan: Góp phần xây dựng hình ảnh hải quan

Bắt đầu từ năm 2012, Báo Hải quan được lãnh đạo Tổng cục giao chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ tổ chức các lớp bồi dưỡng báo chí-truyền thông cho các cán bộ, công chức đang công tác tại các đơn vị trong toàn ngành. Qua các lớp tập huấn này, công tác thông tin- truyền thông của các đơn vị trong Ngành đã có nhiều chuyển biến tích cực; hình ảnh ngành Hải quan được công chúng ngày càng hiểu rõ hơn.

Phó Tổng cục trưởng TCHQ Nguyễn Dương Thái chụp ảnh lưu niệm với các học viên Lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí truyền thông ngành Hải quan lần thứ V (Đà Nẵng, tháng 8/2016). Ảnh: Thu Trang.

Hiệu quả sau từng lớp học

Năm 2012, khi lớp bồi dưỡng báo chí-truyền thông lần thứ nhất được tổ chức tại Quy Nhơn- Bình Định diễn ra được một ngày, vị phó cục trưởng một đơn vị Hải quan đã thốt lên với Ban tổ chức "Hay, bổ ích quá. Nếu biết các kỹ năng giao tiếp, cung cấp thông tin cho báo chí này sớm hơn, đơn vị tôi đã không vướng phải rắc rối". Hỏi ra mới biết đơn vị anh vừa phải xử lý "khủng hoảng" vì phát ngôn của một cán bộ cấp Chi cục về một vụ việc buôn lậu. Do không có kỹ năng nên từ trang phục đến lời lẽ trả lời phỏng vấn trên truyền hình không được chuẩn mực dẫn đến sự phản ứng của chính đương sự và một số cơ quan phối hợp bắt giữ vụ việc. Từ sự bổ ích, thiết thực về nội dung nên các lớp bồi dưỡng tiếp theo, các đơn vị hải quan đều luân phiên cử các công chức đi tập huấn, thậm chí nhiều đơn vị còn “xin” thêm tiêu chuẩn.

Nhìn nhận dưới góc độ báo chí, nếu như trước đây để lấy được thông tin “nóng” từ công tác chống buôn lậu ở các đơn vị hải quan địa phương, phóng viên Báo Hải quan phải trực tiếp gọi điện để trao đổi lấy số liệu để thực hiện tin, bài, thì nay sau khi được tập huấn về kỹ năng viết, tin, bài, các cán bộ hải quan tại cửa khẩu đã có thể chủ động viết tin, bài, ảnh gửi về Báo Hải quan và các phương tiện thông tin đại chúng để thông tin về vụ việc. Đến nay nhiều cán bộ công chức tại các đơn vị trong ngành đang là các cộng tác viên thân thiết của Báo Hải quan, với những tin, bài nghiệp vụ sắc sảo được bạn đọc đánh giá cao. Trong đó những cộng tác viên tích cực phải kể đến như Ngô Minh Hải (Cục Hải quan Đồng Nai), Minh Nguyệt (Cục Hải quan Quảng Ninh), Anh Nam (Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh) Khánh Chi (Cục Hải quan Hà Tĩnh), Lý Văn Đông (Cục Hải quan Quảng Ngãi)... và còn nhiều những cán bộ, công chức tại các chi cục hải quan thường xuyên gửi và cung cấp thông tin cho báo chí, trong đó có báo ngành.

Không chỉ được đào tạo về kỹ năng viết tin, bài, các lớp bồi dưỡng báo chí-truyền thông của ngành Hải quan còn hướng dẫn các học viên nhận biết các tình huống khủng hoảng truyền thông, các bước xử lý khủng hoảng và quản trị khủng hoảng truyền thông. Nhiều cán bộ, công chức Hải quan sau khi được tập huấn đã nắm vững kỹ năng nhận biết và xử lý khủng hoảng truyền thông ở các giai đoạn: trước khủng hoảng, trong khủng hoảng, sau khủng hoảng cũng như việc xây dựng hình ảnh đơn vị, của ngành trong bối cảnh ngành Hải quan đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa tạo thuận lợi cho thương mại.

Cũng từ việc được “khai thông” kiến thức, kỹ năng báo chí, nhiều đơn vị đã sử dụng thế mạnh từ website của đơn vị để thông tin tuyên truyền kịp thời về chủ trương, kết quả công tác của đơn vị và của Ngành, hỗ trợ đối tượng nộp thuế, giải đáp vướng mắc của DN... Trong đó, có đơn vị đã biết tận dụng cơ hội trong xử lý khủng hoảng truyền thông để tuyên truyền, phổ biến các hoạt động, nỗ lực của đơn vị, qua đó xây dựng hình ảnh đơn vị. Ví dụ cụ thể nhất là việc Hải quan Hải Phòng đã xử lý nhanh chóng vụ khủng hoảng truyền thông khi đại diện một DN phát biểu trong buổi gặp mặt với Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam (tháng 8/2015) về việc Hải quan Hải Phòng gây khó dễ. Ngay khi thông tin được báo chí đăng tải, Hải quan Hải Phòng đã xuống làm việc trực tiếp với DN và phản hồi thông tin lại. Và qua những thông tin phản hồi này, dư luận hiểu ra rằng, những vướng mắc mà DN vốn dĩ cứ đổ cho Hải quan là hoàn toàn không chính xác mà lí do là các cơ chế, chính sách còn bất cập.

Coi công tác thông tin- truyền thông là nhiệm vụ thường xuyên

Qua 5 năm tổ chức các lớp bồi dưỡng báo chí-truyền thông, hầu hết lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan đều đánh giá cao nội dung và đề nghị Báo Hải quan (qua phiếu khảo sát) tiếp tục duy trì hàng năm và mở rộng hơn nữa các kỹ năng để nâng cao hiệu quả truyền thông và xây dựng hình ảnh đơn vị. Nhiều đơn vị sau khi dự các lớp bồi dưỡng đã "đặt hàng" Báo Hải quan cử biên tập viên, phóng viên xuống đơn vị để trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn các kỹ năng cần thiết. Chẳng hạn như Cục Hải quan Hà Tĩnh, Cục Hải quan Quảng Ninh mới đây đã triệu tập nhiều cán bộ, công chức tại các đơn vị để tập huấn về các kỹ năng giao tiếp, ứng xử với báo chí, cách thể hiện tin, bài trên website.

Tại lớp tập huấn này, Cục trưởng Cục Hải quan Hà Tĩnh Lương Trường Thọ chia sẻ: "Đảng ủy, Lãnh đạo Cục Hải quan Hà Tĩnh luôn chú trọng phát triển công tác tuyên truyền, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm từ đó xây dựng hình ảnh và uy tín của ngành Hải quan nói chung và Cục Hải quan Hà Tĩnh nói riêng. Để phát triển và xây dựng hình ảnh đẹp của cơ quan Hải quan trong mắt cộng đồng DN, cơ quan ban ngành không thể không chú trọng xây dựng cách ứng xử và cung cấp thông tin một cách chính xác, nhanh nhạy cho báo chí. Đó là còn là nếp văn minh công sở trong lối ứng xử mà tất cả các cán bộ công chức cần phải học tập, rèn luyện, đồng thời tạo ra sự tương tác với cộng đồng DN, nhân dân, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của quá trình cải cách, hiện đại hóa. Bên cạnh đó, báo chí, thông tin báo chí cũng chính là công cụ hữu hiệu để góp phần trấn áp tội phạm một cách hiệu quả".

Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, thời gian gần đây các đơn vị Hải quan đã chủ động hơn trong việc cung cấp thông tin cho báo chí, nhất là những vấn đề nóng được dư luận quan tâm đang xảy ra tại đơn vị mình. Gần đây, trong các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với báo chí của Tổng cục Hải quan, nhiều phóng viên theo dõi Ngành đã đánh giá sự phối hợp cung cấp thông tin cho báo chí của các đơn vị hải quan là nhanh chóng, chuyên nghiệp và thân thiện. Và để có được sự chuyên nghiệp đó, không thể phủ nhận hiệu quả của các lớp bồi dưỡng báo chí-truyền thông thường niên của Tổng cục Hải quan tổ chức

Trân trọng, đề cao vai trò của báo chí, lấy báo chí làm cầu nối chuyển tải, tuyên truyền pháp luật đến bạn đọc, đến cộng đồng DN, người khai hải quan, đó chính là chìa khóa lan tỏa hình ảnh Hải quan rộng khắp hơn.

Qua 5 năm tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ về báo chí - truyền thông, đã có 629 lượt cán bộ, công chức tham gia các lớp bồi dưỡng, trong đó có 114 học viên là lãnh đạo cấp vụ, cục và tương đương; 515 học viên là lãnh đạo cấp phòng, chi cục và công chức tham gia. Thông qua khóa tập huấn, các cán bộ, công chức Hải quan đã nắm bắt kiến thức, kỹ năng cơ bản về nghiệp vụ báo chí truyền thông như: Viết tin, bài; phối hợp, ứng xử, giao tiếp với báo chí; trả lời phỏng vấn báo chí; cung cấp thông tin cho báo chí; xử lý khủng hoảng truyền thông… và có thể ứng dụng ngay các kiến thức đã học vào thực tế. Trên cơ sở vận dụng các kiến thức bồi dưỡng, công tác báo chí truyền thông trong ngành Hải quan đã có bước chuyển biến tích cực. Các đơn vị thuộc và trực thuộc đều nhận thức rõ, quan tâm và coi trọng đến công tác tuyên truyền của đơn vị nói riêng và ngành Hải quan nói chung, đồng thời thực hiện nghiêm túc quy chế cung cấp thông tin cho báo chí của Tổng cục Hải quan ban hành.

Tuấn Anh- Hồng Nụ

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/gop-phan-xay-dung-hinh-anh-hai-quan.aspx