Bao giờ xóm đường tàu lên phố? (Kỳ 1)

Nhiều người biết đến Hà Nội với nét đẹp cổ kính, hiền hòa, những con phố nhỏ rợp bóng cây xanh... Thời hiện đại, trong cơn lốc mang tên 'đô thị hóa', phố xá ngày càng chật chội, xô bồ, đất Hà thành có một điểm nhấn đáng chú ý: Xóm đường tàu, nơi 'thời gian như ngừng lại' đang trở thành điểm thu hút du khách hiếu kỳ, thích điều lạ, nhưng đi kèm theo đó cũng có nhiều điều quan ngại.

Hơn 30 năm trở lại xóm đường tàu, tôi có chút ngỡ ngàng vì trong cơn bão đô thị hóa tại thủ đô thì… xóm đường tàu vẫn vậy. Những ngôi nhà một tầng cũ kỹ với những bức tường loang lổ màu vôi vàng đậm, lở lói lộ ra cả lớp vữa cũ. Một vài nhà khấm khá hơn chút ít, được xây hai tầng, trát đá rửa bên ngoài (một phong trào trong xây dựng cách đây vài chục năm) cũng đã phai màu theo thời gian...

Khách du lịch tò mò với đời sống người dân xóm đường tàu

Khách du lịch tò mò với đời sống người dân xóm đường tàu

Nhưng gần đây, một sự thay đổi đáng ngạc nhiên đang làm mới cả bộ mặt của khu xóm nghèo này. Cũng chẳng biết ai là người đầu tiên mở quán cà phê tại đây. Cái ý tưởng “điên rồ” khi mở quán bán một thứ được coi là xa xỉ đối với người dân xóm đường tàu lại bất ngờ hút khách du lịch. Chỉ cần lên mạng tìm kiếm là thấy ngay hàng trăm bài báo, tin ảnh về xóm đường tàu. Khen thì ngất trời như “phố đường tàu đẹp như làng cổ của Đài Loan”, “điểm đến thú vị đặc biệt của Hà Nội”… Mà chê thì cũng lắm, nào là nơi “đặc biệt nguy hiểm” đối với du khách, nào là vi phạm hành lang an toàn đường sắt…

Tò mò, tôi cũng xách balô đến xóm đường tàu, đoạn đường Trần Phú giáp với phố Phùng Hưng. Mới sáng sớm nhưng xóm đường tàu đã tấp nập khách du lịch, nói tiếng Anh, Pháp, đến tiếng Nhật, Hàn... đủ cả. Họ đi thành từng nhóm, nhưng cũng có khi chỉ một vài người lẻ loi lướt qua bên đường ray. Đâu đó vài người đứng lại chụp ảnh cho bạn để check in đứng cạnh hai đường ray với những nụ cười rất tươi. Phần đông khách du lịch hiếu kỳ, tò mò quan sát những sinh hoạt thường nhật của xóm đường tàu. Nhiều người dừng lại chụp ảnh một người phụ nữ đẫy đà đang vặt lông một con vịt hay cảnh cụ già một tay dắt cháu, một tay cầm túi rác đi dọc đường tàu vứt tại bãi tập kết rác thải của khu phố…

Thấy một quán cà phê mới mở hàng, tôi liền sà vào làm quen. May mắn thế nào lại gặp chị Ngọc, vốn là con dâu của một nhà người quen ở phố Nguyễn Khuyến (phố Sinh Từ cũ). Thế là “được nhời như cởi tấm lòng”, hai chị em chuyện trò cởi mở với bao nhiêu chuyện xưa và nay về cái “xóm đường tàu” này.

Chị Trần Minh Ngọc - chủ quán - không phải là người gốc ở đây mà là một cô gái từ phố Khâm Thiên về làm dâu tại đây. Chị Ngọc bảo: “Đây là căn nhà của gia đình chồng chị, vốn bỏ không hơn chục năm nay, nghe nói mở quán cà phê trên xóm đường tàu đang kiếm được nên chị nằng nặc đòi chồng cấp vốn mở hàng, chứ hồi trước cái xóm đường tàu này chả làm ăn được gì, toàn tệ nạn xã hội”.

Nói vậy thì hơi oan cho xóm đường tàu, cách đây khoảng ba thập niên, xóm đường tàu vẫn yên bình lắm. Bọn trẻ con trong xóm vẫn hay tụ tập, chạy chơi lang thang khắp ga Hàng Cỏ và các xóm đường tàu khác. Thời đó, trẻ con không có nhiều đồ chơi như bây giờ, nên sân ga và đường tàu là “thiên đường” mỗi dịp hè về. Chúng tìm bắt cào cào, châu chấu về lấy chỉ buộc vào chân, vào cổ, cho chúng kéo theo chiếc lá rồi tưởng tượng ra là những con voi chiến chở hàng hóa ra chiến địa, hay đi ngắt những ngọn cỏ gà, cỏ phi tiêu để đấu đá, ném vào nhau rồi bật cười khanh khách.

Trước cửa quán cà phê số 5 xóm đường tàu khu vực đường Trần Phú

Đặc biệt, chúng mê nhất là tìm nhặt những chiếc ốc to rơi ra từ những toa tàu cũ để đem về, nhặt gạch, đá, rồi dùng những con ốc đó làm khuôn hì hụi mài thành những hòn bi cái. Đặc biệt, đứa nào mà “xuân xít” nhặt được một cái vòng gang của bánh tàu thì thật sự coi đó là “bảo bối” và thành siêu sao của trò đua vòng… Bởi đơn giản là những chiếc vòng đó vừa to vừa nặng, nó mà “húc” trúng vòng sắt, nhôm thì đích thị mấy loại kia chỉ có méo, vênh, sẽ nẩy tưng tưng, khó mà dong chạy được.

Còn có thời, một trong những “đặc sản” của xóm đường tàu là khói than tổ ong, bởi nhà nhà dùng than tổ ong. Vì thế, cứ mỗi chiều về, lũ trẻ lại rủ nhau đi dọc đường tàu từ ga Hàng Cỏ đến tận ga Long Biên. Đứa nào cũng thích ngửi mùi đóm, giấy báo mà người dân xóm đường tàu dùng để nhóm lò. Đi giữa hai hàng bếp than mù mịt khói, nhiều đứa vẫn hít hà khen thơm.

Nhưng đến thập niên 90 của thế kỷ trước, xóm đường tàu không còn yên bình nữa. Nơi đây bỗng chốc trở thành nơi tụ tập của hàng trăm con nghiện ma túy. Mỗi chập tối nếu ai lỡ có đi qua đây, kể cả người lớn cũng sởn gai ốc khi chứng kiến cảnh hàng đống kim tiêm vứt la liệt, tua tủa như cỏ dại, bóng người vật vờ như những cái xác không hồn vì đói thuốc. Tôi còn nhớ thời gian này, nhiều nhà ở phố Sinh Từ (nay là phố Nguyễn Khuyến) lên đường tàu tìm xác con, bởi chết vì sốc do chơi ma túy quá liều.

Thấy tôi vui chuyện, chị Ngọc tâm sự thêm: “Nghe đâu báo chí lên tiếng phản đối người dân chúng tôi kinh doanh cà phê trên đường tàu. Họ lấy lý do là mất an toàn cho du khách. Vậy tôi hỏi chú, những người dân chúng tôi sống tại các khu xóm nghèo này cả trăm năm nay, sao không ai lo nguy hiểm sẽ đến với chúng tôi? Cứ cách ngày là hết lực lượng này đến cán bộ kia liên tục kiểm tra, hết nhắc nhở rồi phạt tiền… Chưa hết, còn một số bài báo kêu gọi “cấm” cả các doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến khu vực xóm đường tàu nữa”.

Vậy giải quyết vấn đề này như thế nào cho thỏa đáng hay lại tiếp tục điệp khúc cũ lực lượng chức năng đuổi thì dân chạy, rồi đâu lại hoàn đấy?

Một vấn đề nữa rất đáng quan tâm: Các xóm đường tàu vốn không có tên trên bản đồ hành chính bởi hầu hết các ngôi nhà trong phố quay lưng ra phía đường tàu hỏa và diện tích đất sát đường tàu cũng là diện tích lấn chiếm hành lang an toàn của đường sắt. Bao nhiêu năm nay, tình trạng đó... vẫn y nguyên.

Mới sáng sớm nhưng xóm đường tàu đã tấp nập khách du lịch, nói tiếng Anh, Pháp, Nhật, Hàn... đủ cả. Họ đi thành từng nhóm, nhưng cũng có khi chỉ một vài người lẻ loi lướt qua bên đường ray. Đâu đó vài người đứng lại chụp ảnh cho bạn để check in đứng cạnh hai đường ray với những nụ cười rất tươi...

(Xem tiếp kỳ sau)

Thành Công

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/bao-gio-xom-duong-tau-len-pho-ky-1-543078.html