Bao giờ xóa bỏ lò gạch thủ công?

Theo chủ trương của tỉnh Khánh Hòa, hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng, lò vòng cải tiến phải chấm dứt trước và trong năm 2020. Nhưng đến thời điểm hiện tại, việc triển khai chủ trương này ở thủ phủ gạch Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa gặp rất nhiều khó khăn.

Những cánh đồng đầy “hố bom”

Một buổi sáng cuối tuần, chúng tôi vào vai những “cần thủ” câu ếch chuyên nghiệp mới có thể đánh lạc hướng các đối tượng cảnh giới cho hoạt động khai thác đất trái phép làm nguyên liệu sản xuất gạch ở thôn Tân Mỹ, xã Ninh Xuân. Từ Quốc lộ 26 rẽ vào con đường đất đầy rẫy ổ voi, bụi phủ đến mắt cá chân dẫn đến cánh đồng Xóm Cũ, chúng tôi bắt gặp 2 chiếc máy xúc đang hoạt động hết công suất để đổ đất vào những chiếc xe tải. Tại đây, chúng tôi ghi nhận một diện tích đất rộng lớn đã bị khai thác với độ sâu có chỗ 3 - 4m, tạo nên những bờ taluy dựng đứng tiếp giáp với các thửa đất người dân đang trồng mía. Một chủ đất gần khu vực hiện trường cho biết: “Tuy khai thác trái phép nhưng họ vẫn ngang nhiên mang máy móc đến múc, chở đất suốt ngày. Cứ đà này, đất của tôi cũng sẽ sạt lở xuống bờ taluy đó. Họ cũng nhiều lần hỏi mua đất để khai thác nhưng tôi quyết không bán vì họ bắt chẹt với giá rất thấp”.

 Cánh đồng bị đào đất vô tội vạ ở thôn Tân Mỹ, chỉ còn lại những hố sâu.

Cánh đồng bị đào đất vô tội vạ ở thôn Tân Mỹ, chỉ còn lại những hố sâu.

Phía bờ bắc sông Cái đối diện, chúng tôi bắt gặp thêm một điểm khai thác đất, đồng thời cũng là bãi tập kết đất khai thác với quy mô lớn hơn. Tại đây, các đối tượng còn dựng cả lán trại làm nơi nấu ăn, ngủ nghỉ. Một trong những khu vực đất bị khai thác nhiều nhất về tập kết tại bãi này là xứ đồng Hương Cam dọc bờ sông Cái với hiện trường là vô số hố sâu kéo dài hàng trăm mét về phía đông mà người dân ví như những hố bom.

Trong thời gian tìm hiểu về hoạt động khai thác đất trái phép làm nguyên liệu sản xuất gạch trên địa bàn xã Ninh Xuân, chúng tôi đã khảo sát trên diện rộng và nhận thấy rất nhiều xứ đồng khác cũng đã và đang diễn ra hoạt động này. Đặc biệt là các xứ đồng: Cây Gòng, Cầu Khẩu (thôn Tân Mỹ), Phước Lâm, Bà An (thôn Phước Lâm)…

Theo phản ánh của người dân, trên địa bàn xã Ninh Xuân hiện có không dưới 4 “ông trùm” chuyên mua đất của người dân để khai thác, bán lại cho các lò gạch trên địa bàn với giá 1,2 triệu đồng/xe 5m3. Trong khi họ mua đất của người dân để khai thác với giá trên dưới 10 triệu đồng/sào. Sau khi được khai thác từ các cánh đồng, đất nguyên liệu được chở về các bãi tập kết dọc Quốc lộ 26, trong đó tập trung nhiều nhất ở 2 thôn Phước Lâm và Tân Mỹ, đặc biệt có bãi tập kết rộng đến cả héc-ta với khối lượng đất khổng lồ, hoạt động vận chuyển, mua bán rầm rộ.

Trong khi đó, ông Võ Hương - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Xuân lại cho rằng, phần lớn đất nguyên liệu tập kết trên địa bàn được khai thác từ các địa phương khác chở đến. “Trên địa bàn xã cũng có tình trạng khai thác đất trái phép làm nguyên liệu sản xuất gạch, nhưng chỉ ở một số điểm nhỏ lẻ, chủ yếu là đất bỏ hoang, chỉ số ít là đất sản xuất lúa và diễn ra vào ban đêm nên việc phát hiện, xử lý gặp khó khăn”, ông Hương nói.

Ngột ngạt khu dân cư

Ghé vào một hộ dân ở thôn Phước Lâm, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy căn nhà này luôn bịt kín các cửa. Theo tâm sự của chủ nhà, những lò gạch thủ công ở địa phương đang dần hủy hoại sức khỏe của những thành viên trong gia đình và các hộ dân nơi đây bởi khói, bụi và mùi khét. “Trước đây, tôi cũng làm lò gạch thủ công. Được sự vận động của chính quyền địa phương, tôi đã chủ động phá bỏ lò gạch và chuyển sang làm nghề khác. Nhưng khi tôi phá bỏ lò gạch thì những người khác vẫn tìm cách tồn tại bằng việc đốt gạch theo kiểu lò cải tiến”, người này chia sẻ.

Một lò gạch đang nhả khói ngay gần Trường THCS Lý Thường Kiệt.

Phóng viên Báo Khánh Hòa đã liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường để nắm các thông tin liên quan đến thực trạng hoạt động của các cơ sở sản xuất gạch, tình trạng khai thác đất trái phép trên địa bàn xã Ninh Xuân cũng như kết quả thực hiện chủ trương của tỉnh về chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công. Nhưng sau hơn nửa tháng liên hệ, đơn vị này vẫn chưa có phản hồi.

Không chỉ đời sống người dân bị ảnh hưởng, hiện nay trên địa bàn xã Ninh Xuân còn có không ít lò gạch “bủa vây” cả trường học. Theo ghi nhận của chúng tôi, cách Trường THCS Lý Thường Kiệt (thôn Tân Mỹ) chỉ vài chục mét, 2 lò gạch thi nhau nhả khói đen mù mịt giữa trưa hè khiến không khí càng thêm ngột ngạt. Phía bên ngoài những cơ sở này, nhiên liệu là những khúc gỗ tròn được chất cao chót vót. “Có lẽ ở khu vực này nhiệt độ ngoài trời cao hơn những khu vực khác đến vài độ C. Lo sợ con cái bị ảnh hưởng bởi khói bụi từ các lò gạch, gia đình tôi đã tính chuyện chuyển đi nơi khác sinh sống nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện được vì nhiều lý do”, một phụ nữ ở thôn Tân Mỹ chia sẻ. Ngoài Trường THCS Lý Thường Kiệt, theo người dân địa phương, những lò gạch hàng ngày đang nhả khói mù mịt ở thôn Phước Lâm cũng đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến Trường Tiểu học Ninh Xuân 1.

Theo tìm hiểu, trước đây trên địa bàn xã Ninh Xuân có hơn 300 lò gạch thủ công dạng đứng. Thực hiện Chỉ thị 22, ngày 23-12-2013 của UBND tỉnh về lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến và lò đứng liên tục… đến nay địa phương đã thực hiện xóa bỏ 100% các lò loại này. Tuy nhiên, sau khi phá bỏ lò đứng, nhiều cơ sở đã chuyển sang lò dạng nằm (lò vòng, lò vòng cải tiến), với công suất hoạt động lớn gấp hàng chục lần. Và loại lò “cải tiến” này vẫn sử dụng nhiên liệu đốt chủ yếu là gỗ, bột cưa, mùn trấu, phế phụ phẩm công nghiệp… nên vẫn không thể cải thiện môi trường do ô nhiễm khói bụi. Ông Võ Hương cho biết, hiện toàn xã có 46 cơ sở tư nhân sản xuất gạch đất sét nung bằng loại lò này, bình quân mỗi cơ sở có 10 hộc lò. Lượng gạch do các cơ sở này sản xuất tương đương với hơn 300 lò đứng trước đây. Tuy nhiên, toàn bộ lò gạch dạng này đều không đúng quy chuẩn được phép hoạt động theo tinh thần Chỉ thị 22 và các quy định khác liên quan của tỉnh.

Bao giờ được xóa bỏ?

Theo ông Nguyễn Thanh Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa, thời gian qua, thị xã đã chỉ đạo quyết liệt các xã, phường trong việc triển khai Chỉ thị 22 và Quyết định 2109, ngày 21-7-2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án phát triển vật liệu xây không nung trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020. UBND thị xã đã có nhiều văn bản gửi UBND các xã, phường nhằm tuyên truyền, phổ biến nội dung Chỉ thị 22 và Quyết định 2109 cho các cơ sở kinh doanh, yêu cầu các xã, phường chấp hành nghiêm theo lộ trình, cụ thể là không cho chuyển đổi hoặc xây dựng mới lò vòng và lò vòng cải tiến. Tuy nhiên, tình trạng tự chuyển đổi hoặc xây mới lò vòng và lò vòng cải tiến vẫn diễn ra hết sức phức tạp.

Hoạt động khai thác, vận chuyển đất trái phép diễn ra giữa ban ngày. (Ảnh chụp tại thôn Tân Mỹ)

Theo tìm hiểu của chúng tôi, do kinh phí xây dựng lò vòng và lò vòng cải tiến khá cao (khoảng 700 - 800 triệu đồng/cơ sở/tương ứng với khoảng10 lò), trong khi mức chi hỗ trợ tháo dỡ lò vòng và lò vòng cải tiến (20 triệu đồng/vỏ lò) là khá thấp nên hầu hết chủ các cơ sở đều mong muốn được kéo dài thời gian hoạt động để lấy lại vốn đầu tư. Từ thực tế trên, UBND thị xã Ninh Hòa đề nghị các sở, ban, ngành nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh đề xuất mức hỗ trợ phù hợp hơn; đồng thời không cho phép khai thác tận thu mỏ đất sét nhằm ngăn chặn việc sản xuất lén lút của các cơ sở sản xuất gạch nung bằng lò thủ công; có biện pháp thúc đẩy, phổ biến hơn nữa về dây chuyền sản xuất gạch không nung, phục vụ cho nhu cầu đời sống và sản xuất của người dân.

Nhóm phóng viên

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202005/bao-gio-xoa-bo-lo-gach-thu-cong-8166549/