Bao giờ Việt Nam hết bệnh lao?

Năm 2017 là năm ghi dấu nhiều thành công của Chương trình chống lao quốc gia. Việt Nam là nước đi đầu thế giới trong công tác phòng, chống lao (PCL) nhờ những chiến lược phù hợp. Đây là tiền đề để năm 2018, ngành Y tế xây dựng, trình Chính phủ 'Đề án can thiệp tích cực giảm tác hại của bệnh lao, tiến đến thanh toán bệnh lao ở Việt Nam'.

Khó khăn từ sự kỳ thị

Theo PGS, TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao quốc gia: Thời gian qua, công tác PCL nhận được rất nhiều sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Y tế và các địa phương từ việc ban hành chính sách, tăng khả năng tiếp cận của người dân trong PCL, áp dụng các kỹ thuật mới, điều trị theo phác đồ... Việt Nam cũng rất thành công trong việc vận động được nhiều nguồn nhân lực và tài chính để chống lao. Bệnh viện Phổi Trung ương đặt mục tiêu huy động cộng đồng xây dựng quỹ PCL với tên gọi Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao. Với bệnh nhân chưa có bảo hiểm y tế (BHYT), quỹ sẽ hỗ trợ mua bảo hiểm. Với bệnh nhân có BHYT mà chưa thể chi trả cho một số loại thuốc, quỹ sẽ đồng chi trả.

Năm 2017, Việt Nam đã vận động được Quỹ toàn cầu hỗ trợ 3 triệu USD, đây là một nguồn lực lớn giúp Việt Nam có thể áp dụng được kỹ thuật theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiến tới xóa bỏ bệnh lao theo Chiến lược quốc gia PCL. Một thành công nữa phải kể đến là Việt Nam có đội ngũ chuyên gia rất giỏi và tâm huyết, đây là nền tảng của Chương trình chống lao Việt Nam. Hiện mạng lưới PCL đã có hơn 19.000 cán bộ, nhân viên trong phạm vi toàn quốc, đang mở rộng sang các bệnh viện đa khoa, kể cả hệ thống nhi khoa, chuyên khoa khác và y tế tư nhân cùng tham gia.

Tuy đạt được những thành tựu nhất định, nhưng theo thống kê của WHO, năm 2016, tại Việt Nam, số người chết do lao là 17.000 người. Một trong những nguyên nhân khiến bệnh lao vẫn chưa được thanh toán là do xã hội còn kỳ thị về bệnh lao, người bệnh và người nhà người bệnh đều muốn giấu bệnh. Điều này khiến công tác PCL gặp nhiều khó khăn. 20% bệnh nhân mắc lao trong cộng đồng chưa được phát hiện là nguồn lây nhiễm nguy hiểm cho cộng đồng. Trong khi đó, đa số bệnh nhân lao đều là người nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, ít được tiếp cận các phương tiện truyền thông nên chưa có ý thức phòng chống, hạn chế lây lan bệnh ra cộng đồng.

Chăm sóc bệnh nhân lao đa kháng thuốc tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh: THU HƯƠNG.

Xây dựng Đề án Đoàn kết toàn dân thanh toán bệnh lao

Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch hành động quốc gia chấm dứt bệnh lao đến năm 2030. Để đạt được mục tiêu đó, Chương trình chống lao quốc gia sẽ truyền thông mạnh mẽ, bảo đảm nguồn lực và tiếp cận thực hành lồng ghép dịch vụ PCL với dịch vụ phòng, chống các bệnh không lây nhiễm, củng cố hệ thống y tế cơ sở, nhằm phổ cập dịch vụ PCL cho mọi người dân. Đồng thời, BHYT sẽ là nguồn tài chính bền vững nhất để hỗ trợ người mắc lao. Hiện, BHYT đã chi trả cho việc chẩn đoán, điều trị lao và đến năm 2019 sẽ bao phủ thuốc điều trị cho bệnh nhân lao.

Ngoài ra, năm 2018, chương trình sẽ xây dựng trình Chính phủ Đề án "Can thiệp tích cực giảm tác hại của bệnh lao, tiến đến thanh toán bệnh lao ở Việt Nam”; phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng Đề án "Đoàn kết toàn dân thanh toán bệnh lao”; thành lập Ban chỉ đạo triển khai Chiến lược PCL tại các tỉnh. Chương trình Chống lao quốc gia tiếp tục chú trọng chất lượng quản lý điều trị, giảm tỷ lệ bỏ điều trị bệnh lao; duy trì và mở rộng phối hợp lao/HIV, lao và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, lao kháng đa thuốc, lao trẻ em, lao trong các trại giam; phối hợp y tế công-tư; tăng cường hệ thống xét nghiệm... Chiến lược quốc gia PCL đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đã vạch ra mục tiêu đến hết năm 2020, giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 131/100.000 người dân; giảm số người chết do bệnh lao xuống dưới 10/100.000 người dân; khống chế số người mắc bệnh lao đa kháng thuốc với tỷ lệ dưới 5% trong tổng số người bệnh lao mới phát hiện. Tầm nhìn đến năm 2030, tiếp tục giảm số người chết do bệnh lao và giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 20/100.000 người dân. Hướng tới mục tiêu để người dân Việt Nam được sống trong môi trường không còn bệnh lao.

HÀ VŨ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/bao-gio-viet-nam-het-benh-lao-534392