Bao giờ văn lại là... văn?

Thời bao cấp có câu 'Dạy toán, học văn, ăn thể dục'. Vào cái buổi mà dạy/học thể dục thể thao được tiêu chuẩn ăn (gạo, thịt...) nhiều nhất, thì những người khác, tiêu chuẩn kém hơn, chỉ nghĩ làm sao cho đỡ tốn calo.

Học văn bấy giờ rất nhàn: tác phẩm văn học phản ánh cuộc sống, mà cuộc sống thì qua thực tế hàng ngày, đài, báo, ai cũng biết cả; bởi vậy, học văn là học cái đã biết, thậm chí biết rồi, khổ lắm, nói mãi...

Nhưng bấy giờ, vì nhiều thứ phải quan tâm, người ta chưa chán văn, đúng hơn chưa có thời gian để chán. Chỉ từ sau 1975, người ta mới thấy cách dạy/học văn theo nguyên lý ấy là khô khan, thậm chí “giết văn”. Nhiều người kêu gọi trở lại với môn văn theo đúng nghĩa văn chương của nó. Người ta lục tìm được câu nói chí lý của nhà phê bình văn học Hoài Thanh khả kính: “văn trước hết phải là văn”. Nghĩa là dạy/học văn phải có cảm xúc, mà muốn có cảm xúc, phải tìm được đặc trưng nghệ thuật của tác phẩm. Nhưng để tìm được tính văn học không thể chỉ bằng những nhận định cảm tưởng chung chung, mà phải có lý thuyết và phương pháp khoa học.

Đây là lúc thi pháp học, phân tâm học, tự sự học được giới thiệu vào Việt Nam và được ứng dụng ít nhiều vào nghiên cứu giảng dạy ở bậc đại học.

Học sinh, sinh viên có đang thờ ơ với văn chương? Ảnh minh họa: TL

Điều này đã làm cho việc dạy/học văn khởi sắc. Tuy nhiên do tính chất ứng dụng lý thuyết, nên lý thuyết vẫn được coi là tính thứ nhất, bởi vậy chưa khám phá được nhiều cái đẹp của văn chương Việt Nam và các phương pháp này cũng dễ bị rơi vào công thức, dù là công thức mới. Hơn nữa, các phương pháp trên đều là các phương pháp nội quan chỉ chú trọng đến văn bản, nên đã dần dần xa rời đời sống văn hóa, xã hội. Nghiên cứu văn chương trở thành các tri thức biệt lập, nói bằng một thứ ngôn ngữ đầy các từ chuyên môn, quan tâm đến những vấn đề còn xa lạ với số đông. Tình trạng này lại dẫn đến sự thờ ơ với văn chương ở học sinh, sinh viên...

Lúc này rất ít sinh viên thi vào khoa văn ở các trường đại học. Nhiều trường, nhất là các trường đại học tỉnh/địa phương không mở nổi khoa văn, phải đưa văn vào một tổ hợp gọi là khoa “khoa học xã hội”. Để tăng tính thực tiễn, nhiều khoa văn học không tự thân biến đổi được, nên phải kết hợp với báo chí thành khoa văn - báo, thậm chí văn - báo - du (lịch). Ở những khoa hỗn hợp này thì bộ phận báo chí hay du lịch thường được sinh viên chọn vào hơn. Tuy nhiên, cũng có trường sớm ý thức được việc dạy văn phải thiết thực nên đã mở ra khoa “văn học thực hành”. Điều đáng buồn nhất gần đây là khoa văn Đại học Sư phạm Vinh, một khoa lâu đời, nổi tiếng có nhiều thầy hay, trò giỏi cũng đã phải tự giải thể...

Hiện trạng trên hẳn có nhiều nguyên nhân. Trên kia tôi chỉ chỉ ra một nguyên nhân mang tính chất nội tại của việc học/dạy văn. Còn nguyên nhân lớn nhất là do nhu cầu xã hội. Xã hội hiện nay phân hóa ra nhiều ngành nghề, lối dạy văn theo kiểu “kinh viện” như vậy không thể đáp ứng được. Nhà trường Việt Nam đào tạo theo kế hoạch, theo sự “giao” hoặc “phân bổ” chỉ tiêu, nhiều khi vẫn theo cơ chế xin - cho. Không có nghiên cứu thị trường lao động, nên cung lớn hơn cầu, sinh viên ra trường không có việc làm, lãng phí cho cả xã hội và cá nhân.

Còn những nguyên nhân khác như đã đến lúc chuyển đổi cách dạy/học văn, xem xét lại vai trò của sách giáo khoa, kết hợp nghiên cứu và giảng dạy, viện và trường, có chế độ thỉnh giảng bắt buộc, thậm chí xem lại triết lý giáo dục...

Đỗ Lai Thúy

____________

Tác giả bài viết là Tiến sĩ lịch sử văn hóa - nghệ thuật, phó giáo sư văn học. Đã từng giảng dạy nhiều chuyên đề cao học và nghiên cứu sinh ở khoa văn các trường Đại học Sư phạm và Khoa học Huế, Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Sư phạm Đà Nẵng...

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/bao-gio-van-lai-la-van-15615.html