Bao giờ triệt xóa được bãi vàng trái phép Thành Mỹ 1?

Trung bình mỗi năm có hàng chục đợt truy quét vào bãi vàng Thành Mỹ 1 (xã Đắc Pring, H. Nam Giang, Quảng Nam) do các đơn vị liên ngành thực hiện. Tuy nhiên sau khi lực lượng chức năng rút lui, các đối tượng lại tiếp tục hoạt động như cũ. Hậu quả, kinh phí Nhà nước bỏ ra rất lớn cho các đợt truy quét, chốt chặn nhưng không hiệu quả, trong khi đó nguồn tài nguyên quý giá tiếp tục bị thất thoát.

Trung bình mỗi năm có hàng chục đợt truy quét vào bãi vàng Thành Mỹ 1 (xã Đắc Pring, H. Nam Giang, Quảng Nam) do các đơn vị liên ngành thực hiện. Tuy nhiên sau khi lực lượng chức năng rút lui, các đối tượng lại tiếp tục hoạt động như cũ. Hậu quả, kinh phí Nhà nước bỏ ra rất lớn cho các đợt truy quét, chốt chặn nhưng không hiệu quả, trong khi đó nguồn tài nguyên quý giá tiếp tục bị thất thoát.

Một góc bãi vàng Thành Mỹ 1.

Một góc bãi vàng Thành Mỹ 1.

Trong 3 ngày từ 25 đến 27-12, thực hiện kế hoạch của lãnh đạo H. Nam Giang, Phòng TN&MT huyện chủ công phối hợp với các đơn vị liên quan như CAH, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh, Đồn Biên phòng Đắc Pring cùng chính quyền địa phương xã Đắc Pring tiến hành truy quét, đẩy đuổi các đối tượng khai thác vàng trái phép tại bãi vàng Thành Mỹ 1. Tuy nhiên, cũng như những đợt truy quét trước đây, khi lực lượng chức năng có mặt, khu vực bãi vàng trên đã trở thành "vườn không nhà trống". "Hiện trường để lại có khoảng 20 lán trại, ước tính có khoảng 200 phu vàng đang ở đây. Thế nhưng khi lực lượng chức năng vào thì các đối tượng chui hết vào hầm sâu. Trong đó, chúng đã dự trữ lương thực, thực phẩm cho đợt trú ẩn dài ngày. Các máy móc thiết bị phục vụ cho việc đào đãi vàng được các đối tượng cất giấu trong rừng, số còn lại chúng đào hố để chôn lấp hoặc đưa vào các hầm để giấu. Theo đó, các thành viên liên ngành đi tìm phát hiện ra dụng cụ, máy móc nào thì phá hủy số đó. Nhiều máy móc phải đốt luôn trong các hầm, bị ngạt khói, nhiều vàng tặc chui rúc qua các ngóc ngách rồi chạy trốn vào rừng...", anh T., cán bộ CAH Nam Giang có mặt trong đoàn truy quét thông tin.

Còn ông Zơrâm Lượn- Phó phòng TN&MT H. Nam Giang kiêm trưởng đoàn liên ngành truy quét nhận định: "Cứ vào đập phá máy móc, lán trại sau đó rút lui thì các đối tượng mua sắm máy móc, trở lại hoạt động như cũ. Kinh phí cho mỗi đợt truy quét cũng rất lớn, nhưng mình thấy đó chỉ là giải pháp tình thế, không hiệu quả. Các đợt truy quét đều bị lộ, các đối tượng biết được nên sơ tán hết. Do vậy, thiết nghĩ lãnh đạo cấp trên cần có giải pháp lâu dài để xử lý dứt điểm tại bãi vàng trái phép này".

Được biết, bãi vàng Thành Mỹ 1 nằm sâu trong Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh (thuộc BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh). Để vào đến khu vực trên, lực lượng chức năng phải di chuyển nhiều giờ liền sau khi vượt qua lòng hồ thủy điện Sông Bung 2. Trước đó giữa năm 2016, dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc CA tỉnh Quảng Nam, Phòng Cảnh sát môi trường và Phòng Cảnh sát Cơ động CA tỉnh được giao nhiệm vụ truy quét bãi vàng Thành Mỹ 1. Theo đó, 30 CBCS tiếp cận lán trại vây ráp, khống chế hơn 200 phu vàng và chủ bãi. Cuộc đột kích bất ngờ giữa đêm khiến hàng trăm phu vàng không kịp trở tay. Với đợt đột kích trên, 13 chủ bãi vàng bị xử lý về hành vi "thăm dò, khai thác khoáng sản trái phép". Tuy nhiên như đã nói ở trên, sau khi bị xử lý, chế tài không đủ răn đe nên nhiều đối tượng tiếp tục đưa quân vào hoạt động.

Trước đây, các ngành chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp ngăn chặn tình trạng khai thác vàng tại đây, như tăng cường làm việc với cấp xã để quản lý đối tượng, nhân khẩu, đồng thời kiểm soát chặt chẽ nguồn nhiên liệu như xăng, dầu... nhằm cắt đứt nguồn hàng vận chuyển cho các đối tượng làm vàng trái phép... Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, các biện pháp trên không phát huy được hiệu quả.

Lực lượng liên ngành phá hủy phương tiện, máy móc của "vàng tặc".

Như vậy có thể thấy, dù đã tốn nhiều tiền của, công sức cho "điểm nóng" bãi vàng Thành Mỹ 1, nhưng ngân sách bỏ ra cho công việc đẩy đuổi "vàng tặc" ra khỏi rừng là không hề nhỏ. Nhà nước mất tiền, đối tượng khai thác vàng trái phép cũng bị tổn hao lớn về tài sản máy móc. Nhưng giới "vàng tặc" không từ bỏ mục đích khai thác vàng, phá lần này chúng sắm lại thiết bị, máy móc khác. Điều đáng nói, tại sao mỗi lần truy quét các đối tượng đều biết trước? Câu hỏi đặt ra là có hay không một bộ phận chính quyền địa phương và đơn vị chức năng bao che, tiếp tay cho "vàng tặc" có đất hoạt động?

Lý giải cho vấn đề trên, ông Alăng Mai- Chủ tịch UBND H. Nam Giang cho rằng nguyên nhân một phần chính sự phối hợp giữa các ngành chức năng chưa được hiệu quả. "Quanh khu vực bãi vàng đó có chủ rừng là BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, ngoài ra còn có các đồn Biên phòng, chính quyền địa phương các xã nhưng lại để xảy ra tình trạng trên. Nguyên do chính vẫn là thiếu trách nhiệm trong việc quản lý lâm phận của các đơn vị. Trong thời gian tới phải tăng cường sự phối hợp giữa các ngành chức năng. Bên cạnh đó, phải điều tra, xử lý nghiêm và đưa những cán bộ nhà nước có hành vi làm ngơ, bao che, tiếp tay cho hoạt động khai thác vàng trái phép ra khỏi bộ máy của Đảng, Nhà nước theo tinh thần Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 18-5-2016 của UBND tỉnh về triển khai các biện pháp, nhiệm vụ tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh; giao trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu địa phương, chủ rừng và các đơn vị quản lý lâm phận", ông Mai nêu giải pháp.

Thiết nghĩ, hơn lúc nào hết UBND tỉnh và các ngành chức năng của tỉnh Quảng Nam cần vào cuộc mạnh mẽ, có những giải pháp căn cơ, hiệu quả, lâu dài hơn để xử lý dứt điểm "điểm nóng" đã tồn tại hàng chục năm qua như trên.

BÃO BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_200358_bao-gio-triet-xoa-duoc-bai-vang-trai-phep-thanh-my-1-.aspx