Bao giờ thoát kiếp gia công?

Lần đầu tiên, Tổng cục Thống kê đưa ra số liệu điều tra về tình hình gia công hàng hóa cho nước ngoài. Theo đó, hơn 1.700 doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang làm gia công cho DN nước ngoài, và chỉ hưởng được một phần nhỏ từ phí gia công.

Cụ thể, tổng phí gia công DN thu được từ hoạt động nhận gia công, lắp ráp hàng hóa cho nước ngoài chỉ thu về hơn 8 tỷ USD/năm. Đây là con số quá khiêm tốn so với giá trị sau gia công khối ngoại thụ hưởng hàng năm khi chi phối kim ngạch xuất khẩu.

Điều đáng nói, hoạt động gia công với chủ yếu nguyên liệu đầu vào do đối tác nước ngoài cung cấp và sở hữu, bình quân tỷ lệ nguyên liệu nhập khẩu về để gia công, lắp ráp chiếm ở mức khá cao 62,3%. Trong đó tỷ lệ cao nhất ở nhóm hàng điện thoại với 78,9%, nhóm hàng điện tử máy tính 76,4%, nhóm dệt may 67,1%, nhóm giầy dép 47% và nhóm hàng hóa khác 74,7%. Đây lại là những ngành hàng nằm trong “Câu lạc bộ xuất khẩu tỷ đô”.

Chính vì thế, những năm trở lại đây dù kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng, nền kinh tế Việt Nam được đánh giá có mức tăng trưởng khá, song giá trị thực nhận được rất ít do xuất khẩu mạnh nhưng nhập khẩu đầu vào chiếm tới 90%.

Thí dụ, với nhóm hàng điện thoại và điện tử máy tính, gần như DN Việt chỉ thu được phí gia công, lắp ráp do nước ngoài trả, không cung cấp nguyên liệu phụ trợ sản xuất trong nước cho hoạt động gia công đối với 2 nhóm hàng này. Một điều tra mới đây cho thấy, DN sản xuất hàng may mặc nội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở công đoạn sản xuất chủ yếu vẫn theo phương thức gia công (CMT) chiếm khoảng 65%, tự chủ nguyên liệu (FOB) chiếm 30%, và tự thiết kế sản xuất (ODM) chiếm 5%.

Với kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc trong 8 tháng năm 2018 đạt gần 20 tỷ USD, giả sử tỷ lệ lợi nhuận sau thuế/doanh thu thuần ở mức trung bình 2% CMT, 4% FOB và 6% ODM, rõ ràng phần lợi nhuận sau thuế của DN dệt may nhận được quá ít. Tương tự, 1 chiếc tàu biển đóng cho khách hàng nước ngoài có giá trị 360 triệu USD, chi phí nhập khẩu linh kiện thiết bị chiếm tới 330 triệu USD. Có nghĩa nếu trừ hết chi phí đóng con tàu này, lợi nhuận thu được chỉ khoảng 7-10 triệu USD, tức 2-3%.

Theo lý thuyết, tăng trưởng nhờ vào gia công xét trên phạm vi quốc tế, đó là sự phân công lao động theo chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, cũng có thể là hiệu ứng tốt cho các nước có trình độ công nghệ thấp. Bởi nếu được tham gia chuỗi giá trị toàn cầu khi trình độ công nghệ quá thấp, việc đảm nhận khâu gia công là hợp lý.

Tuy nhiên, là quốc gia có khá nhiều nguyên liệu thô, nhưng Việt Nam phải nhập các hàng hóa trung gian, gia công lắp ráp để xuất khẩu. Theo đó, hầu hết sản phẩm sau khi gia công, lắp ráp được xuất khẩu trở lại nước đặt gia công tiếp để xuất khẩu cho nước khác theo chỉ định của nước đặt gia công. Trị giá hàng hóa sau gia công, lắp ráp rất thấp chỉ 3,9%, trong đó thấp nhất là điện thoại và dệt may, chỉ đạt 0,2% và 1%.

Thực trạng này cho thấy rõ bức tranh điển hình của Việt Nam trong chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu vẫn là những nhà máy tiêu tốn nhiều lao động, xuất khẩu 10 đồng thì nhập khẩu đến 9 đồng, giá trị gia tăng thấp lại bị khối ngoại chi phối

Kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê đã phần nào phản ánh sự nghịch lý này, khi kiếp gia công sẽ mãi là làm nhiều hưởng ít, còn phần lớn giá trị sau gia công mãi thuộc về khối ngoại. Việc thống kê một cách chính xác, cụ thể giúp chúng ta nhìn thấy rõ những hạn chế của mình.

Từ đó điều chỉnh các chính sách một cách phù hợp, xây dựng được những thương hiệu sản xuất có tầm cỡ quốc tế, đủ tiềm lực đảm nhận từ khâu thiết kế đến nguyên phụ liệu và bán thành phẩm, mới nâng cao giá trị sản xuất, tăng sức cạnh tranh, tạo thế đứng vững chắc trên thị trường.

Còn ngược lại, nếu không thay đổi phương thức kinh doanh, dù hội nhập, chúng ta mãi kiếp làm thuê, lợi thế hội nhập sẽ không còn ý nghĩa. Và giấc mơ trở thành công xưởng thế giới của Việt Nam sẽ vẫn còn xa vời.

ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/thoi-luan/bao-gio-thoat-kiep-gia-cong-61925.html