Bao giờ thịt lợn, ôtô giảm giá?

Bộ Công Thương nhận được nhiều câu hỏi về giảm giá thịt lợn, giảm thuế phí với ôtô và áp dụng biểu giá bán lẻ điện trong cuộc họp báo thường kỳ chiều 15/5.

Vấn đề giảm giá thịt lợn, nhập khẩu xăng dầu, áp dụng biểu tính giá thịt lợn mới, xuất khẩu vải thiều… làm nóng buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương.

Hy vọng cuối năm giá thịt lợn có thể giảm

Về vấn đề giảm giá thịt lợn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết chỉ có 2 cách duy nhất là tái đàn và nhập khẩu.

Việc tái đàn đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Có nơi, con giống để tái đàn lên tới mức 2-3 triệu đồng/con. Đàn lợn cụ kỵ, ông bà thì bị ảnh hưởng lớn, chết bởi dịch. Do đó, người dân vẫn còn e dè trong việc tái đàn.

Trong khi đó, việc nhập khẩu sẽ phải căn cứ vào nhu cầu thiếu hụt hàng tháng. Hiện Bộ Công Thương đã tích cực kết nối với các thị trường thế giới để nhập khẩu thịt. Thủ tục để doanh nghiệp nhập khẩu khá đơn giản khi chỉ cần xin giấy phép ở chi cục thú y vùng.

 Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải. Ảnh: VGP.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải. Ảnh: VGP.

“Đến cuối năm nay, tôi hy vọng tình hình giá cả thịt lợn sẽ quay lại lúc trước lúc có dịch”, ông Hải nói.

Vấn đề tìm đầu ra cho vụ vải sắp tới cũng được báo chí quan tâm đặt câu hỏi tới Bộ Công Thương. Đại diện Cục Xúc tiến thương mại cho biết trong bối cảnh dịch Covid-19 đã thực hiện nhiều hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp và địa phương tìm đầu ra. Tuy nhiên, hoạt động hiện tại chủ yếu được tổ chức trực tuyến.

Dự kiến tháng 6 tới, Bộ sẽ có hội nghị về tiêu thụ vải thiều ở Bắc Giang, kết nối với 62 tỉnh thành trong nước và 2 tỉnh của Trung Quốc là Vân Nam và Quảng Tây. Như vậy, thị trường tiêu thụ vải năm nay vẫn phải phục thuộc vào nội địa và Trung Quốc là chủ yếu.

Bao giờ sửa biểu giá bán lẻ điện?

Trong buổi họp báo, nhiều câu hỏi đặt ra vấn đề giảm giá điện sẽ ảnh hưởng tình hình tài chính của EVN. Khoản tiền giảm giá 11.000 tỷ đồng sẽ được hạch toán vào đâu? Liệu đây có thể tạo ra áp lực tăng giá điện vào năm sau hay không?

Tuy nhiên, đại diện Cục Điều tiết Điện lực chưa đưa ra câu trả lời cụ thể.

Vẫn chưa xác định được thời gian sửa biểu giá bán lẻ điện. Ảnh: Huy Hải.

Về vấn đề sửa biểu giá bán lẻ điện, đại diện Cục này cho biết từ tháng 6/2018, Bộ Công Thương đã trình báo cáo Thủ tướng đề xuất sửa đổi biểu giá bán lẻ điện. Đầu năm 2019, Bộ Công Thương đã nghiên cứu để sửa biểu giá tuy nhiên hiện tại đang tạm dừng để tập trung chống dịch.

Đại diện Cục Điều tiết Điện lực cho biết dự kiến cuối năm nay, Bộ Công Thương sẽ trình Thủ tướng bản hoàn chỉnh về việc sửa biểu giá bán lẻ điện.

“Sau khi Thủ tướng phê duyệt, Bộ Công Thương sẽ có thông tư ban hành cụ thể”, vị này cho biết.

Đợi Thủ tướng quyết việc giảm thuế phí cho ôtô trong nước

Tại họp báo, vấn đề Bộ Tài chính phản đối việc giảm lệ phí trước bạ và thuế tiêu thụ đặc biệt cho ôtô trong nước cũng được đặt ra để hỏi quan điểm của Bộ Công Thương. Nguyên nhân Bộ Tài chính đưa ra là có thể vi phạm một số cam kết của Việt Nam.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp, cho rằng ngành công nghiệp ôtô đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh. Ngành ôtô kiến nghị nay đến hết năm 2020, đề xuất Chính phủ giảm 50% phí trước bạ, lui thời gian áp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Bộ Công Thương đang đợi Thủ tướng quyết định việc giảm thuế, phí cho ôtô trong nước hay không. Ảnh: Việt Linh.

“Không riêng Việt Nam, các nước trên thế giới cũng có hỗ trợ nhất định, thậm chí là mạnh tay cho ngành ôtô. Thời gian áp dụng chỉ 6 tháng, việc vi phạm các cam kết khó xảy ra trong thời gian rất ngắn”, ông Thanh nói.

Chia sẻ thêm, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng trong dài hạn, ngành ôtô nội địa sẽ gặp phải làn sóng cạnh tranh rất gay gắt nếu không có giải pháp quyết liệt, kịp thời từ Chính phủ.

“Bộ đề xuất ưu đãi hỗ trợ lệ phí trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt. Đây là biện pháp giúp giảm giá, để người dân có thể tiếp cận rộng rãi vì giá ôtô giờ quá cao. Chúng tôi nhận được nhiều ý kiến ủng hộ, chia sẻ. Một số cơ quan còn chưa đồng thuận, nhưng cơ bản đã có sự chia sẻ. Thủ tướng sẽ xem xét quyết định vấn đề này”, ông Hải nói.

Về đề xuất dừng nhập khẩu xăng dầu, ông Hải cũng cho rằng như vậy sẽ khó có sự hài hòa, lợi ích của người tiêu dùng, các doanh nghiệp sử dụng xăng dầu và cả các doanh nghiệp đầu mối. Trong khi đó, nếu dừng nhập khẩu xăng dầu, nghĩa là Việt Nam không nhập một mặt hàng nào đó từ nước bạn. Khi đó, có thể vi phạm các cam kết của Việt Nam. Các nước có thể cấm Việt Nam xuất hàng hóa ngược lại.

“Cần hài hòa được nhiều nhóm lợi ích, đảm bảo an ninh năng lượng”, ông Hải nói trước khi kết thúc cuộc họp báo.

Hiếu Công

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bao-gio-thit-lon-oto-giam-gia-post1084972.html