Bao giờ sửa đổi Luật Đất đai?

Chính phủ đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, cơ quan tiếp tục soạn thảo Luật Đất đai sửa đổi để xem xét trình Quốc hội.

 Buổi họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV diễn ra vào sáng 23/3 tại Hà Nội. Ảnh: Minh Phúc.

Buổi họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV diễn ra vào sáng 23/3 tại Hà Nội. Ảnh: Minh Phúc.

Tại buổi họp báo về dự kiến chương trình làm việc kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV, phóng viên đặt vấn đề: Trên nghị trường Quốc hội, rất nhiều đại biểu cho rằng thực tế đang đòi hỏi rất bức xúc về sửa đổi Luật Đất đai nhưng chưa rõ bao giờ Chính phủ trình Quốc hội dự án luật này?

Ông Nguyễn Trường Giang - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết: Đối với Luật Đất đai, Thường vụ Quốc hội đã đưa vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh để trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật Đất đai sửa đổi.

Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, cơ quan tiếp tục soạn thảo Luật Đất đai sửa đổi để xem xét trình Quốc hội.

Tuy nhiên trong quá trình soạn thảo, có những vấn đề, vướng mắc. Một trong những yêu cầu của Luật Đất đai là phải thể chế hóa được Hiến pháp và các quan điểm định hướng chung của Đảng. Bởi vậy, Quốc hội đã xem xét và quyết định chờ các định hướng chung của Đảng, đặc biệt là Văn kiện Đại hội 13 của Đảng.

"Quốc hội cũng đã đồng ý đưa dự án luật này vào chương trình và tôi tin rằng trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Chính phủ sẽ tiếp tục soạn thảo và sớm trình Quốc hội và Đảng”, ông Nguyễn Trường Giang nói.

Đối với dự án Luật Biểu tình, phóng viên đặt câu hỏi tại sao chưa ban hành luật này? Ông Nguyễn Trường Giang trả lời rằng: “Luật Biểu tình là cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc cụ thể hóa Hiến pháp là cả một giai đoạn, chứ không phải chỉ một nhiệm kỳ. Hiến pháp thì thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới. Do đó, cụ thể hóa Hiến pháp thì phải đảm bảo tính khả thi trong từng giai đoạn, phù hợp với thực tiễn”.

Ngay khi Hiến pháp năm 2013 được thông qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có kế hoạch để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, trong đó có việc soạn thảo dự án Luật Biển tình để trình Quốc hội.

Tuy nhiên, trong quá trình soạn thảo, cần tuân thủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, do đó cần có đánh giá, dự báo các nguồn lực để đảm bảo thực tiễn...

Chính vì thế Chính phủ đã có báo cáo với Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội, nhưng thời điểm này cần phải tiếp tục nghiên cứu sâu hơn để đảm bảo tỉnh khả thi của luật.

"Tôi khẳng định, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp là cần thiết, nhưng vấ đề này sẽ được các cơ quan tiếp tục nghiên cứ trình Quốc hội khi đủ điều kiện”, ông Giang nhấn mạnh.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng: Luật Đất đai hiện hành đang "hết sức bức xúc trong cuộc sống", nhất là khi Chính phủ gặp gỡ các doanh nghiệp, địa phương. Rất nhiều ý kiến liên quan đến Luật này. Và Quốc hội cũng bố trí các phiên làm việc để nghe Chính phủ báo cáo tổng kết.

Chúng ta cần sửa Luật Đất đai một cách bài bản, Chính phủ cần tổng kết công tác triển khai Luật Đất đai ở tất cả lĩnh vực để sửa một lần, tránh sửa lĩnh vực này mà ảnh hưởng đến lĩnh vực khác.

“Tôi lấy ví dụ liên quan đến hạn điền, liên quan đến giải phóng mặt bằng... nhiều nội dung Chính phủ cần tổng kết một cách kỹ càng rồi mới trình Quốc hội. Một khi chưa chín, còn đang non thì Chính phủ phải nghiên cứu tiếp rồi mới trình ra”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Minh Phúc

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/bao-gio-sua-doi-luat-dat-dai-d286759.html