Bao giờ 'sóng' Eximbank tiếp tục nổi?

Thời gian của quý 3/2019 đã sắp hết, song các chỉ tiêu của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, EIB) vẫn chưa được cổ đông thông qua bởi những rối rắm trong cuộc chiến giành quyền lực vẫn chưa có hồi kết.

Thời gian của quý 3 năm 2019 đã sắp trôi qua, các nhà băng đang chạy đua nước rút để hoàn thành mục tiêu đề ra cho cả năm.

Song đến nay, các chỉ tiêu của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, EIB) vẫn chưa được cổ đông thông qua bởi những rối rắm trong cuộc chiến giành quyền lực vẫn chưa có hồi kết.

Vì sao ghế nóng thay đổi, Eximbank vẫn chưa có động thái gì thêm

Đã hai lần tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 nhưng đều thất bại do không đủ điều kiện tiến hành (lần 1) và quá nhiều tranh cãi không đi đến thống nhất được quy chế (lần 2).

Ban lãnh đạo Eximbank cho biết sẽ tiếp tục tổ chức trong thời điểm thích hợp.

Nhưng đã hơn hai tháng trôi qua kể từ lần đại hội gần nhất (21/6), Eximbank vẫn im hơi lặng tiếng khiến nhà đầu tư không biết “thời điểm thích hợp” là bao giờ?

Nhìn qua các động thái gần đây tại Eximbank cũng hé lộ nhiều vấn đề, nhất là khi Chủ tịch Cao Xuân Ninh xin từ nhiệm ghế nóng chỉ sau hơn 1 tháng nhận nhiệm vụ; tiếp theo là Kế toán trưởng Nguyễn Ngọc Hà và Phó Tổng giám đốc Võ Quang Hiển.

Điều đáng nói, ghế nóng Chủ tịch Eximbank dường như quá nhạy cảm khiến nhà băng này phải thay đổi tới 3 lần chỉ trong vòng 2 tháng.

Trong đơn từ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT Eximbank, ông Cao Xuân Ninh cho biết thời gian qua, HĐQT Eximbank và nói rộng ra là cổ đông, nhóm cổ đông có quá nhiều bất đồng khó dung hòa dẫn đến các tranh chấp nội bộ, gây khó khăn rất lớn trong quản trị, điều hành và ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh, hoạt động của ngân hàng.

Như vậy, Ban Tổng giám đốc của Eximbank hiện còn lại 7 thành viên gồm: Ông Nguyễn Cảnh Vinh (quyền Tổng giám đốc), 6 Phó tổng bao gồm ông Trần Tấn Lộc, ông Đào Hồng Châu, ông Nguyễn Hồ Hoàng Vũ, ông Nguyễn Hướng Minh, bà Đinh Thị Thu Thảo và bà Văn Thái Bảo Nhi.

Liệu đại hội chưa có ngày sắp tới của Eximbank sẽ còn những xáo trộn gì xung quanh các ghế nóng của nhà băng này?

 Ngân hàng Eximbank.

Ngân hàng Eximbank.

Trích lập dự phòng đối với các khoản cho vay một nhóm khách hàng được đảm bảo bằng cổ phiếu STB

Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên năm 2019 sau soát xét của Eximbank ghi nhận lợi nhuận được điều chỉnh tăng.

Cụ thể, kiểm toán đã thực hiện điều chỉnh khoản mục lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, từ 43,4 tỷ đồng trong báo cáo tự lập tăng lên 154,8 tỷ đồng sau soát xét.

Kiểm toán đã điều chỉnh giảm 111,4 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá đối với các giao dịch kỳ hạn đang được EIB phản ánh trên khoản mục chênh lệch tỷ giá thuộc vốn chủ sở hữu.

Cơ sở của việc điều chỉnh là để đảm bảo nguyên tắc số liệu có thể so sánh được giữa các kỳ khi trình bày báo cáo tài chính giữa niên độ.

Do đó, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của Eximbank đã được tăng thêm tương ứng 111,4 tỷ đồng, lên 762,5 tỷ đồng.

Dù vậy, so với cùng kỳ 2018, lợi nhuận sau thuế của Eximbank vẫn chỉ đạt 619,5 tỷ đồng, giảm 17%.

Đặc biệt, kiểm toán viên có lưu ý tới việc Eximbank phân loại nợ và trích lập dự phòng đối với các khoản cho vay một nhóm khách hàng với số tiền 746 tỷ đồng được đảm bảo bằng tài sản là cổ phiếu của một ngân hàng khác.

Được biết, số cổ phiếu được cầm cố làm tài sản đảm bảo là cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, STB).

Theo đó, trong dư nợ nhóm 3 - nợ dưới tiêu chuẩn của Eximbank tại ngày 30/6/2019 có 746 tỷ đồng dư nợ gốc của các khoản cho vay 7 khách hàng với tài sản đảm bảo là cổ phiếu của ngân hàng khác và dự phòng tương ứng là 21,263 tỷ đồng được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ.

Năm 2016, EIB đã khởi kiện 7 khách hàng này để thu hồi nợ.

Tới ngày lập báo cáo trên, 3 trong số 7 khách hàng với dư nợ gốc 312 tỷ đồng đã có các bản án sơ thẩm và phải hoàn trả lại cho Eximbank tiền gốc và lãi phát sinh là 437,94 tỷ đồng khi bản án có hiệu lực.

Trong trường hợp khách hàng không thể thanh toán khi đến hạn thì Eximbank được quyền yêu cầu cơ quan thi hành án phát mãi tài sản đảm bảo để thu hồi nợ.

Các khách hàng này đã kháng cáo về phần tính lãi tương ứng với các khoản vay của họ.

Đối với 4 khách hàng còn lại với dư nợ gốc là 434 tỷ đồng, Eximbank đang chờ Tòa án giải quyết.

Như vậy, tại ngày 30/6/2019, nếu Eximbank thực hiện việc trích lập dự phóng đối với các khoản cho vay trên theo Thông tư 02 và 09 thì chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cho kỳ 6 tháng sẽ tăng lên gần 130 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế sẽ giảm đi 104 tỷ đồng.

6 tháng lãi sắp đạt kế hoạch, cổ phiếu bắt đầu đổ đèo

Theo tài liệu đại hội cổ đông của Eximbank, HĐQT Eximbank dự kiến trình cổ đông kế hoạch 2019 huy động vốn đạt 143.500 tỷ đồng, tăng trưởng 21% so với năm 2018.

Dư nợ cấp tín dụng tăng 11%, đạt 115.570 tỷ đồng, song trong điều kiện thuận lợi, Eximbank sẽ xin NHNN để tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng.

Eximbank dự kiến lãi trước thuế trước trích lập dự phòng bổ sung trái phiếu VAMC là 2.000 tỷ đồng, tăng 49% so với năm trước.

Lãi trước thuế sau trích lập 1.077 tỷ đồng, tăng 30% và tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.

Như vậy, trong 6 tháng 2019, Eximbank đã thực hiện được gần 71% kế hoạch lợi nhuận trước thuế đề ra cho cả năm.

Kết quả trên cho thấy, dường như những bất ổn nhân sự cũng như giữa các nhóm cổ đông lớn không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của nhà băng này.

Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán, sau thời gian dài cổ phiếu EIB đi lên thì nay đang trên đà giảm xuống.

Ghi nhận trong vòng 1 quý vừa qua, cổ phiếu EIB đã giảm hơn 9%, hiện đang giao dịch sát mốc 16.000 đồng/cổ phiếu.

Biến động cổ phiếu EIB từ đầu năm 2018 đến nay

Khối lượng giao dịch khớp lệnh bình quân cổ phiếu EIB không cao nhưng có những phiên thỏa thuận sang tay khủng từ 8-20 triệu cổ phiếu trong tháng 6 và 7/2019.

Minh An

Nguồn Vietnamdaily: https://vietnamdaily.net.vn/tai-chinh/bao-gio-song-eximbank-tiep-tuc-noi-71470.html