Bao giờ phà Vàm Cống hoạt động trở lại?

Bến phà, chiếc phà, con người đều có sẵn nhưng chỉ vì chậm trễ trong thủ tục bàn giao, phà Vàm Cống vẫn chưa thể hoạt động. Hàng ngàn con người có nhu cầu sang sông phải vất vả qua lại đến 2 chuyến đò, trong khi những hộ kinh doanh cũng ế ẩm, cuộc sống bị ảnh hưởng...

Chấp nhận nguy hiểm sang sông

Gia đình ở phường Mỹ Thới (TP. Long Xuyên) nhưng làm công nhân ở cụm công nghiệp Lấp Vò (Đồng Tháp), gần như ngày nào vợ, chồng anh Lê Minh Sơn cũng phải sang bờ sông Hậu để làm việc. Trước đây, anh đăng ký vé tháng qua phà Vàm Cống, đi làm rất thuận lợi. Từ khi bến phà ngưng hoạt động, anh phải điều chỉnh lại sinh hoạt rất vất vả. “Nếu đi cầu Vàm Cống, tụi em phải đi xuống ngã 3 lộ tẻ Rạch Giá, vượt qua cầu rồi lại đi vòng trở qua nhà máy ở cụm công nghiệp Lấp Vò. Tính ra, phải đi xa thêm hơn chục cây số. Do vậy, tui em chọn đi bến đò Cái Dung qua xã Hòa An (Chợ Mới), sau đó tiếp tục sang chuyến đò nhỏ Hòa An để qua Lấp Vò. Dù phải đi 2 chuyến đò nhưng đỡ phải di chuyển quãng đường xa. Ngược lại, đi đò lòng vòng lâu hơn khoảng 30 phút so đi phà Vàm Cống trước đây nên phải dậy sớm hơn, tranh thủ ăn sáng vội vàng để đi làm. Đó là chưa kể đi 2 chuyến đò nên tốn tiền gấp đôi so với đi 1 chuyến phà” - anh Sơn than thở.

Đối với chị Lê Hồng Ngọc (phường Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên), đi đò mùa mưa luôn canh cánh nỗi lo. “Do đò nhỏ chòng chành nên gặp mưa gió em rất sợ. Đoạn dốc lên xuống đò rất trơn trượt, sơ ý là ngã xe liền. Em mong sao phà Vàm Cống sớm hoạt động trở lại để tụi em đỡ vất vả, qua lại bờ sông an toàn hơn” - chị Ngọc mong mỏi.

Từ khi bến phà Vàm Cống ngưng hoạt động (ngày 30-6-2019), những hộ kinh doanh ở bến phà cũng gặp khó khăn theo. Trước đây, dọc đường lên xuống phà mua bán rất nhộn nhịp thì hiện nay, hầu hết các quán ăn, quán cà phê, cửa hàng tạp hóa… đều đóng cửa im ỉm, không khí trở nên vắng lặng. Có vài hộ duy trì kinh doanh thì cũng chỉ buôn bán cầm chừng, không đủ bù chi phí. “Bán ế lắm chú ơi, chưa được 1/10 so với khi bến phà còn hoạt động. Bây giờ nghỉ bán thì không biết làm gì nên bán được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Hơn 20 năm sống ở bến phà Vàm Cống này, chưa bao giờ cuộc sống gia đình tôi khó khăn như bây giờ” - cô Nguyễn Thị Cúc, kinh doanh ở chợ Vàm Cống (còn gọi là chợ Cầu Bắc), buồn rầu.

Vẫn chưa biết thời điểm chuyển giao

Dự đoán được nhu cầu đi phà vẫn khá cao sau khi cầu Vàm Cống đưa vào hoạt động nên ngay trước khi khánh thành cầu, Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) An Giang đã chủ động liên hệ Bộ GTVT, tham mưu UBND tỉnh có văn bản đề nghị chuyển giao bến phà Vàm Cống từ quản lý của Cục Quản lý Đường bộ IV (thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT) sang cho Công ty TNHH MTV Phà An Giang quản lý, sử dụng. Tuy nhiên, cho đến thời điểm khánh thành cầu Vàm Cống (ngày 19-5-2019) rồi ngưng hoạt động bến phà Vàm Cống, thủ tục chuyển giao vẫn gần như “giậm chân tại chỗ”.

Đã gần 2 tháng kể từ khi bến phà Vàm Cống ngừng hoạt động, người ta vẫn thấy những chiếc phà cứ neo tại bến. Tại bến phụ (phía bờ An Giang), cổng đóng kín, phía trước trở thành điểm tập kết gỗ. Còn tại bến chính, cánh cổng khép hờ, văn phòng bỏ trống không. Giám đốc Sở GTVT An Giang Nguyễn Việt Trí cho biết, tỉnh đã đề xuất với Tổng cục Đường bộ Việt Nam xin nhận chuyển giao bến phà chính, bến phà phụ phía bờ An Giang và 2 chiếc phà 200 tấn. “Sở GTVT thống nhất với Công ty TNHH MTV Phà An Giang là điều 2 chiếc phà 200 tấn này lên bến phà An Hòa, công ty sẽ đưa 2 chiếc phà 60 tấn xuống bến phà Vàm Cống hoạt động. Bên phía tỉnh Đồng Tháp cũng sẽ đối ứng 2 chiếc phà 60 tấn. Như vậy, với 4 chiếc phà 60 tấn, sẽ đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân qua phà Vàm Cống” - ông Trí thông tin.

Theo Giám đốc Sở GTVT An Giang, đến nay, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tham mưu Bộ GTVT có báo cáo gửi Bộ Tài chính thẩm định về phương án chuyển giao, còn khi nào thẩm định xong, khi nào bàn giao cho Công ty TNHH MTV Phà An Giang thì vẫn phải… chờ. “Trước và sau khi bến phà Vàm Cống ngưng hoạt động, tỉnh đều có văn bản kiến nghị chuyển giao về cho địa phương quản lý, khai thác. Thẩm quyền còn lại là các bộ, ngành Trung ương” - ông Nguyễn Việt Trí chia sẻ.

Theo khảo sát của Công ty TNHH MTV Phà An Giang tại thời điểm bến phà Vàm Cống còn hoạt động sau khi cầu Vàm Cống đã thông xe thì nhu cầu qua phà khoảng 6.000 lượt xe máy và 100 lượt ôtô mỗi ngày. Ngoài ra, qua làm việc sơ bộ với các doanh nghiệp thì 600 công nhân có nhu cầu qua lại hàng ngày.

NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/bao-gio-pha-vam-cong-hoat-dong-tro-lai-a252945.html