Bao giờ Mỹ ngang tầm Nga tại Bắc Cực?

Mỹ vừa công bố kế hoạch dài hơi giúp quân đội nước này có thể cạnh tranh và tiến tới vượt sự thống trị của Nga tại Bắc Cực.

Nội dung được tờ Washington Times dẫn nguồn tin từ Lầu Năm Góc cho biết, lực lượng mặt đất Mỹ đã vạch ra một danh sách các ưu tiên chính sẽ giúp Mỹ giành lại lợi thế ở Bắc Cực.

Đặc biệt, lực lượng này được lên kế hoạch để tạo ra các quân đoàn ở Bắc Cực, sẵn sàng chiến đấu trong các cuộc hành quân lâu dài ở nhiệt độ cực thấp, trên địa hình nhiều tuyết và núi.

Mỹ diễn tập tại Bắc Cực.

Mỹ diễn tập tại Bắc Cực.

Để làm được điều đó, Mỹ sẽ đầu tư vào việc phát triển quần áo và hệ thống y tế mới cần thiết để tiến hành các hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt của Bắc Cực, cũng như phát triển các thiết bị quân sự hạng nặng có thể hoạt động tốt hơn trong điều kiện nhiệt độ khắc nghiệt.

Nguồn tin cũng cung cấp sự hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh ở Bắc Cực và sự phụ thuộc rộng rãi hơn vào kiến thức của người bản địa, có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc về địa hình và động vật hoang dã trong khu vực.

Tuy nhiên, trong bản kế hoạch của mình, Mỹ không hề nhắc đến thời điểm hoàn thành, vũ khí chuyên dụng mà chỉ nói về quân phục, nâng cao đời sống cho binh sĩ và dựa vào dân bản địa - những yếu tố này là cần thiết nhưng không đủ giúp Mỹ có thể vượt Nga tại Bắc Cực.

Theo Defense News, lực lượng Mỹ tại Bắc Cực từng phàn nàn binh sĩ nhiều lần bị cóng khi thực hiện những cuộc diễn tập chiến đấu tại đây dù được trang bị những bộ quân phục tối tân nhất của Mỹ.

Vấn đề với lính Mỹ trong những cuộc diễn tập là trang phục của họ không chịu được nhiệt độ dưới -45 độ C.

"Trong bộ quần áo đồ sộ của mình họ trông giống như biểu tượng Michelin vậy. Họ nghĩ rằng sẽ được ấm áp, nhưng trong thực tế họ bị rét cóng," Jonas Ryde, đại diện của nhà sản xuất quân phục mùa Đông Thụy Điển Torraka (Taiga) nhận xét trang bị của lính Mỹ.

Theo ông, các nhà sản xuất quân phục Bắc Cực cho lính Mỹ không biết rằng hơi ẩm từ cơ thể có thể đóng băng trong lớp quần áo. Ngoài ra, lính Mỹ ở Na Uy còn phải đối mặt với các vấn đề khác.

Áo rét khi gặp lạnh bị toạc đường chỉ, khóa kéo không đóng mở được, những đôi giày rơi ra khỏi thanh trượt tuyết và ba lô nhựa nứt nẻ. Thiếu tướng Neil Nelson nói rằng tất cả những thiếu sót đó sẽ được giải quyết trong tương lai.

Sẽ không có gì đáng nói về nhược điểm của bộ quân phục trang bị cho binh sĩ Mỹ tại Bắc Cực nếu trước đó lực lượng này không liên tiếp trải qua nhiều cuộc huấn luyện chiến đấu cũng như kỹ năng sinh tồn tại nơi có khí hậu khắc nghiệt này.

Hiện nay, Quân đội Mỹ đã và đang vận hành một trung tâm huấn luyện với tên gọi là Trường huấn luyện kỹ năng sinh tồn ở Bắc Cực. Trường huấn luyện đặc biệt này của quân đội Mỹ đóng căn cứ bên ngoài phạm vi của Căn cứ không quân Eieson ở bang Alaska lạnh giá.

Mỗi năm, trung tâm này đảm nhiệm huấn luyện cho khoảng 700 quân nhân của lực lượng Không lực Hoa Kỳ. Mục đích là đào tạo cho các binh sỹ thuần thục các kỹ năng cơ bản để có thể sinh tồn và chống đỡ lại sự khắc nghiệt của môi trường nơi đây.

Không chỉ cho binh lính huấn luyện trong điều kiên thời tiết tại Bắc Cực, nhằm tạo ra loại phương tiện chiến đấu tốt nhất có thể hoạt động tốt tại Bắc Cực, Mỹ còn cho chiến đấu thử sức với thời tiết băng giá.

Cuộc thử nghiệm với phiên bản tiêm kích F-35B, F-22 và cả máy bay B-1 được thực hiện tại Phòng nghiên cứu khí hậu đặt ở căn cứ không quân Eglin ở bang Florida (Mỹ). Tại đây, khả năng hoạt động của F-35B được đánh giá trong những môi trường thời tiết khắc nghiệt nhất.

Kết quả thử nghiệm đã cho những thông tin đáng buồn cho Mỹ khi hầu hết máy móc thiết bị đều biến thành một "que kem khổng lồ" và khí hậu vẫn là một tấm lá chắn hiệu quả của nước Nga và Mỹ cần phải bỏ rất nhiều công sức, tiền của để có thể cải thiện khả năng tác chiến trong điều kiện băng giá nếu muốn tranh đua với Nga ở Bắc Cực.

Thùy Dung

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/luc-luong-vu-trang/bao-gio-my-ngang-tam-nga-tai-bac-cuc-3429266/