Bao giờ Mỹ có tên lửa bắn 10km đối phó tăng Nga?

Để đối phó với những cỗ tăng tối tân của Nga, dựa vào TOW là điều không thể đối với Quân đội Mỹ vào lúc này.

Trang Drive cho biết, đây chính là nguyên nhân khiến Quân đội Mỹ lên kế hoạch thay thế hệ thống tên lửa chống tăng BGM-71 TOW bằng tổ hợp mới, có khả năng nhanh chóng triệt hạ mục tiêu ở cự ly xa hơn nhiều.

Theo yêu cầu của quân đội, dòng tên lửa mới có thể tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách 10km, có hệ thống dẫn đường thông minh, tác chiến tốt trong điều kiện bị gây nhiễu, được phóng từ ống phóng tương tự như TOW hiện nay...

Tên lửa chống tăng TOW.

Tên lửa chống tăng TOW.

Nguồn tin cho biết, việc Mỹ quyết tâm thay thế TOW là do sự thúc đẩy chủ yếu từ mối lo ngại về cuộc xung đột tiềm tàng với Nga, nguy cơ càng tăng sau khi sáp nhập Crime về Nga.

Những lo ngại này xuất phát từ thực tế chiến đấu không thực sự ấn tượng của TOW trên chiến trường Syria thời gian qua khi tên lửa này nhiều lần không thể đánh bại được những cỗ tăng không còn mới như T-62M, T-72 của Quân đội chính phủ Syria.

Một số hình ảnh của phiến quân do Mỹ hỗ trợ mới đây đã ghi cảnh tên lửa chống tăng của phe này tấn công chiếc tăng T-72 của quân chính phủ ở Aleppo, nhưng pha tấn công đã bất thành vì màn nhả khói của chiếc T-72.

Hình ảnh được công bố cho thấy cảnh quân nổi dậy bắn 1 tên lửa chống tăng có điều khiển TOW vào 1 xe tăng T-72 phiên bản đầu. Tổ lái phát hiện tên lửa chống tăng đang lao tới, liền khởi động hệ thống phun khói qua ống xả động cơ đang nổ máy.

Hệ thống bảo vệ thụ động này ra đời cách đây hơn 40 năm, nguyên lý là phun dầu diesel vào ống xả động cơ đang hoạt động (gọi là TDA). Sức nóng từ ống xả đốt cháy diesel và tống ra thành một đám mây khói trắng đục.

Màn khói này khiến đầu dò tên lửa gần như bị vô hiệu, khiến xạ thủ không nhìn thấy rõ mục tiêu và kích nổ tên lửa sai vị trí. Theo hình ảnh được công bố, khi đám mây khói tuôn ra, tên lửa lao tới và nổ gần xe tăng và vụ tấn công đã thất bại.

"Không đánh bại được T-62M và T-72 khiến người Mỹ mất niềm tin khi dùng TOW đối đầu với những cỗ tăng tối tân hơn là T-90 và sắp tới là Armata của Nga. Nhưng phải đến năm 2028 - 2032, dòng tên lửa thay thế TOW mới có thể trực chiến", nguồn tin Quân đội Mỹ cho biết.

Trước khi công bố chương trình thay thế TOW, tên lửa này được sử dụng trong lực lượng Quân đội Mỹ và có mặt hầu hết trong các cuộc chiến mà nước này từng tham gia đến nay...

Hệ thống TOW được hãng Raytheon của Mỹ phát triển, được biên chế từ 1970 trong quân đội Mỹ và nổi tiếng là sát thủ diệt tăng khi được trang bị trên các trực thăng gunship UH-1, AH-1 và xe đặt trên xe Jeep ở các chiến trường... với hơn 650.000 quả được sản xuất.

Các phiên bản được phát triển sau này của TOW là: TOW 2A (BGM-71E), được sản xuất vào năm 1987 với hơn 118.000 quả được bán ra; TOW 2B (BGM-71F), được sản xuất bắt đầu vào năm 1991 với trên 40.000 được bán ra.

Trong một hợp đồng năm 2006 của hãng Raytheon với Quân đội Mỹ, Raytheon đã sản xuất và chuyển giao cho thủy quân lục chiến Mỹ 976 quả TOW-2B vào tháng 12/2006. TOW được trang bị động cơ đẩy nhiên liệu rắn 2 tầng ATK.

Các xạ thủ quan sát và dẫn đường đường bay cho tên lửa đến mục tiêu sau khi bắn thông qua kính viễn vọng. Các chỉ dẫn từ xạ thủ sẽ được truyền tín hiệu từ trung tâm, từ đây xử lý và chuyển tín hiệu được truyền dọc theo hai dây đến ăng ten, tín hiệu này sẽ được truyền đến cuộn dây bắt sóng phía sau TOW rồi từ đây, tín hiệu được chuyển tiếp vào hệ thống điều khiển tên lửa và tên lửa sẽ bay theo yêu cầu của xạ thủ thông qua việc điều chỉnh các cánh bay.

Có thể nói, TOW là một dòng tên lửa chống tăng tốt nhưng nó lại không phát triển đủ nhanh để có thể cạnh tranh với các dòng tên lửa chống tăng khác, vì vậy quân đội Mỹ quyết định cho TOW nghỉ hưu và thay thế bằng những vũ khí mạnh mẽ và tin cậy hơn.

Ngọc Hòa

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/vu-khi/bao-gio-my-co-ten-lua-ban-10km-doi-pho-tang-nga-3430520/