Bao giờ mới hết nỗi bức xúc mang tên BOT?

Dù những bất cập tại các dự án BOT giao thông đã trở thành chuyện thời sự, gây bức xúc cho người dân từ những năm trước, nhưng những ngày qua, dư luận lại 'nổi sóng' khi đầu tháng 6, Bộ Giao thông Vận tải (GT-VT) có văn bản lấy ý kiến bộ, ngành, địa phương trước tình trạng sụt giảm doanh thu của hàng chục dự án BOT.

Nguyên nhân hụt lưu lượng xe so với dự báo của một số dự án BOT được Bộ GT-VT đưa ra là do một số địa phương phát triển kinh tế - xã hội chưa đạt kỳ vọng; một số trạm thu phí có số lượng xe sử dụng vé tháng, vé quý cao hơn dự báo; một số địa phương đầu tư tuyến đường mới song song, giao cắt đường BOT nên các xe trốn tránh trạm thu phí; thực hiện giảm mức phí chung và miễn giảm cho chủ xe sống quanh trạm thu phí. Do đó, nhiều nhà đầu tư có văn bản kiến nghị Bộ GT-VT cho tăng phí theo hợp đồng.

Theo Bộ GT-VT, thông tư của Bộ Tài chính về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đường bộ, lộ trình tăng phí của các dự án BOT là 3 năm một lần. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, từ tháng 5-2016 đến nay, Bộ GT-VT chưa thực hiện tăng phí với 59 dự án BOT trên cả nước.

Trong đó, 37 dự án đã tới hạn tăng phí 12-18% theo lộ trình (gồm 2 dự án tới hạn trong năm 2018, 35 dự án năm 2019); năm 2020 sẽ tăng phí 10 dự án, năm 2021 tăng phí 2 dự án, các dự án còn lại sẽ tăng phí sau năm 2021.

Ngoài ra, trong hợp đồng BOT được ký giữa Bộ GT-VT và nhà đầu tư đều có điều khoản cho điều chỉnh thời gian thu phí, hoàn vốn khi doanh thu thực tế tăng hoặc giảm hai năm liên tiếp từ 2-5% so với tính toán trong hợp đồng.

Theo Bộ GT -VT, nếu không có giải pháp đồng bộ, kịp thời với 25 dự án này thì phương án tài chính bị phá vỡ, doanh nghiệp dự án phá sản, các khoản vay nghìn tỉ đồng từ ngân hàng để đầu tư công trình BOT trở thành nợ xấu.

Ví dụ, doanh thu một số trạm BOT sụt giảm do lưu lượng xe thấp hơn thực tế như trạm BOT hầm Đèo Cả, Hà Nội - Bắc Giang, Pháp Vân - Cầu Giẽ, quốc lộ 38, tuyến tránh TP Phủ Lý, quốc lộ 5, quốc lộ 1 đoạn qua Quảng Nam...

Bộ GT -VT đề xuất lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương 2 phương án. Phương án một là tăng phí BOT đúng lộ trình trong giai đoạn 2019-2021. Để tránh sốc khi tăng phí đồng loạt hàng chục dự án BOT, Bộ sẽ đàm phán với các nhà đầu tư và ngân hàng, trong năm 2019 chỉ tăng phí với các dự án có sụt giảm doanh thu lớn bởi các dự án này đã chạm "điểm tới hạn", nếu không tăng phí sẽ phá vỡ phương án tài chính.

Phương án 2, Bộ GT-VT đề xuất 49 dự án có lộ trình tăng phí trong giai đoạn 2018-2021 phải lùi thời điểm tăng phí sang năm 2022. Với phương án này, bộ cho biết sẽ có 9 dự án BOT bị phá vỡ phương án tài chính, doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, Nhà nước phải bố trí khoảng 3.000 tỉ đồng để hỗ trợ 9 dự án nhằm tránh bị đổ bể.

Thứ trưởng Bộ GT- VT Nguyễn Nhật đã khẳng định rằng, Bộ GT-VT mới đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương liên quan đến việc sụt giảm doanh thu của các dự án BOT giao thông. Sau khi có ý kiến của các cơ quan liên quan, Bộ GT-VT sẽ tiếp tục nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng giải pháp rồi mới báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định phương án xử lý cụ thể. Đây cũng là việc làm thường xuyên đối với các hợp đồng BOT mà Bộ GT-VT đã ký.

Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, về bản chất, BOT là kinh doanh tài sản công, tài sản của Nhà nước. Nhà nước chỉ nhượng lại quyền kinh doanh cho các nhà đầu tư BOT, đó không phải là tài sản tư.

Điều quan trọng bây giờ là để thuyết phục công chúng về vấn đề tăng phí này thì trước tiên phải công khai, minh bạch tất cả vấn đề về các dự án BOT. Bởi khi chưa công bố các thông tin cần thiết thì việc tăng phí này không ai tin được là có cơ sở vững chắc cả.

Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, cần làm rõ nguyên nhân thu phí không đạt phương án tài chính là do lượng xe ít hay do chi phí thường xuyên của trạm thu phí quá lớn, cách thức tổ chức không hợp lý, bởi thực tế hiện nay lượng phương tiện đang tăng hàng ngày.

Do đó, trước mắt Bộ GT-VT cần làm việc với nhà đầu tư để giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại tại các trạm thu phí bị tài xế phản ứng. Quyết toán dứt điểm các dự án, triển khai thu phí tự động, giám sát thu phí hiệu quả… Khi hoàn tất các công việc này thì mới đặt vấn đề về tăng mức phí, khi đó mới được dư luận đồng thuận.

Rõ ràng việc minh bạch là mấu chốt để giải quyết những "mớ bùng nhùng" kéo dài suốt thời gian qua tại các dự án BOT. Nếu chưa minh bạch thì việc tăng phí sẽ rất khó nhận được sự đồng thuận của người dân.

Tân Lương

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/cstc-549190/