Bao giờ hết vấn nạn lập địa chỉ ảo để gian dối kinh doanh thực phẩm chức năng?

Một thực trạng nhiều công ty kinh doanh thực phẩm chức năng thường sử dụng chung 'công thức' 'đăng ký một đằng hoạt động một nẻo' nhằm che giấu hành vi gian dối và cản trở hoạt động thanh tra, giám sát của cơ quan chức năng.

Đăng ký một đằng, hoạt động một nẻo

PV Chất lượng Việt Nam online (VietQ) từ hành trình tìm hiểu vấn nạn gian dối trong kinh doanh TPCN nhận thấy rằng, rất nhiều đơn vị để che giấu những hành vi trái quy định pháp luật thường lập ra nhiều công ty “ma”, địa chỉ ảo để né tránh cơ quan chức năng, chối bỏ trách nhiệm với người tiêu dùng.

Như trường hợp Công ty TNHH Ripple Việt Nam (Công ty Ripple) là đơn vị kinh doanh sản phẩm TPCN Hoạt huyết Ngọc Thanh. Cũng cần phải thông tin thêm đây là sản phẩm chỉ có tác dụng hỗ trợ nhưng lại được giới thiệu là thuốc có khả năng điều trị các bệnh thiếu máu lên não, đau đầu, rối loạn tiền đình. Công ty Ripple đăng ký kinh doanh tại địa chỉ số 435, đường Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy, Hà Nội nhưng thực tế đây chỉ là một căn phòng nhỏ diện tích 20 vuông, được thuê mục đích gắn một tấm biển hiệu và không có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào ở đây. Còn thực tế, sau khi điều tra tìm hiểu, PV phát hiện công ty này thuê một tòa nhà riêng ở con phố khác gần đó, không biển hiệu, quảng cáo.

Địa chỉ đăng ký kinh doanh của công ty Ripple Việt Nam không có gì ngoài biển ảo?

Địa chỉ đăng ký kinh doanh của công ty Ripple Việt Nam không có gì ngoài biển ảo?

Tương tự, Công ty TNHH TM QT VITACO Việt Nam (số 627, Vũ Tông Phan, Thanh Xuân, Hà Nội) kinh doanh sản phẩm Đại Kiện Can. Công ty này cũng hoạt động chung “công thức” đăng ký kinh doanh là sản phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng tư vấn lại là thuốc chữa bệnh, và có nhiều dấu hiệu chộp giật. Quá trình xác minh, tìm hiểu bản chất của sự thực, PV mới pháp hiện ra đơn vị này hoạt động rất lộn xộn, đa số nhân viên bán sản phẩm phần lớn là sinh viên tư vấn qua điện thoại. Và hiển nhiên, theo địa chỉ đăng ký nêu trên, phát hiện đây là địa chỉ ảo. “Tôi làm việc ở đây bao nhiêu năm nay, không thấy có trung tâm nào điều trị bệnh. Cũng có nhiều người đến đây hỏi mua thuốc trị bệnh gan nhưng không ai bán”, nhân viên bảo vệ tòa nhà cho biết.

Công ty TNHH TM QT VITACO Việt Nam đăng ký một nơi, bán hàng một nẻo lừa người dùng.

Đã trở thành “công thức”?

Một địa chỉ có dấu hiệu lừa đảo khác là Công ty TNHH HBG kinh doanh là thực phẩm chức năng Kim Kê Đả Thạch và viên uống tóc Mộc Linh, địa chỉ tầng 6 tòa nhà Sannam, số 78 Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội). Cần phải nói, đây là địa chỉ “ra đời” của rất nhiều công ty chuyên kinh doanh TPCN bởi PV VietQ đã ít nhất tới địa chỉ này không dưới 3 lần để xác minh, tìm hiểu về những công ty này, còn kết quả thì không ai biết, không ai nhớ, hoặc đã chuyển địa điểm từ rất lâu.

Bộ sản phẩm tóc Mộc Linh được bán ở một địa chỉ khác để lừa người tiêu dùng.

Còn về Công ty HBG, sau rất nhiều thông tin đối chiếu, bằng việc lần theo địa chỉ tuyển dụng thì mới biết họ đang hoạt động tại địa chỉ số 2, Vương Thừa Vũ, Thanh Xuân.

Lại thêm một câu chuyện bi hài khác, khi tìm hiểu Công ty TNHH Vương Mộc An có địa chỉ đăng ký tại số 9, Lô 5B, Khu đô thị mới Trung Yên, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội, hoạt động theo mô hình đa cấp kinh doanh sản phẩm TPCN Tâm Tỳ Vương.

Tại địa chỉ nêu trên, PV được biết công ty này đã chuyển địa điểm từ rất lâu, công ty này hoạt động theo mô hình đa cấp nên rất nhiều tai tiếng, rất nhiều người tới đòi tiền, tố cáo hàng loạt những sai phạm. Thậm chí, khi chuyển nhà, người của công ty còn “cuỗm” luôn cả chiếc điều hòa của chủ nhà.

Trong rất nhiều nhập vai, xác minh tìm hiểu thông tin, PV nhận thấy mô hình chung mà những công ty kinh doanh TPCN có dấu hiệu gian dối đó là “vườn không nhà trống”, chỉ thuê một địa chỉ kinh doanh theo đúng quy định, sau đó chuyển địa điểm hoạt động, hoặc được những bảo vệ trợ giúp nhắn lại khách vãng lai, hoặc người tiêu dùng, cơ quan chức năng là đã đi “tập huấn”, “ nghỉ mát”….

Thế nên, người tiêu dùng, hay cơ quan chức năng có thắc mắc, tố cáo khiếu nại những vấn đề liên quan đến sản phẩm thì chỉ có “đi tìm chim”, xác định là “tiền mất tật mang” trong khi những sản phẩm gian dối về công dụng vẫn được buôn bán công khai bằng phương thức online.

Đây cũng chính là một trong những lý do cản trở cơ quan chức năng trong việc “tìm diệt” những đơn vị kinh doanh gian dối, đặc biệt, trong công tác hậu kiểm, thanh tra kiểm tra. Trong khi, các quy định của pháp luật hiện nay lại xử phạt những trường hợp vi phạm về địa chỉ đăng ký kinh doanh không đủ răn đe. Đó chính là lý do, các đơn vị kinh doanh gian dối lợi dụng để biến hóa với nhiều danh nghĩa khác nhau. Do đó, sự cần thiết phải có cơ chế đặc thù đối với những đơn vị kinh doanh TPCN, cùng những biện pháp khác góp phần dẹp loạn thị trường đang ngày càng bát nháo vì những hoạt động kinh doanh vi phạm pháp luật.

An Nguyên

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/bao-gio-het-van-nan-lap-dia-chi-ao-de-gian-doi-kinh-doanh-tpcn-d186583.html