Bao giờ hết 'đốt đuốc' đi tìm biên kịch giỏi?

Thời gian gần đây, phim Việt đã nhận được sự quan tâm của khán giả bởi chất lượng phim tốt, đề tài hấp dẫn. Nhưng đáng nói là đa phần những bộ phim hút khách lại là phim được sản xuất từ kịch bản đã được Việt hóa. Điều đó cho thấy, phim Việt đang thiếu trầm trọng đội ngũ biên kịch giỏi!

Đã trở thành đề tài “biết rồi, nói mãi” nhưng than thở gần đây nhất của đạo diễn Nhuệ Giang vẫn khiến những người đau đáu với nền điện ảnh Việt phải suy nghĩ. Nữ đạo diễn buồn vì: “Đời sống ngày nay mang đến một tâm lý rất vội vã. Ai cũng muốn chóng thành công và ai cũng muốn khẳng định tên tuổi, nhưng không ai đủ kiên nhẫn xây dựng một kịch bản cho đúng tầm”.

Than thở ấy không sai bởi thực tế cho thấy, những bộ phim hút khách của điện ảnh Việt thời gian gần đây đa phần là những kịch bản đã được Việt hóa.

Phim “Quỳnh búp bê” của biên kịch Kim Ngân không có yếu tố “ngoại lai” đang hút khách

Ở lĩnh vực phim chiếu rạp hay truyền hình đều có bóng dáng của những phim phải dựa trên kịch bản nước ngoài, thậm chí trở thành trào lưu. Đơn cử điện ảnh có: “Yêu” (dựa trên “The Love of Siam” của Thái Lan), “Em là bà nội của anh” (dựa trên kịch bản gốc “Miss Granny” của Hàn Quốc), “Bạn gái tôi là sếp” (dựa trên kịch bản “ATM Er Rak Error” của Thái Lan), “Sắc đẹp ngàn cân” (Việt hóa từ “200 Pounds Beauty” của Hàn Quốc)…; Phim truyền hình gần nhất có: “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng”…; Phim ngắn chiếu online có “Hậu duệ mặt trời”. Thành thử, nhiều năm qua, “cơn khát” kịch bản vẫn còn hiện hữu.

Một thực tế rõ ràng là đội ngũ biên kịch của Việt Nam hiện nay khá ít ỏi và những người đủ tầm sáng tạo kịch bản tốt lại càng đếm trên đầu ngón tay. Để tìm người viết kịch bản có nghề thì vô cùng khó. Nhiều nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để “lôi kéo” các nhà biên kịch danh tiếng nhưng số lượng kịch bản có thể làm phim kéo khách đến rạp không nhiều.

Còn nhớ năm trước, khi một “ông lớn” trong lĩnh vực phát hành và sản xuất phim đã tổ chức hẳn một cuộc thi “Tìm kiếm nhà biên kịch tài năng” để tìm ra những nhân tài mới trong lĩnh vực sáng tác kịch bản nhưng kết quả chẳng mấy khả quan. Gần 4.000 bài dự thi gửi về trong vòng 3 tháng nhưng chỉ chọn được 6 kịch bản vào vòng chung kết. Và đến nay, trong 6 kịch bản đó vẫn chưa có kịch bản nào có thể triển khai thành phim.

Trong khi đó, “tầm” của khán giả lại ngày càng cao. Khán giả không dễ chấp nhận những bộ phim có nội dung nghèo nàn, kết cấu lỏng lẻo. Thế nhưng, đòi hỏi đội ngũ viết kịch bản có tài năng, luôn tạo ra sự mới mẻ trong sáng tạo và bắt kịp với xu thế thời đại... ở Việt Nam hiện nay lại dường như quá xa vời.

Phim “Yêu thì ghét thôi” của biên kịch Huyền Lê

Thực tế, thỉnh thoảng phim Việt vẫn có những kịch bản hay, đơn cử gần đây nhất là bộ phim truyền hình “Quỳnh búp bê” được viết bởi nhà biên kịch Kim Ngân, hay series hai phần phim “Ghét thì yêu thôi” và “Yêu thì ghét thôi” của nhà biên kịch trẻ Huyền Lê đang hút khách. Nhưng những kịch bản được đánh giá tốt này lại vẫn đang xuất hiện theo kiểu “sao buổi sớm”.

Theo tiết lộ của một nhà biên kịch, nhuận bút dành cho những bộ phim truyền hình dài tập vào khoảng 200-300 triệu/phim, tất nhiên tùy vào chất lượng cũng như tác giả. Tuy nhiên, nhuận bút này bị cho rằng chưa tương xứng với công sức mà nhà biên kịch bỏ ra.

Chưa kể, vị trí của nhà biên kịch đối với phim Việt cũng chưa được chú trọng. Điều này đã được đạo diễn Phan Đăng Di nhận định: Vị trí của nhà biên kịch ở Việt Nam đang rất thấp. Dù ai cũng phát biểu rằng, biên kịch quan trọng, nhưng sự đầu tư cho biên kịch lại ở mức rất… buồn cười. Có những hãng phim trong tư duy của họ, việc viết ra một kịch bản rất đơn giản nên coi nhẹ việc lựa kịch bản. Kết quả là không làm kỹ khâu quan trọng nhất này, thành thử phim Việt dở.

“Thực tế, tiền nào của nấy và rõ ràng là phải có mức thù lao xứng đáng mới thu hút được người tài” - đạo diễn Phan Đăng Di khẳng định.

Thiết nghĩ, đã đến lúc nghĩ đến việc đào tạo có quy trình một cách bài bản và trả công tương xứng cho các nhà biên kịch. Bởi trào lưu Việt hóa phim chỉ giải quyết nhanh nhu cầu trước mắt, nếu cứ mãi chạy theo phim Việt hóa mang đậm tính thương mại thì khi xem phim sẽ chẳng còn ai nhận ra bóng dáng người Việt trong đó.

Huyền Anh

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/bao-gio-het-dot-duoc-di-tim-bien-kich-gioi-517224.html