Bao giờ hết 'cày xới' những cung đường?

Xe quá khổ, quá tải lưu thông không chỉ làm các tuyến đường xuống cấp, mà còn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng tai nạn giao thông. Nhiều trường hợp đã bị cơ quan chức năng thành phố Hà Nội xử lý song tình trạng này chưa giảm, liên tục tái diễn. Giải pháp xử lý triệt để vi phạm đang là vấn đề được dư luận nhiều địa phương quan tâm.

Đoạn qua phố Keo, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm có mật độ giao thông dày đặc, chủ yếu là xe có tải trọng lớn như sơ-mi rơ-móc, container, howo... với hàng nghìn lượt nối đuôi nhau qua lại mỗi ngày.

Đoạn qua phố Keo, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm có mật độ giao thông dày đặc, chủ yếu là xe có tải trọng lớn như sơ-mi rơ-móc, container, howo... với hàng nghìn lượt nối đuôi nhau qua lại mỗi ngày.

Lồi lõm những cung đường vì xe quá tải, quá khổ

Dù chỉ dài vỏn vẹn khoảng 650m nhưng Quốc lộ 17 (trước đây là Tỉnh lộ 181) đoạn qua phố Keo, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm suốt 13 năm nay trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với người dân địa phương. Theo người dân địa phương, mỗi ngày cung đường phải "gồng mình" chịu sự quần thảo bởi hàng trăm lượt xe quá tải qua lại.

Hệ lụy nhãn tiền là, mặt đường xuống cấp nghiêm trọng, ổ voi chằng chịt như những hố “tử thần” khoét sâu đến hơn nửa mét. Nắng thì bụi tung mù mịt, còn mưa thì lầy lội như mặt ruộng cày. Hoạt động kinh doanh, buôn bán ế ẩm khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Quan sát thực tế, hiện tượng người dân phản ánh là hoàn toàn có cơ sở. Qua ghi nhận, hàng trăm xe sơ-mi rơ-moóc, container, xe bồn cùng nhiều loại xe trọng tải lớn… mỗi ngày đều "thi nhau" quần thảo cung đường. Mỗi khi qua đây, các phương tiện gặp rất nhiều khó khăn do những ổ voi, ổ trâu dày đặc, chi chít như hố bom, sâu tới hơn nửa mét và rất gồ ghề, trơn trượt.

Ông Nguyễn Phú Công, Tổ trưởng Tổ dân phố cho biết: Ven trục đường có khoảng 181 hộ dân, lượng xe quá tải trọng lưu thông dày đặc là nguyên nhân chính khiến con đường nhanh xuống cấp. Đáng nói, ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, lượng xe tải lớn còn khiến việc kinh doanh, buôn bán, giao thông của người dân chịu nhiều ảnh hưởng.

Hàng quán mở ra ế ấm phần vì bụi bặm, phần vì mất an toàn. “Từ đầu năm 2020 đến nay, các đơn vị giao thông Hà Nội đã sửa chữa mặt đường khoảng 3 lần, nhưng chỉ được vài ngày đoạn đường lại hư hỏng, lầy lội, thậm chí là ổ trâu, ổ voi càng bị đào xới sâu thêm… dẫn đến tình trạng ách tắc giao thông thường xuyên xảy ra” - ông Nguyễn Phú Công bức xúc.

Ông Bùi Văn Khanh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Kim Sơn cho biết, do là tuyến đường giao nhau giữa Hà Nội, Hải Dương và Bắc Ninh nên có lượng người và phương tiện giao thông lớn. Những chiếc xe siêu trường siêu trọng, container thường đi vào đây để "né" trạm thu phí BOT trên Quốc lộ 5. Ông Khanh cũng cho biết, 3 năm gần đây đã có hơn 10 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông.

Số vụ tai nạn như xe cộ hư hỏng, va quệt, người đi xe máy trượt ngã, xây xát… thì nhiều không đếm xuể. Đáng nói là, tại khu vực phố Keo quy tụ nhiều cơ sở giáo dục từ mầm non đến bậc phổ thông nên mỗi ngày có hàng trăm học sinh phải đi học qua đoạn đường. Vỉa hè, lòng đường bị hư hỏng nặng, nhiều phụ huynh vì lo ngại an toàn cho trẻ nên đã phải bỏ thời gian, công sức đưa đón con tới trường.

Không chỉ có Quốc lộ 17 “tang thương” dưới vệt bánh xe, thực tế nhiều trục đường ven đô cũng đang ngày một xuống cấp vì xe quá tải. Cụ thể, tại các cung đường như: Tỉnh lộ 421B, đoạn qua địa phận huyện Quốc Oai; đường 70, quận Nam Từ Liêm; đường Hồ Chí Minh đoạn từ thị trấn Xuân Mai đến Cầu Cời (Miếu Môn, huyện Chương Mỹ); Quốc lộ 6, đoạn qua ngã tư Xuân Mai…

Tại những trục giao thông này, mỗi khi vắng bóng các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát là hiện tượng xe tải có dấu hiệu cơi nới thành thùng, chở vật liệu có ngọn lại tái diễn. Đáng lo ngại, sức khỏe của người dân sống ven trục đường và người tham gia giao thông cũng chịu nhiều ảnh hưởng. Vào những ngày trời hanh khô thì tuyến đường lúc nào cũng trong tình trạng khói bụi mù mịt như sương mù… Người dân phải lắp rèm che, đóng cửa kín mít để chống chọi lại khói bụi ô nhiễm.

Người dân khổ sở mỗi khi qua đoạn đường này

Đường sẽ còn xuống cấp…nếu không xử mạnh tay!

Hệ lụy từ xe quá khổ, quá tải gây ra là dễ thấy. Tại các cung đường đã nêu, các ngành chức năng cũng rốt ráo vào cuộc xử lý vi phạm. Tuy nhiên, xét ở góc độ xử lý dường như vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn, tại xã Kim Sơn, dù xe quá khổ, quá tải gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, kinh tế của người dân trên địa bàn song theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Kim Sơn, dù rất trăn trở song công tác xử lý vượt quá thẩm quyền của địa phương.

Trong 13 năm qua, không chỉ người dân, tổ dân phố và chính quyền xã đã nhiều lần kiến nghị lên Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp thành phố. “Trong bất kỳ cuộc tiếp xúc cử tri nào chúng tôi cũng đều kiến nghị đến công tác liên quan, nêu ra những khó khăn và những ảnh hưởng mà người dân phải gánh chịu nhưng cho đến nay việc xử lý vẫn chưa được dứt điểm” - ông Bùi Văn Khanh chia sẻ.

Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, lực lượng Thanh tra Sở đã kiểm tra, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 4.350 trường hợp xe ô tô vận chuyển hàng hóa vi phạm trật tự an toàn giao thông. Ngoài phạt tiền gần 18 tỷ đồng, lực lượng chức năng tạm giữ 76 phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn đối với 499 trường hợp, tước tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với 44 xe ô tô tải. Đặc biệt, số xe bị xử lý vi phạm về kích thước thùng xe tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2019, tăng đến gần 60%. Riêng trong tháng 6-2020, tháng cao điểm thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện, Thanh tra Sở đã kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 1.056 trường hợp (chiếm 24,28% kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong 6 tháng đầu năm 2020), phạt tiền hơn 4,66 tỷ đồng, tạm giữ 23 phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn 118 trường hợp, tước tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường 7 trường hợp. Trong đó, có 227 trường hợp vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải; 7 trường hợp vi phạm kích thước thành thùng xe; 457 trường hợp vi phạm về vệ sinh môi trường giao thông (làm rơi vãi, lôi kéo đất đá ra đường phố). Những trường hợp còn lại vi phạm các lỗi dừng, đỗ sai quy định… So với cùng kỳ năm 2019, số tiền xử phạt vi phạm hành chính tăng 1,65 tỷ đồng (tương đương 9,6%).

Theo tìm hiểu, để qua mắt các lực lượng chức năng, những tài xế chở quá khổ, quá tải ngày càng có nhiều loại hình biến tướng, nhiều hành vi chây ỳ chống đối. Bên cạnh những chiêu trò chống đối thường thấy như lái xe không xuất trình giấy tờ; gọi điện thoại xin trợ giúp... hiện khi kiểm tra, các lực lượng chức năng còn phải ứng phó với không ít trường hợp trốn tránh việc chấp hành kiểm tra, kiểm soát. Nhiều tài xế dừng xe, đóng cửa, rồi rời đi, thậm chí có sự can thiệp của nhiều thành phần trong xã hội. Vụ việc tài xế xe quá tải đóng cửa xe rồi bỏ đi suốt 8 giờ để “thi gan” với lực lượng chức năng ở Thanh Oai là ví dụ.

Cụ thể, ngày 29/5, Tổ công tác Thanh tra giao thông huyện Thanh Oai, thực hiện nhiệm vụ thanh tra kiểm soát lưu động trên Quốc lộ 21B giao với ngã ba Liên Châu, đoạn qua huyện Thanh Oai, phát hiện xe tải BKS 29H-105.72 lưu thông theo hướng từ đường 21B về trung tâm Hà Nội có dấu hiệu quá tải. Đáng nói, thay vì chấp hành yêu cầu của Tổ công tác, lái xe lại tỏ thái độ bất hợp tác, đóng cửa xe bỏ đi, mặc cho lực lượng Thanh tra giao thông giải thích rõ về hành vi vi phạm.

Chỉ đến khi Tổ công tác đề nghị Công an huyện Thanh Oai tới phối hợp kiểm tra, ra phương án cưỡng chế dùng xe cứu hộ kéo về bãi trông giữ xe vi phạm thì lái xe mới có mặt để làm việc. Ngay sau khi lái xe có mặt, Tổ công tác đã yêu cầu xuất trình giấy tờ kiểm tra, đồng thời tiến hành việc kiểm tra tải trọng xe. Quá trình cân xác định, xe tải BKS 29H-105.72 chở hàng vượt quá tải trọng cho phép tham gia giao thông, quá tải trọng của cầu đường 83,1%, điều khiển xe không có phù hiệu theo quy định.

Chưa hết, gần đây còn xuất hiện tình trạng xe tải tự ý lắp đặt thùng ngụy trang đậy kín để chở cát đá, hòng qua mắt lực lượng chức năng. Cụ thể, ngày 7/5, xe tải BKS 90C-090.90, mang thương hiệu Vận tải Minh Định, bị Đội Thanh tra giao thông - vận tải cầu, đường bộ (Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội) xử phạt. Theo đó, tải trọng cho phép của xe chỉ có 48 tấn, nhưng khi tiến hành cân kiểm tra, tải trọng thực tế xe chở gần 99 tấn, vượt hơn 200%. Sau khi kiểm tra, lập biên bản lỗi vi phạm, chủ xe tải BKS 90C-090.90 đã bị phạt 75 triệu đồng, tước giấy phép lái xe hai tháng, tạm giữ phương tiện.

Khách quan nhìn nhận, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, lực lượng chức năng của các bộ, ngành, địa phương, trong đó có Hà Nội đã quyết liệt tổ chức công tác kiểm soát tải trọng xe, từng bước đẩy lùi tình trạng các phương tiện quá khổ, chở quá tải. Số lượng phương tiện vi phạm đã từng bước giảm so với các giai đoạn trước đó. Tuy nhiên, một bộ phận doanh nghiệp vận tải lại vì lợi nhuận, bằng nhiều “chiêu” khác nhau, vẫn sử dụng xe chở quá tải phá hỏng mặt đường. Dù lực lượng chức năng tích cực xử lý, nhưng tình trạng này vẫn tái diễn.

Nhiều ý kiến cho rằng, muốn xử lý rốt ráo tình trạng xe chở quá tải, cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường kiểm tra, giám sát, xử phạt, tạm thời đình chỉ thi công đối với các công trình, công trường xây dựng vi phạm. Đồng thời phải xem xét, xử lý trách nhiệm của chủ đầu tư các công trình thi công xây dựng, nếu để xảy ra vi phạm. Theo đó, nếu các đơn vị vận chuyển nguyên liệu, vật liệu xây dựng cho chủ đầu tư công trình có hành vi vi phạm, thì chủ đầu tư công trình cũng phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo các quy định của pháp luật./.

Giang nam

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/bao-gio-het-cay-xoi-nhung-cung-duong-111557.html