Bao giờ giáo viên sống được bằng lương?

Không phải là vấn đề mới, nhưng chưa bao giờ là cũ, câu chuyện về việc chăm lo cho người thầy còn chưa tương xứng với vị trí công tác đào tạo khiến tâm huyết cống hiến cạn dần trước bài toán cơm, áo, gạo, tiền vẫn luôn được sự quan tâm của nhiều người.

Mỗi năm, cứ sau ngày khai giảng những câu chuyện về nghề giáo lại là chủ đề được bàn luận rôm rả trên các diễn đàn giáo dục. Và như thường lệ “bài ca” về lương giáo viên không đủ sống vẫn là đề tài nóng, thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Những ngày qua, câu chuyện của một cô giáo mầm non 9X ở Cao Bằng xin nghỉ việc sau một năm theo nghề dù đã thi đỗ viên chức hay chuyện của thầy giáo dạy Ngữ văn ở Quảng Ninh viết đơn xin ra khỏi biên chế ngành giáo dục dù đã có 16 năm kinh nghiệm đứng trên bục giảng nhận được sự quan tâm của cộng đồng.

Tuy mỗi người có một quan điểm, nhưng nguyên nhân khi đưa ra quyết định này của cả hai khá giống nhau là bởi thu nhập từ công việc giảng dạy hiện tại không đủ để lo lắng, trang trải cho cuộc sống gia đình. Trước nhiều áp lực, họ đành phải từ bỏ đam mê để tìm kiếm cho mình một công việc khác phù hợp hơn.

Sau những câu chuyện đó, trên các diễn đàn giáo dục bắt đầu nóng lên những tranh luận trái chiều. Có người thì trách những thầy cô giáo này đã nóng vội, vì chưa thực sự yêu nghề mới từ bỏ công việc được nhiều người quý trọng. Nhiều người thì lại ủng hộ quyết định này của các thầy cô vì đồng cảm với nỗi vất vả của người giáo viên khi áp lực công việc lớn nhưng lương không đủ trang trải cuộc sống,..

Những tranh luận về vấn đề này dường như nóng hơn trong những ngày bắt đầu năm học mới. Nhưng có một thực tế, tranh luận càng nóng thì lại là một dấu lặng càng buồn khi một lần nữa mọi người lại có cơ hội cùng nhau nhìn nhận lại về nghề giáo, về vị trí của người thầy trong xã hội hiện nay.

Không phải là vấn đề mới, nhưng chưa bao giờ là cũ, câu chuyện về việc chăm lo cho người thầy còn chưa tương xứng với vị trí công tác đào tạo khiến cho tâm huyết cống hiến cạn dần trước bài toán cơm, áo, gạo, tiền vẫn luôn nhận được sự quan tâm của nhiều người.

Ảnh minh họa.

Nói về nghề giáo, trong buổi trò chuyện gần đây với các bạn sinh viên tại Trường ĐH Sư Phạm Huế – ĐH Huế, GS Ngô Bảo Châu cho hay nghề giáo là nghề được xã hội quý trọng và đứng đầu trong các nghề. Tuy nhiên trong bối cảnh chung của nền kinh tế thị trường ở nước ta, việc chế độ lương bổng và đãi ngộ của nghề giáo đang thấp hơn so với nhiều nghề khác là điều dễ hiểu.

GS Châu cũng bày tỏ quan điểm khi cho rằng chọn nghề giáo đừng băn khoăn về vật chất bởi thứ đáng quý của nghề là được truyền đạt tri thức nhân loại cho thế hệ mai sau.

Tuy nhiên công bằng mà nói, nếu nói nghề giáo là “nghề cao quý” nên các thầy cô đã chọn nghề này nên phải biết hy sinh và cống hiến thì có lẽ có một sự thiệt thòi đối với những người đi gieo con chữ. Bởi cũng như bao người, đằng sau thời gian đứng lớp họ cũng có gia đình, có cuộc sống riêng với muôn vàn điều phải lo toan. Thật khó để có lời giải thích cho hợp lý tại sao “nghề cao quý” lại có mức thu nhập trung bình thấp hơn rất nhiều so với những nghề “kém cao quý” khác.

Hiện nay chuyện giáo viên không sống đủ bằng lương phải “nuôi nghề” bằng những nghề tay trái khác không phải là hiếm. Sau giờ lên lớp, là đủ kiểu mưu sinh từ chăn nuôi, bỏ hàng, bán hàng online, kinh doanh mỹ phẩm,… Dù vất vả nhưng vì yêu nghề nên hầu hết các thầy cô đều gắng bám trụ. Thế nhưng cũng không ít trường hợp đành lắc đầu, chấp nhận từ bỏ “cuộc chơi” để chọn cho mình một công việc khác nhu nhập tốt hơn.

Có lẽ trước khi đưa ra quyết định của mình, cô giáo 9X ở Cao Bằng hay thầy giáo nhiều năm kinh nghiệm đứng lớp ở Quảng Ninh đã phải đắn đo, suy nghĩ rất nhiều. Đấy là những trường hợp đã được vào biên chế, còn với những giáo viên hợp đồng mức lương còn thấp hơn thế rất nhiều thì sẽ ra sao?.

Thật đáng suy nghĩ khi đầu tư cho giáo dục được xem là quốc sách hàng đầu, sự phát triển của giáo dục có vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của đất nước nhưng thực tế những người được giao nhiệm vụ cao cả trồng người đang phải “gồng mình” sống bằng đồng lương thấp dưới đáy của xã hội. Phải vất vả với những nghề tay trái khác nhau.

Có thực mới vực được đạo, khi người thầy còn phải chạy ăn từng bữa, thiếu trước hụt sau thì khó có thể dành hết tâm huyết trong từng bài giảng. Đòi hỏi về một mức lương tương xứng để có thể vơi bớt nỗi lo về cơm, áo, gạo, tiền. Để chuyên tâm vào dạy dỗ học trò là điều thực sự chính đáng, thiết thực.

Có người đã từng nói “đầu tư cho người thầy là gặt hái một thế hệ”. Vậy nên chất lượng giáo dục chắc chắn sẽ được nâng lên nếu một ngày nào đó người thầy được đứng trên bục giảng dạy học bằng tất cả tâm huyết mà không còn vướng bận với nỗi băn khoăn về vật chất.

Khi mà ngành giáo dục còn chưa lo nổi cho nhân viên ngành mình một mức lương đủ sống để lao động, cống hiến thì những lá đơn xin ra khỏi ngành của nhiều thầy cô giáo như thời gian vừa qua có lẽ sẽ còn là nỗi trăn trở kéo dài cho những cán bộ cao cấp của Bộ Giáo dục.

Thế Trung

Thế Trung

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/giao-duc/bao-gio-giao-vien-song-duoc-bang-luong-254583.html