'Bao giờ Đồng bằng sông Cửu Long mới có cao tốc?'

Chiều 30/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận tình hình kinh tế - xã hội năm 2018, đầu năm 2019. Dự kiến Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu giải trình làm rõ thêm một số vấn đề.

Quốc hội thảo luận kinh tế - xã hội chiều 30/5 Chiều 30/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2018, tình hình đầu năm 2019.

14:38 30/05

Gần 10% lao động có trình độ đại học thất nghiệp

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) khẳng định lao động việc làm là một trong những yếu tố quyết định đối với thành công của việc cơ cấu lại kinh tế, phát triển văn hóa xã hội. Tuy vậy, so với các khu vực ASEAN, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn, chất lượng đào tạo cũng không bằng, chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng và thực tiễn xã hội.

Về cơ cấu, trình độ lao động trong các ngành là 1 đại học, 1 cao đẳng, 1 công nhân kỹ thuật. Bà Thanh cho rằng cơ cấu này đang mất cân đối, đặc biệt khi so sánh với những nước phát triển. Bà cũng đưa ra con số đáng báo động khi lao động trình độ đại học thất nghiệp chiếm tỷ lệ 9,58%, khoảng trên 120.000 người.

Đại biểu tỉnh Vĩnh Long kiến nghị Chính phủ quan tâm xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách, gắn kết chặt chẽ giữa giáo dục đào tạo, lao động và việc làm. Ngoài ra, cần thực hiện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm tăng năng suất lao động, dẫn đến phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa, xã hội.

Bà Thanh còn chỉ ra thực trạng giáo dục đồng bằng sông Cửu Long đã tụt hậu 5 năm so với mặt bằng chung cả nước và ít nhất 10 năm so với vùng đồng bằng sông Hồng và khu vực Đông Nam Bộ. Đây là vùng trũng của giáo dục. "Cần có cơ chế đặc thù phù hợp, tạo điều kiện cho giáo dục tại khu vực này tiến bộ, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học", bà nói.

14:40 30/05

Thiếu hụt nhân lực ở bệnh viện tuyến dưới

Theo đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên), hiện nay hệ thống bệnh viện công ở nước ta đang đảm nhiệm khoảng 90% khối lượng khám chữa bệnh cho các tầng lớp nhân dân. Bộ Y tế là một trong những bộ tiên phong trong đổi mới cơ chế tài chính, với mục tiêu đổi mới tổ chức, sắp xếp lại bộ máy, sử dụng nguồn lực tài chính hợp lý để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện đã nảy sinh nhiều vướng mắc, bất cập như Chính phủ và các bộ ngành Trung ương vẫn chưa ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết về cơ chế tự chủ đối với ngành y tế.

“Điều này dẫn đến các đơn vị y tế còn lúng túng, chưa thống nhất được cách hiểu cũng như cách làm, mỗi đơn vị làm một kiểu, dễ dẫn đến sai sót trong quá trình thực hiện”, bà Nguyệt phát biểu.

Ngoài ra, các đơn vị y tế được giao tự chủ về tài chính nhưng chưa được giao tự chủ về các nội dung khác như tổ chức, cơ chế thu, tuyển dụng và sử dụng nhân lực, về đầu tư mua sắm trang thiết bị, về cơ chế đãi ngộ.

Ngoài ra, bà cũng chỉ ra việc thiếu hụt nhân lực ở các bệnh viện tuyến tỉnh, hầu hết các cơ sở y tế đều chưa tuyển đủ nhân lực, đặc biệt là thiếu đội ngũ bác sĩ. Ở nhiều bệnh viện vẫn xảy ra tình trạng chảy máu chất xám, khó khăn trong việc giữ chân các bác sĩ giỏi.

Đại diện cử tri tỉnh Hưng Yên đề nghị Bộ Y tế, Chính phủ cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực thi việc tự chủ toàn diện tạo hành lang pháp lý thống nhất, rõ ràng đồng bộ, để các đơn vị có căn cứ thực hiện.

14:41 30/05

Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt để tránh thất thoát thuế thu nhập cá nhân

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ của Hà Tĩnh đã đưa ra vấn đề về thất thoát thuế thu nhập cá nhân. Bà chỉ ra thuế thu nhập cá nhân là một trong các khoản thu không đạt dự toán trong năm 2018. Dù tỷ trọng thuế thu nhập cá nhân đóng góp vào ngân sách nhà nước hơn một thập kỷ qua đã có những tiến triển rõ rệt, tăng từ 2% vào năm 2006 lên đến 6,9%, tương đương hơn 94.000 tỷ đồng vào năm 2018.

Đại biểu đặt câu hỏi: “Phải chăng do mức dự toán đề ra quá cao và không khả thi hay do chưa thực hiện tốt nhiệm vụ này?”

Mặc dù đã có nhiều biện pháp để hạn chế thất thoát trong thu thuế thu nhập cá nhân nhưng các cơ quan chức năng vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, không kiểm soát hết được mọi nguồn thu nhập của các cá nhân, trong khi nguồn hình thành thu nhập cá nhân quá đa dạng và phức tạp.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cũng chỉ ra một trong những nguyên nhân của hạn chế nêu trên là nền kinh tế nước ta là nguồn kinh tế ưa chuộng tiền mặt, rất nhiều khoản thu nhập cá nhân đều được chi trả bằng tiền mặt, do đó khó có thể tạo ra cơ chế kiểm soát một cách có hiệu quả. Chính vì vậy, đại biểu kiến nghị cần thúc đẩy các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân hướng đến quản lý thu nhập cá nhân qua hệ thống ngân hàng, đảm bảo sự công bằng xã hội trong vấn đề đóng thuế.

14:45 30/05

Người người chỉ đạo, ngành ngành làm dự án công nghệ mà chưa có sự thống nhất

Đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang) cho rằng kết quả của năm qua chưa tương xứng với yêu cầu, đòi hỏi mà Việt Nam đặt ra. Hệ thống nền tảng kết nối liên thông tích hợp, chia sẻ dữ liệu, triển khai còn chậm. Các nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu điện tử tại các bộ, ngành địa phương chưa hoàn thành. Các cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp, tài chính chưa được hoàn thiện. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành không đồng bộ và thiếu sự tương thích.

Ngoài ra, tình trạng người người chỉ đạo, ngành ngành làm dự án đầu tư công nghệ thông tin làm các cơ sở dữ liệu khác nhau mà chưa có sự thống nhất. Ngay trong báo cáo kinh tế xã hội mà Chính phủ trình kỳ này thì nội dung xây dựng Chính phủ điện tử lại đề cập rất mờ nhạt và chung chung.

Bà Hà Thị Lan đưa ra 3 giải pháp. Thứ nhất, cần có sự điều chỉnh cách tiếp cận trong việc xây dựng Chính phủ điện tử từ chỉ quan tâm yếu tố kỹ thuật sang quan tâm kết hợp cả yếu tố văn hóa.

Thứ hai, cần có sự chỉ đạo thống nhất trong việc thực hiện các dự án đầu tư công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu.

Cuối cùng là yếu tố con người. Bà Lan khẳng định ý thức trách nhiệm, quyết tâm chính trị và trình độ sử dụng đóng vai trò quan trọng.

14:56 30/05

Thực trạng của Luật Quy hoạch đang đe dọa nền kinh tế phát triển của đất nước

Ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Bình, nhắc lại phương châm 10 chữ của Chính phủ và ghi nhận việc xử lý tham nhũng, phòng chống tội phạm ma túy thời gian qua.

Lĩnh vực tài chính cũng được đánh giá ban hành nhiều văn bản thắt chặt chi tiêu, giảm nợ công.

Để có sự đồng nhất, tạo đà bứt phá, vị đại biểu tỉnh Quảng Bình đề nghị Quốc hội khắc phục vấn đề nóng liên quan đến Luật Quy hoạch (có hiệu lực từ tháng 1/2019). Bất cập được ông Phương chỉ ra là tất cả dự án đều tạm dừng vì sự bất cập của luật.

“Luật Quy hoạch là công cụ quan trọng giúp cho Nhà nước trong định hướng chính sách nhưng để có hiệu lực cần loại bỏ quy hoạch chồng chéo”, ông Phương nhấn mạnh.

Theo ông, thực trạng hiện nay của Luật Quy hoạch đang đe dọa nền kinh tế phát triển của đất nước, nếu không sớm xử lý thì tất cả đều trì trệ, không tháo gỡ được khó khăn. Từ thực tế vừa phân tích, vị đại biểu này đề nghị sớm xử lý dứt điểm bất cập liên quan đến văn bản luật này.

15:19 30/05

Quản lý ngân sách còn nhiều bất cập

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Hùng của tỉnh Thái Nguyên nhận định về thu ngân sách năm 2018, tuy nhà nước thu vượt kế hoạch khoảng 8% nhưng nền kinh tế ở 3 khu vực quan trọng là doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI đều không đạt dự toán. Đây là thách thức cho việc duy trì ổn định nguồn thu, cần được đánh giá cụ thể và đề ra giải pháp.

Ngoài ra, về chi ngân sách cho đầu tư phát triển, mặc dù chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt giải ngân các khoản vốn, đầu tư công nhưng tiến độ giải ngân đầu tư công vẫn còn rất chậm, tỷ lệ giải ngân vốn trong nước đạt 73,8%, vốn trái phiếu chính phủ chỉ đạt 48,1%, vốn nước ngoài đạt 53,6% dẫn đến nguồn lực đầu tư công tồn dư lớn, trên 93 nghìn tỷ đồng. Điều đó cho thấy hiệu quả sử dụng vốn thấp trong khi chúng ta đang rất cần vốn để đầu tư các dự án nhưng khi vốn về lại không được đưa vào sử dụng, gây áp lực cho việc phát triển kinh tế của các năm sau.

Chính vì vậy đại biểu này đề nghị Chính phủ phân tích, đánh giá và đề ra những giải pháp hỗ trợ kinh doanh ở ba khu vực kinh tế quan trọng, tạo động lực phát triển bứt phá, ổn định nguồn thu cho năm 2019 và các năm sau, đồng thời có giải pháp khắc phục vấn đề chậm giải ngân.

15:23 30/05

Vay ngoại tệ với lãi cao dù vàng và ngoại tệ trong dân rất lớn

Đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) cho rằng chính sách điều hành tiền tệ của Chính phủ chia làm 2 giai đoạn có sự khác biệt rõ rệt. Ở giai đoạn đầu tiên, lạm phát tăng phi mã, nợ xấu tăng chóng mặt, nợ công tăng đột biến. Yếu kém trong điều hành chính sách tiền tệ của Chính phủ giai đoạn này thể hiện qua 3 mặt: tín dụng, thành lập hàng loạt tổ chức tín dụng trong thời gian ngắn, điều hành chính sách tiền tệ.

Giai đoạn hiện nay, kinh tế vĩ mô ổn định và phát triển, lạm phát được kiềm chế. Đại biểu tỉnh Nam Định khẳng định hiện điều hành chính sách tiền tệ của Chính phủ năng động, linh hoạt, đã tôn trọng quy luật thị trường và tương đối ăn khớp với một số chính sách kinh tế khác.

Tuy vậy, ông Chiểu cho rằng thời gian tới trong điều hành chính sách tiền tệ của Chính phủ cần tập trung vào 3 vấn đề. Thứ nhất, sớm và nhanh chóng giảm lãi suất cho vay. Ông chỉ ra trong khi lãi suất của Việt Nam cao, dư địa giảm lãi suất vẫn còn. Lãi suất cao làm cản trở cho giảm giá thành sản phẩm, chi phí xã hội và giảm cạnh tranh của nền kinh tế.

Thứ hai, Chính phủ cần sớm có giải pháp huy động nguồn ngoại tệ và vàng trong dân, phục vụ cho nền kinh tế hàng năm. Ông Chiểu nêu thực trạng Việt Nam phải vay ngoại tệ ở nước ngoài nhiều tỷ USD để bù đắp bội chi và trả nợ gốc, với lãi suất trên 6%, trong khi lượng vàng và ngoại tệ trong dân lại rất lớn.

Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước cần xem lại một số nội dung như hạn chế các phương thức giải ngân, hay mỗi người chỉ được mở một ví điện tử tại một tổ chức cung ứng dịch vụ hoặc không được giao dịch quá 20 triệu đồng/ngày, hoặc người tiêu dùng phải thực hiện khai báo lại.

15:47 30/05

Làm thầy mà không dám phạt học trò của mình theo đúng nghĩa “thương cho roi cho vọt”

Nhắc đến những vấn đề còn tồn tại của ngành giáo dục, đại biểu Cà Mau Thái Trường Giang chỉ ra mối quan hệ thầy trò ngày càng lỏng lẻo, đạo đức xã hội suy giảm. Những sự việc xảy ra trên khắp cả nước hiện nay chỉ là những hạt sạn trong mối quan hệ cao quý giữa bao đời nay giữa thầy và trò nhưng nó là hồi chuông cảnh báo.

“Nếu như trước kia thầy cô có thể phạt học sinh quỳ gối, úp mặt vào tường khi vi phạm nội quy, những hình phạt đó giúp cho học trò ngoan hơn, nên người hơn thì ngày nay, làm thầy, làm cô mà không dám cư xử với học trò của mình theo đúng nghĩa thương cho roi cho vọt", đại biểu Giang bình luận.

Về bê bối của kỳ thi THPTQG 2018, ông cho rằng nó đã cho thấy gian lận thi cử không phải những trường hợp nhỏ lẻ mà có quy mô tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều địa phương do những người có chức quyền và tiền trong và ngoài ngành giáo dục thực hiện.

“Hành động gian lận trong kỳ thi THPTQG 2018 là hành vi ăn cướp, là vô liêm sỉ vì đã đánh mất cơ hội, cướp mất tương lai của các cháu học thật, thi thật. Gian lận thi cử đang làm băng hoại nền tảng xã hội, nền giáo dục của nước nhà”, đại biểu đến từ Cà Mau khẳng định.

Đại biểu Thái Trường Giang mong muốn Bộ GD&ĐT và Chính phủ cần nhìn thẳng vào vấn đề, có những biện pháp cứng rắn hơn nữa để cứu vãn ngành giáo dục một cách kịp thời.

15:48 30/05

Xem xét lại cơ chế phân bổ vốn đầu tư công

Theo đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn), vùng dân tộc thiểu số vẫn khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực thấp, điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản thấp, tỷ lệ nghèo cao, dân tộc thiểu số chỉ chiếm chưa đến 15% dân số cả nước nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới gần 53% hộ nghèo cả nước.

Ngoài ra, chênh lệch hộ nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, thu nhập bình quân đầu người của người dân tộc thiểu số chỉ bằng 30% bình quân chung của cả nước. Nền kinh tế của bà con đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu là nông, lâm, ngư nghiệp nên phụ thuộc nhiều vào khí hậu, thời tiết, khó thu hút các nguồn lực đầu tư kinh tế - xã hội.

Đại biểu đề xuất Quốc hội, Chính phủ cần có giải pháp đột phá với nguồn lực đủ mạnh, xem xét điều chỉnh những bất cập trong phân bổ vốn đầu tư công. Chính phủ cần đầu tư cho các dự án giao thông đầu mối, liên tỉnh, liên vùng cho các địa phương khó khăn, vùng sâu vùng xa.

15:49 30/05

Nước thải sinh hoạt khu đô thị gây nhức nhối

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Long An) chia sẻ kế hoạch 5 năm hiện đề ra 4 chỉ tiêu, trong đó bao gồm 2 chỉ tiêu môi trường. Theo đó, tỷ lệ khu công nghiệp có hệ thống nước thải tập trung, đạt tiêu chuẩn và tỷ lệ che phủ rừng là yếu tố được chú trọng.

Tuy nhiên, đại biểu Long An băn khoăn những chỉ tiêu môi trường trên chưa phản ánh được bức tranh bảo vệ môi trường và cũng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn về công tác bảo vệ môi trường đặt ra.

Cụ thể, thời gian qua có rất nhiều kiến nghị với ngành Tài nguyên và Môi trường liên quan trực tiếp đến đời sống khu dân cư và nhiều vấn đề môi trường cốt lõi khác. Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đánh giá hệ thống chỉ tiêu môi trường hiện nay cần loại bỏ những chỉ tiêu không khả thi. Ông cũng kiến nghị cần lượng hóa con số, có phương pháp đo lường phù hợp đối với lượng rác thải chon lấp, ô nhiễm không khí để tăng tính khả thi.

Ngoài ra, ông Tuấn chỉ ra vấn đề nhức nhối là nước thải sinh hoạt tại các đô thị, khu chung cư chưa được xử lý, xả thẳng ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước bề mặt. Ông đề nghị sớm áp dụng chỉ tiêu tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý trong hệ thống các chỉ tiêu hàng năm.

16:01 30/05

Phòng chống thông tin độc hại trên không gian mạng

Đại biểu Trương Anh Tuấn (Nam Định) nhấn mạnh thực tế ở Việt Nam đang có khoảng 60 triệu người sử dụng Internet và đề cập những nguy hại mà môi trường không gian mạng có thể gây ra.

“Internet là một con dao sắc, nếu không được quản lý tốt sẽ trở thành công cụ gây hại cho cá nhân, xã hội. Có người bị xâm hại, bôi nhọ, bị lừa đảo trên không gian mạng. Có những người bị trầm cảm, hay tự tìm đến cái chết vì danh dự bị xúc phạm trên không gian mạng”, ông Tuấn phát biểu.

Đại biểu tỉnh Nam Định cho rằng có nhiều người vì không nắm được các quy định của pháp luật nên lỡ đăng tin, lỡ chia sẻ những thông tin thất thiệt, xấu độc trên mạng. Cũng có nhiều đối tượng cố tình tung tin giả, nhằm bóp méo sự thật, bôi nhọ người khác nhằm động cơ vụ lợi, mục đích xấu.

Ông nhận định vì sự lành mạnh, an toàn của không gian mạng, việc bảo vệ người dân trước thông tin xấu, tin độc hại là rất cần thiết. Đại diện cử tri tỉnh Nam Định đề nghị Nhà nước cần phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc quản lý và xử lý các vi phạm trên không gian mạng.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyền truyền giáo dục về nghĩa vụ của công dân khi tham gia mạng xã hội, giúp mọi người nhận thức rõ quyền, trách nhiệm của mình khi truy cập Internet.

16:05 30/05

Sáp nhập nhiều huyện, xã, sở, ngành

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân báo cáo giải trình 2 nội dung về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và sắp xếp cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện.

Để thực hiện Nghị quyết 18 của Hội nghị Trung ương 6, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết số 653. Hai ngày sau, Chính phủ ban hành Nghị quyết 32 quy định một số nội dung kế hoạch sắp xếp bộ máy tổ chức cơ quan hành chính cấp huyện, cấp xã. Tiếp đó, Bộ Nội vụ ban hành văn bản 1211 hướng dẫn mẫu hồ sơ sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

“Như vậy, để thực hiện việc này đã có 4 nghị quyết của Trung ương và văn bản của Bộ Nội vụ. Đến nay, các văn bản pháp luật đã đầy đủ”, ông Tân nói.

Mục tiêu việc việc sáp nhập huyện, xã, theo người đứng đầu Bộ Nội vụ là nhằm tổ chức hợp lý các đơn vị cho phù hợp với thực tiễn và xu thể phát triển của đất nước, bộ máy hiệu lực, hiệu quả sẽ góp phần phát huy mọi nguồn lực phát triển kinh tế xã hội, tinh giản biên chế, thực hiện chính sách tiền ương mới vào 2021.

“Phải đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ, thực hiện cần giai đoạn, mỗi giai đoạn có trọng tâm, có cách làm thận trọng phù hợp, nơi nào rõ làm trước, không phải sắp xếp bằng mọi giá gây xáo trộn lớn, làm mất ổn định xã hội”, Bộ trưởng Nội vụ lưu ý.

16:08 30/05

Khó khăn trong phát triển kinh tế tư nhân

Đại biểu Nguyễn Tạo (tỉnh Lâm Đồng) bày tỏ quan ngại với nhiều rao cản trong thủ tục hành chính, tồn tại, cùng với đó là thiếu cơ chế chính sách đồng bộ trong thu hút đầu tư theo hình thức PPP.

Về Luật Đầu tư công, ông Tạo cho rằng dự luật chưa thực sự tạo ra tư duy mới trong việc phân bổ nguồn vốn, mang lại hiệu quả thật sự cho đầu tư công.

“Câu chuyện sân bay Vân Đồn đầu tư xây dựng chưa đầy 2 năm, Nhà nước làm dự án Sân bay Long Thành từ đầu nhiệm kỳ từ 2016 đến nay, vẫn ỳ ạch ở giai đoạn giải phóng mặt bằng. Chúng ta cần so sánh, phân tích để tìm ra điểm bất cập”, đại biểu tỉnh Lâm Đồng phát biểu.

Ngoài ra, đại biểu cũng chỉ ra cơ chế, chính sách thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong đó có hình thức BT hay BOT phát sinh nhiều bất cập, gây bất an cho nhà đầu tư, tạo dư luận bất an trong tâm lý xã hội.

16:27 30/05

Phát triển văn hóa xã hội chưa cân đối với kinh tế

Theo đại biểu Đặng Hoài Tân (Bình Định), tình hình đạo đức xã hội, mối quan hệ gia đình xã hội, hành vi ứng xử đang nổi lên nhiều vấn đề. Cụ thể, tình hình bạo lực gia đình, xâm hại sức khỏe và tính mạng người khác bao gồm cả người thân, xâm hại trẻ em, bạo lực học đường vẫn liên tục diễn ra.

Bên cạnh đó, hoạt động tâm linh vượt quá giới hạn trong giáo lý, giáo luật của tôn giáo, trật tự xã hội tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, tội phạm ngày càng tăng về tính chất nguy hiểm và phức tạp, hậu quả khó lường. Theo đại biểu, dẫn đến tình trạng này, bên cạnh những nguyên nhân Chính phủ đưa ra trước đó còn do sự đầu tư giữa phát triển văn hóa trong mối tương quan biện chứng với kinh tế chưa được cân đối, thậm chí có biểu hiện chủ quan, coi nhẹ.

Đồng thời, công tác tuyên truyền của Nhà nước còn hạn chế dẫn đến ý thức chấp hành của người dân không được cao, quá trình thực thi công vụ của một bộ phận công chức, viên chức chưa nghiêm, xử lý vi phạm và chế tài với một số trường hợp chưa đủ nghiêm, thiếu sức răn đe.

Từ đó, ông Đặng Hoài Tân đề nghị tăng cường đầu tư cho văn hóa, chú ý xây dựng các thiết chế văn hóa, nâng cao các phong trào văn hóa, nếp sống văn hóa trong cộng đồng, tiếp tục đầu tư và nâng cao chất lượng của công tác tuyên truyền cho người dân. Ngoài ra, ông cũng mong muốn Chính phủ sớm đẩy mạnh lộ trình thực hiện công an xã chính quy theo lộ trình của Quốc hội đã thông qua.

16:45 30/05

Bao giờ ĐBSCL mới có đường cao tốc?

Đó là câu hỏi đại biểu Nguyễn Thanh Thủy đến từ Hậu Giang đưa ra trong khi nói về những khó khăn trong việc phát triển kinh tế của khu vực ĐBSCL nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng.

Cụ thể, bà Thủy cho biết sản phẩm nông nghiệp của khu vực ĐBSCL khó có thể cạnh tranh trên thị trường do chi phí sản xuất cao, nhất là khâu lưu thông, vận chuyển hết sức khó khăn. Hệ thống đường sắt, đường thủy, đường bộ của khu vực chưa được quan tâm đúng mức hoặc chỉ được phẩn bổ mức đầu tư một cách nhỏ giọt, nếu không muốn nói là ĐBSCL đang bị bỏ rơi.

Từ bao đời nay, từ mũi Cà Mau đến TP.HCM chỉ có một con đường giao thông độc đạo là quốc lộ 1, không biết đến bao giờ mới có đường cao tốc hoặc một con đường quốc lộ mới để giảm ác tắc giao thông và lưu thông hàng hóa cho ĐBSCL.

Đại biểu của đoàn Hậu Giang đã chỉ ra điều đáng buồn và lo ngại hơn là tại kỳ họp này, Chính phủ đã có tờ trình Quốc hội về dự kiến phân bổ nguồn vốn dự phòng đầu tư công trung hạn của quốc gia giai đoạn 2016-2020. Trong nguồn vốn 10.000 tỷ đồng, Chính phủ đã mạnh tay đề xuất dành 4.067 tỷ đồng, chiếm hơn 40% tổng nguồn vốn để ưu tiên đầu tư giải phóng mặt bằng đường bộ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Như vậy hàng triệu người dân đang chịu tác động của biến đổi khí hậu của cả nước chỉ được phân bổ ngân sách là 4.800 tỷ đồng, trong đó 13 tỉnh ĐBSCL được dự kiến phân bổ chỉ vỏn vẹn 1.000 tỷ đồng.

Trước những bất cập đó, đại biểu yêu cầu Chính phủ và Quốc hội sớm điều chỉnh những điểm bất hợp lý trong phân bổ ngân sách đầu tư, nhất là đầu tư công ở ĐBSCL để tạo điều kiện phát triển vùng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân một cách thiết thực hơn.

17:09 30/05

Nhiều khoản thu không phải là khoản thu thực sự của năm tài chính

Đại biểu Mai Sỹ Diến tỉnh Thanh Hóa cho biết đang có những khó khăn nhất định đối với nền kinh tế nước ta, như tình trạng dịch tả lợn châu Phi, giá xăng dầu tăng, giá điện tăng ảnh hưởng và gây khó khăn đối với sản xuất kinh doanh và đời sống dân sinh.

Ông tỏ ra băn khoăn trước việc thu ngân sách nhà nước lại tăng cao và vượt quá khoảng 8% so với dự toán Quốc hội.

Ông thông tin có nhiều khoản thu không ổn định và không phải là khoản thu thực sự của năm tài chính.

Đại biểu tỉnh Thanh Hóa đề nghị Chính phủ chỉ đạo, đánh giá một cách chính xác để có căn cứ vững chắc điều hành thực hiện dự toán ngân sách nhà nước đúng quy định của pháp luật và nghị quyết của Quốc hội.

Thứ hai, ông Diến chỉ ra số thu ngân sách nhà nước từ lĩnh vực sản xuất kinh doanh đều giảm so với báo cáo của Quốc hội.

“Kinh tế xã hội thì tăng trưởng nhưng nguồn thu này lại giảm xuống, đó là biểu hiện của thu ngân sách không bền vững và có sự không công bằng giữa khu vực kinh tế”, đại biểu này nói.

Thứ ba, ông Diến cho rằng cần cân nhắc trong việc lấy kết quả của việc phân bổ dự toán năm trước làm căn cứ để xây dựng và phân bổ dự toán năm sau. Theo vị này, kết quả thực hiện năm trước chưa chính xác nhưng không phát hiện ra, khi trở thành căn cứ để xây dựng dự toán năm sau thì kết quả dự toán năm sau lại sẽ không chính xác.

Cuối cùng, đại biểu Mai Sỹ Diến nhấn mạnh việc chấp hành Nghị quyết của Quốc hội và pháp luật về tài chính ngân sách, phải được thực hiện nghiêm minh từ Trung ương đến địa phương.

Nhóm phóng viên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/bao-gio-dong-bang-song-cuu-long-moi-co-cao-toc-post951591.html