'Bão' giá vật liệu xây dựng, áp lực người xây nhà

Xây nhà vốn là việc quan trọng trong đời người. Đối với nhiều gia đình, để có căn nhà khang trang, ổn định cuộc sống là việc họ phải chuẩn bị từ rất lâu để dành dụm đủ tiền trang trải các chi phí trong quá trình xây dựng. Tuy nhiên, xây nhà trong điều kiện giá vật liệu xây dựng (VLXD) 'leo thang' như hiện nay, đang khiến nhiều gia đình thêm áp lực vì đã ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính.

Vật liệu xây dựng đồng loạt tăng giá, người dân xây dựng các công trình nhà ở dân sinh chịu nhiều áp lực. Trong ảnh: Công trình nhà ở đang xây dựng tại xã Hoằng Thành (Hoằng Hóa).

Anh Nguyễn Đình Hùng, chị Lê Thị Trang là đôi vợ chồng trẻ thuộc thế hệ 9x, sinh sống ở xã Hoằng Châu (Hoằng Hóa). Vợ làm công nhân, chồng lao động tự do làm nhiều ngành nghề khác nhau. Hai vợ chồng siêng năng, chịu khó, dành dụm trong thời gian dài cũng có một khoản tiền kha khá và khởi công làm nhà ở cách đây 2 tháng. Với dự kiến xây căn nhà 2 tầng, bố trí đủ phòng khách, bếp và 3 phòng ngủ cho các thành viên trong gia đình, kinh phí ước tính ban đầu gần 800 triệu đồng. Tuy nhiên, khởi công xây dựng ở thời điểm giá các loại VLXD tăng cao, giá công thợ cũng ở mức cao, nên chi phí bị phát sinh nằm ngoài những tính toán, dự trù ban đầu. Anh Hùng cho biết: Từ khi khởi công nhà tới nay, anh liên tục nhận được tin báo của các đại lý về việc VLXD tăng giá. Gạch, xi măng, thép... tất cả đều tăng, cái thì tăng ít, cái thì tăng nhiều, nếu cứ đà này, chi phí xây nhà anh cũng “đội” lên so với dự kiến khoảng 120 - 150 triệu đồng. Anh đang phải dè dặt, cân đối, cắt giảm các chi phí trang thiết bị trong phần hoàn thiện để có thể tiết kiệm hơn, thậm chí có thể phải vay mượn thêm anh em, bạn bè hoặc vay lãi, có như vậy, khoảng giữa năm mới có thể làm xong căn nhà để ở.

Tương tự, gia đình anh Lê Văn Trung, đang làm nhà ở tại phố Bà Triệu, phường Trường Thi (TP Thanh Hóa), chia sẻ: Nhà anh chọn phương thức tự mua vật tư, VLXD và khoán công đội thợ xây nhà nên khá hồi hộp trước những biến động về giá VLXD. Đợt đầu tháng 2, cũng lường trước được tình hình sắt thép lên cao nên gia đình anh đã đặt trước 200 triệu đồng để mua sắt thép, cũng giảm được một khoản “đội” giá. Tuy nhiên, các VLXD thô đến hoàn thiện đều “nhích” giá như hiện nay khiến nhiều hộ xây dựng nhà ở như gia đình anh không tránh khỏi lo lắng, áp lực về tiền bạc vì chi phí phát sinh nhiều quá.

Ghi nhận tại một số cửa hàng VLXD tại TP Thanh Hóa và một số huyện, hầu hết các cửa hàng đều cho biết: Chưa bao giờ các loại giá VLXD lại tăng nhiều như vậy trong suốt nhiều năm qua. Chỉ tính từ đầu tháng 3 đến đầu tháng 4, giá thép tiếp tục có thêm 2 lần điều chỉnh tăng, thêm khoảng 10.000 đồng/cây (giá thép dao động ở mức trên dưới 110.000 đồng/cây D10 tùy nhãn hiệu). Các mặt hàng VLXD khác, như xi măng, cát, đá, gạch cũng đồng loạt tăng giá. Xi măng tăng thêm khoảng 100.000 đồng/tấn; cát xây dựng tăng từ 30.000 - 40.000 đồng/m3; gạch tuynel thời điểm trước tết có giá 900 đồng/viên thì nay lên mức 950 - 980 đồng/viên... Giá VLXD tăng cao liên tiếp không chỉ tác động trực tiếp tới các công trình dân sinh, khiến người dân xây nhà cũng như các nhà thầu xây dựng đều khốn đốn, khó khăn mà các đơn vị phân phối VLXD cũng không mấy thuận lợi.

Anh Nguyễn Đình Chiến – một người chuyên làm nghề phân phối VLXD cho các công trình dân dụng trên địa bàn huyện Hoằng Hóa, cho biết: “Trong những tháng qua, chúng tôi đều nhận được thông báo tăng giá từ các đại lý cung cấp các loại VLXD. Không chỉ riêng giá sắt thép tăng “phi mã” từ năm ngoái đến nay mà các mặt hàng VLXD khác như xi măng, cát, đá, gạch... đều bắt đầu “nhích” giá theo từng tuần, có loại tăng khá cao khiến nhiều hộ đang xây nhà ở phải “choáng” vì chi phí xây dựng “đội” lên quá nhiều... Giá VLXD ở mức cao, khiến cho công việc trung gian phân phối bị ảnh hưởng không nhỏ, thu nhập không đáng kể khi phải chia sẻ, cắt thêm phần trăm cho khách, thậm chí chỉ lấy công vận chuyển để giữ mối, giữ uy tín và tạo điều kiện cho khách hàng thân quen. Chúng tôi đang hy vọng, giá xăng giảm thì các mặt hàng VLXD sẽ dần được điều chỉnh xuống, để ổn định thị trường VLXD, đáp ứng nhu cầu của người xây nhà ở dân sinh”.

Chi phí VLXD chiếm tỷ lệ cao trong dự toán xây dựng công trình. Vì thế, khi VLXD đồng loạt tăng giá, những người dân xây dựng các công trình nhà ở dân sinh là đối tượng chịu tác động lớn. Thị trường VLXD tăng giá do nhiều yếu tố khách quan, tuy nhiên để hạn chế những tác động tiêu cực, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh cần thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường để kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá VLXD, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp với mặt bằng giá thị trường, tránh các hiện tượng “đầu cơ, thổi giá”. Đồng thời, tăng cường, nâng cao chất lượng công tác dự báo về khả năng cung - cầu, khắc phục các trường hợp thiếu hụt nguồn cung trên địa bàn, tránh tình trạng lợi dụng khả năng cung – cầu để tăng giá, trục lợi...

Bài và ảnh: Việt Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doc-gia/bao-gia-vat-lieu-xay-dung-ap-luc-nguoi-xay-nha/156536.htm