Bão giá nguyên vật liệu: 'các nhà thầu không thể mang tiền nhà đi bù giá'

Theo đại diện Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam, tình trạng giá nguyên vật liệu tăng cao trong thời gian qua đã ảnh hưởng nặng nề đến các nhà thầu xây dựng, nhiều nhà thầu không đủ nguồn vốn duy trì.

Ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam chia sẻ: "Chủ trương của Nhà nước là tập trung phát triển hệ thống giao thông đường bộ, nổi bật nhất là yêu cầu đến năm 2030 hoàn thành 5000km đường bộ. Tuy nhiên thời gian qua, trong quá trình thực hiện, bất kỳ công trình xây dựng nào cũng gặp rất nhiều khó khăn".

Tại tọa đàm: Giải pháp giúp nhà thầu giao thông vượt “bão giá” do báo Giao Thông tổ chức ngày 12/8, ông Chủng phát biểu: "Nhưng khó khăn lớn nhất, ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ, chất lượng công trình, mục tiêu cam kết chính là vật liệu xây dựng. Nếu như không kiểm soát tốt giá vật liệu xây dựng sẽ ảnh hưởng đến phương án tài chính của nhà thầu".

Lo lắng về việc bão giá sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng của công trình, ông Chửng chia sẻ: "Ở đâu có ép giá thì chắc chắn sẽ dẫn đến ép về chất lượng...Vừa rồi có một số vụ vi phạm chất lượng, chúng ta đã rất vất vả để giám sát. Nhưng với công trình xây dựng, không chỉ mong chờ chuyện bắt lỗi công trình để tìm nguyên nhân mà quan trọng nhất là phải phòng ngừa. Một trong những biện pháp phòng ngừa tốt nhất là kiểm soát chất lượng đầu vào".

"Nguyên vật liệu là đầu vào, là yếu tố mang tính quyết định. Nếu chất lượng không được lựa chọn, giá cả không thích hợp thì các nhà thầu không thể mang tiền nhà đi để bù giá".

"Nguyên vật liệu là đầu vào, là yếu tố mang tính quyết định. Nếu chất lượng không được lựa chọn, giá cả không thích hợp thì các nhà thầu không thể mang tiền nhà đi để bù giá".

Ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam

Hiệp hội này cho rằng một số công trình vừa qua chậm tiến độ là do phương án điều chỉnh giá của các địa phương chưa kịp thời dẫn đến sự chậm trễ.

"Cũng phải nhận định lại điều chỉnh giá là do các địa phương điều chỉnh nhưng các địa phương có rất nhiều dạng công trình, không chỉ là công trình cao tốc. Trong khi, năng lực của các bộ phận đảm nhiệm vai trò này lại chưa đủ do đó không đảm bảo thời gian yêu cầu", Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông nêu quan điểm.

Hiệp hội này vào tháng 7/2022 đã có văn bản chính thức, phản ánh tình trạng tới Thủ tướng Chính phủ đồng thời quyết tâm thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng là việc nào làm được thì phải tháo gỡ ngay, chứ không đùn đẩy trách nhiệm.

Giá nguyên vật liệu giảm rất khó

Từ thực tiễn của một nhà thầu xây dựng, ông Lê Đức Thọ, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Cienco4 cho biết kỳ vọng giảm giá nguyên vật liệu là rất khó. Tuy nhiên, trước tình hình đó, Chính phủ cũng đã có những biện pháp rất kịp thời.

"Thời gian vừa qua, giá nhiên liệu liên tục có 3 đợt giảm sâu, việc này rất kịp thời và có tác động rất lớn cho nhà thầu, tạo niềm tin và hi vọng về sự điều hành của Chính phủ, hi vọng về việc giá vật tư, vật liệu nhờ giá nhiên liệu giảm mà cũng sẽ đỡ áp lực hơn", ông Lê Đức Thọ chia sẻ.

Dù vậy thì giá nhiên vật liệu vẫn chưa giảm so với kỳ vọng của doanh nghiệp, ông Thọ cho biết hôm qua 11/8, đơn vị này còn phải ký hợp đồng tăng giá vật liệu vì khan hiếm vật liệu.

"Trong tình hình khan hiếm nguyên vật liệu, vật liệu là nguồn tài nguyên của đất nước lại giao cho một số chủ mỏ. Nếu giai đoạn 2 cao tốc Bắc - Nam không có cách làm tốt sẽ bị vỡ trận. Rất may là thời gian vừa qua đã có chỉ đạo quyết liệt, một số mỏ đã cấp cho một số nhà thầu nhưng thực tế vẫn chưa khai thác được"

Ông Lê Đức Thọ, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Cienco4

"Về thủ tục để được khai thác một mỏ vật liệu mất cả 1 năm trời. Trong khi đó, thời gian để thi công dự án cao tốc Bắc - Nam chỉ hơn 2 năm, thời gian cấp phép mỏ dài như thế sẽ là khó khăn cho các nhà thầu", ông Thọ trăn trở.

Từ những thực trạng trên, với tư cách là nhà thầu tham gia dự án, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Cienco4 cho biết ông mong muốn Chính phủ sẽ có những biện pháp tháo gỡ quyết liệt, bảo vệ quyền lợi cho nhà thầu.

Tại cuộc họp sáng 10/8, chủ trì hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải với 33 địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu phải nâng cao hơn nữa, phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm, tuân thủ quy định trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, thực hiện các công việc một cách chủ động, tích cực, quyết tâm cao, nỗ lực lớn.

Từ kinh nghiệm trực tiếp chỉ đạo xây dựng cao tốc ở địa phương, Thủ tướng cho rằng, làm việc gì cũng có lúc khó khăn, có lúc thuận lợi, các bên phải hợp tác trên tinh thần "lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ", nếu lúc khó khăn không chia sẻ được thì chúng ta cũng không thể làm được những lúc thuận lợi. Mặt khác, các cơ quan Nhà nước cũng phải linh hoạt, nhanh chóng thích ứng, nỗ lực đáp ứng trong khả năng cho phép để các doanh nghiệp có điều kiện làm tốt hơn.

Thảo Ngân

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/bao-gia-nguyen-vat-lieu-cac-nha-thau-khong-the-mang-tien-nha-di-bu-gia-post9899.html