Bảo dưỡng ô tô cận Tết: Làm sao để không bị chặt chém, luộc đồ?

Dạo qua các gara, trung tâm chăm sóc ô tô cận Tết không khó để nhận ra cảnh nhộp nhịp, chật kín xe đến tút tát, bảo dưỡng.

Khách hàng nên đưa xe tới các cơ sở sửa chữa uy tín để tránh bị “luộc đồ” - Ảnh: Tùng Lê

Khách hàng nên đưa xe tới các cơ sở sửa chữa uy tín để tránh bị “luộc đồ” - Ảnh: Tùng Lê

Dạo qua các gara, trung tâm chăm sóc ô tô cận Tết không khó để nhận ra cảnh nhộp nhịp, chật kín xe đến tút tát, bảo dưỡng. Khi khách hàng càng đông thì cũng là lúc chủ xe cần chú ý để tránh bị chặt chém, làm ẩu, đánh tráo phụ tùng.

Xếp hàng đặt lịch vì quá đông

Sáng 23/1 có mặt tại Trung tâm chăm sóc xe hơi Việt Đức Autospa (87 Nguyễn Thị Định, Cầu Giấy, Hà Nội), PV ghi nhận khung cảnh xe chờ làm dịch vụ chật kín. Ông Lê Đăng Doanh (Thanh Xuân, Hà Nội), chủ chiếc xe Toyota Land Cruiser BKS 30E-876.35 vừa bàn giao xe cho trung tâm này chia sẻ, năm nào vào dịp gần Tết cũng mang xe đi tút tát, sửa chữa. “Chỗ nào xước nhiều thì sơn lại, xước ít chỉ cần đánh bóng. Vì biết dịp này đông khách nên tôi đã phải đặt lịch làm sơn trước cả tuần”, ông Doanh cho hay.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, anh Lê Đức Nguyên, Giám đốc Việt Đức Autospa cho biết: “Nhiều khách hàng do không xếp lịch nên có khi mang xe đến rồi lại phải mang về do quá đông. Trong tháng cận Tết này, lượng xe tới làm dịch vụ tăng gấp đôi so với tháng trước. Nhân viên nhiều lúc còn phải làm thêm giờ. Ví dụ như trước đây, vài ngày mới có 2 - 3 xe phủ Ceramic nhưng 10 ngày nay đã có tới hơn 10 xe tới làm dịch vụ này”,.

Anh Phạm Trung Tiến, Giám đốc hệ thống sửa chữa ô tô Vietvoz (Hà Nội) khuyên: “Để tránh chặt chém hoặc bị tính phí trên trời khách hàng nên tham khảo biểu giá và thống nhất với gara trước. Như ở Vietvoz thì chúng tôi sẽ in báo giá tạm tính để khách hàng có thể đối chiếu. Các chi phí phát sinh phải được thông báo cho khách hàng và được khách hàng đồng ý”.

Vào dịp giáp Tết, dịch vụ sơn xe, dọn nội thất tổng thể, đánh bóng và phủ Ceramic là những hạng mục đắt khách nhất. Theo anh Nguyên, giá sơn xe tại trung tâm của anh thông thường khoảng 600.000 - 700.000 đồng cho một chi tiết. Chi tiết lớn hơn, tiền sơn sẽ nhiều hơn. Đắt nhất là sơn phần nắp capo, thường có giá từ 1,6 - 2 triệu đồng tùy từng loại xe.

Anh Nguyễn Huy Hoàng, chủ gara Thái Hoàng (Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội) cho hay: “Hiện các gara cạnh tranh khá mạnh nên sẽ ít xưởng tăng giá các dịch vụ. Chỉ có phụ tùng đội giá đôi chút. Gara chúng tôi có cả phương án cho khách hàng tự gọi phụ tùng đến để thay thế và chỉ lấy công thay đồ. Kể cả sơn, khách hàng cũng có thể tự chọn loại sơn mình thích và chúng tôi chỉ thu tiền công dịch vụ”.

Không chỉ làm đẹp ô tô, dịch vụ bảo dưỡng xe cũng đang rất ăn nên làm ra trong dịp này. Kỹ sư Lê Văn Tạch, chủ gara ô tô Lê Văn Tạch (đường Trần Tử Bình, phường Phúc Thắng, TP Phúc Yên, Vĩnh Phúc) cho biết, lượng khách trong dịp gần Tết này tăng khoảng 30 - 40% so với bình thường. Hiện nay mỗi ngày trung bình có khoảng 4 - 5 xe nhưng cũng có ngày đỉnh điểm lên tới cả chục xe. Khách tới gara dịp này hầu hết đều bảo dưỡng tổng thể xe.

Anh Phan Việt Anh, nhân viên đại lý Toyota Long Biên (số 9 đường Nguyễn Văn Linh, Long Biên, Hà Nội) cũng cho biết, cuối năm, lượng khách hàng tới làm dịch vụ rất đông, đỉnh điểm có ngày lên tới 200 lượt xe ra vào làm dịch vụ trong khi ngày thường chỉ khoảng 100 lượt. Khách hàng chủ yếu mang xe tới để thay dầu, bảo dưỡng cấp nhỏ và sơn. Giá thay dầu tại hãng tùy từng xe có thể dao động từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng. Xe sơn cũng tương tự không cố định. Có xe chỉ sơn hết từ 5 - 6 triệu đồng nhưng cũng có xe sơn tới cả hơn chục triệu đồng. “Chi phí cao hơn nhưng nhiều người vẫn lựa chọn mang xe vào hãng để bảo dưỡng, sơn sửa bởi tại đây, chất lượng, tiêu chuẩn, phụ tùng được đảm bảo”, nhân viên Toyota Long Biên cho biết.

Gần Tết, trung tâm bảo hành bảo dưỡng, gara, chăm sóc xe đều đông khách - Ảnh: Tùng Lê

Làm sao để tránh bị chặt chém, luộc đồ?

Giám đốc Việt Đức Autospa khuyến cáo, do rất nhiều xe cùng đến làm dịch vụ dịp này nên có thể nhiều nơi cố ý làm qua loa, làm ẩu. Vì vậy, trước khi nhận xe, khách hàng nên kiểm tra thật kỹ các chi tiết sau khi được chăm sóc hay sơn sửa. Bên cạnh đó, việc tìm hiểu thông tin, khảo giá trước khi đưa xe đến cũng rất quan trọng bởi vẫn có nơi sử dụng đồ kém chất lượng khiến chiếc xe sau khi làm đẹp không được ưng ý hoặc chặt chém vô lý.

“Ví dụ trên thị trường hiện nay có rất nhiều thương hiệu phủ Ceramic nguồn gốc từ Trung Quốc, với giá phủ toàn bộ xe khoảng 3 triệu đồng. Tuy nhiên, thời gian bảo hành thường rất ngắn, từ 3 - 6 tháng. Còn những nơi sử dụng dung dịch phủ Ceramic của Nhật Bản hay Thổ Nhĩ Kỳ có giá cao hơn hẳn, từ 8 - 12 triệu đồng, thời gian bảo hành trong từ 1,5 - 2 năm”, anh Nguyên cho biết.

Đưa ra lời khuyên với khách hàng, kỹ sư Lê Văn Tạch cũng cho biết, hiện nay, các gara thường sử dụng rất nhiều loại phụ tùng khác nhau, có loại chuẩn cũng có loại không chuẩn và điều này khách hàng hầu như sẽ không thể nhận biết được. Vì vậy khách hàng nên đưa xe tới các cơ sở sửa chữa uy tín, biết rõ chủ gara, tay nghề thợ để tránh bị “luộc đồ”. Bên cạnh đó cần kiểm tra tình trạng xe, thỏa thuận rõ ràng các hạng mục bảo dưỡng cũng như giá cả. Với những nơi chuyên nghiệp, khách hàng sau khi bảo dưỡng xong có thể cảm nhận rất rõ được sự khác biệt.

Ngoài ra, trong dịp sát Tết này, để tránh bị chặt chém khi sửa chữa, bảo dưỡng xe, khách hàng cũng nên khảo giá phụ tùng thay thế khi được báo giá. “Phụ tùng có nhiều loại, nhiều hãng cũng như giá chênh nhau rất nhiều. Giá chỗ này cũng có thể khác chỗ kia. Nhưng nếu khảo sát phụ tùng cùng loại, cùng chất lượng mà giá chênh nhau nhiều, đó cũng là vấn đề”, kỹ sư Tạch chia sẻ.

Bên cạnh đó, nhiều người có kinh nghiệm sửa chữa, tân trang xe đều cho rằng chủ xe không nên làm các hạng mục lớn tốn nhiều thời gian và nhân công vào thời điểm cận Tết bởi khi đông khách thường các gara sẽ khó có thể làm cẩn thận. Ngoài ra đối với việc thay thế phụ tùng, khách hàng nên đảm bảo nguồn cung phụ tùng chất lượng. Nếu cần thay thế nhiều phụ tùng thì nên có mặt tại xưởng sửa chữa thời điểm thợ thay thế tránh gặp phải hiện tượng đánh tráo phụ tùng.

Tùng Lê - Hoàng Cường

Nguồn Xe Giao Thông: http://xe.baogiaothong.vn/bao-duong-o-to-can-tet-lam-sao-de-khong-bi-chat-chem-luoc-do-d408927.html