Báo Đức: Tàu ngầm Ba Lan nổi được là kỳ tích

Tuyên bố được tờ FAZ của Đức đưa ra khi nói về tình trạng tàu ngầm ORP Orze của Ba Lan cùng bức tâm thư thủy thủ con tàu này kêu cứu.

Hôm 27/5, thủy thủ đoàn của tàu ngầm ORP Orze lớp Kilo – chiếc tàu ngầm duy nhất trong Hải quân Ba Lan có thể hoạt động đã viết một bức thư nói rằng chiếc tàu là bẫy tử thần với những thủy thủ. Bức thư nhanh chóng khiến giới lãnh đạo quân sự Ba Lan quan tâm đến tình trạng kỹ thuật yếu kém của tàu ngầm ORP Orze.

Các binh sĩ tàu ngầm Ba Lan bày tỏ lo ngại về vụ chìm tàu ngầm KRI Nanggala-402 của Hải quân Indonesia đã làm cho toàn bộ 53 thành viên thủy thủ đoàn bị thiệt mạng.

Tàu ngầm ORP Orze của Ba Lan.

Tàu ngầm ORP Orze của Ba Lan.

"Chúng tôi, những thủy thủ thuộc thủy thủ đoàn của chiếc tàu ngầm cuối cùng của Hải quân Ba Lan – tàu ngầm ORP Orzeł, yêu cầu mọi người cùng công bố thông điệp này. Tính mạng của chúng tôi đang bị đe dọa", nội dung bức thư có đoạn viết.

ORP Orze là một tàu ngầm lớp Kilo do Liên Xô cũ chế tạo và được chuyển giao cho Ba Lan vào năm 1986. Theo dữ liệu, nó là tàu ngầm Kilo lâu đời nhất đang được biên chế trên thế giới.

Bức thư lưu ý rằng tàu ngầm ORP Orzeł từ lâu đã mất khả năng chiến đấu do các vấn đề với ống phóng ngư lôi. Thiết bị định vị, hệ thống cung cấp điện và sóng siêu âm liên tục bị lỗi. Vỏ tàu liên tục bị rò rỉ. Hơn nữa, trong một cuộc tập trận gần đây, tàu ngầm ORP Orzeł gặp khó khăn khi nổi lên do hư hỏng các thùng chứa đạn.

"Chỉ bởi một phép lạ mà không ai bị thương", các thủy thủ đoàn tàu ngầm ORP Orzeł nói trong bức thư. Đối với tất cả những rắc rối của họ, các thủy thủ Ba Lan đổ lỗi cho các quan chức Warsaw không đủ năng lực vì vậy đã để xảy ra tình trạng như vậy.

"Một chiếc tàu ngầm như vậy lẽ ra đã được xóa sổ từ lâu, nhưng như các thủy thủ lưu ý, mạng sống của họ đang bị hy sinh cho chiến dịch tiếp thị vô nghĩa của chính quyền Ba Lan", báo Đức bình luận về bức thư của các thủy thủ tàu ngầm ORP Orzeł.

Trước đây Ba Lan từng có nhiều kế hoạch hằm cải thiện sức mạnh của hạm đội ngầm như mua tàu ngầm mới từ Pháp, Thụy Điển và Đức. Đặc biệt, Ba Lan còn công bố kế hoạch hợp nhất với hợp nhất lực lượng tàu ngầm với Đức.

Theo Defense News, hồi giữa năm 2016, giới chức quân sự Đức và Ba Lan đã ký kết bản ghi nhớ về việc thành lập một trung tâm chỉ huy - vận hành tàu ngầm chung đặt tại TP.Glucksberg của Đức. Cơ quan này sẽ có quyền kiểm soát quy trình hoạt động của các hạm đội tàu ngầm hai nước.

Nội dung bản ghi nhớ cũng ghi rõ hải quân Ba Lan sẽ kết nối hạm đội tàu ngầm của mình với hệ thống kiểm soát hệ thống phát sóng tàu ngầm của quân đội Đức. Ngoài ra, 2 sĩ quan hải quân Ba Lan sẽ đồn trú thường trực tại Glucksberg.

"Việc trao quyền kiểm soát tài sản chiến lược quốc gia như tàu ngầm vào tay nước khác là bước đi rất đặc biệt, Tham mưu trưởng hải quân Đức Andreas Krause phát biểu tại lễ ký kết với người đồng cấp Ba Lan Miroslaw Mordel.

Tàu ngầm luôn là một trong những khí tài chiến lược nhất của mọi đất nước có biển và được xem là vấn đề an ninh quốc gia, được kiểm soát vô cùng chặt chẽ. Vì thế, cả Đức lẫn Ba Lan đều ca ngợi thỏa thuận giữa hai nước là bước ngoặt lịch sử.

Bên cạnh đó, Berlin và Warsaw cũng sẽ tổ chức các khóa đào tạo cho sĩ quan hai bên về cách điều khiển tàu ngầm của nhau. Tính gộp lại thì lực lượng chung sẽ cùng vận hành 11 tàu ngầm với 6 tàu lớp 212A của Đức và 5 tàu thuộc hải quân Ba Lan - gồm 1 chiếc lớp Kilo do Nga sản xuất và 4 chiếc lớp Kobben của Na Uy.

Giới sĩ quan hai nước và các nhà phân tích cũng bày tỏ kỳ vọng trong tương lai sẽ có thêm một số nước gia nhập trung tâm vận hành tàu ngầm chung. Theo Defense News, Đức đã đưa ra đề nghị với Na Uy và dựa trên quan hệ hiện có giữa 3 nước thì viễn cảnh Oslo nhận lời là điều có thể xảy ra.

Trong 5 tàu ngầm của Ba Lan có 4 chiếc được mua từ Na Uy, và Warsaw vẫn đang đàm phán với Oslo về các hợp đồng mới nhằm nâng cấp hạm đội của mình. Đức đang hy vọng ký được hợp đồng bán tàu ngầm cho Na Uy để thay thế 6 chiếc lớp Ula đã già cỗi trong thập niên tới.

Bản thân Đức cũng sẵn sàng trang bị thêm tàu có thiết kế tương tự để có thể vận hành chung với quốc gia Bắc Âu này, theo Defense News.

Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, chưa có bất kỳ bước tiến nào nhằm hiện thực hóa thỏa thuận hợp nhất lực lượng tàu ngầm Đức và Ba Lan đã ký kết. Và ORP Orze vẫn là chiếc tàu ngầm duy nhất của Ba Lan có thể thực hiện nhiệm vụ dù rủi ro rất cao.

Hòa Bình

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/vu-khi/bao-duc-tau-ngam-ba-lan-noi-duoc-la-ky-tich-3433034/